|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dạy nghề cho lao động nông thôn năm 2013: Giảm số lượng, nâng chất lượng

Theo Sở LĐ-TB&XH, chỉ tiêu dạy nghề lao động nông thôn (LĐNT) năm 2013 giảm mạnh so với những năm trước đây, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giúp lao động sau khi ra nghề dễ tìm được việc làm và tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập.

Chị Hà Ngọc Hồng Thanh (ngoài cùng bên trái, ở khối Kim Châu, phường Bình Định, An Nhơn) vừa ra nghề được Công ty TNHH may Âu Lạc nhận vào làm việc.


Ưu tiên các xã điểm xây dựng nông thôn mới, vùng sâu, vùng xa

Do kinh phí và chỉ tiêu đào tạo nghề LĐNT năm nay bị Trung ương cắt giảm nên khi phân chỉ tiêu cho các trung tâm, trường dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH đưa ra tiêu chí ưu tiên dạy nghề cho các xã điểm xây dựng nông thôn mới, các xã vùng sâu, vùng xa - những nơi mà người lao động có nhu cầu học nghề thực sự. Mặt khác, chỉ tiêu ít cũng là điều kiện để các trung tâm nâng cao chất lượng đào tạo, giải quyết tốt việc làm cho người lao động sau khi ra nghề.

Với mục tiêu nâng chất lượng, năm nay Trung tâm Dạy nghề Tây Sơn chỉ nhận 290 chỉ tiêu (giảm 105 chỉ tiêu) dạy nghề cho LĐNT, với 7 nghề: May công nghiệp, điện tử dân dụng, điện dân dụng, kỹ thuật hàn, sửa chữa máy nông nghiệp, kỹ thuật tiện và kỹ thuật xây dựng. Trung tâm Dạy nghề An Nhơn năm nay cũng còn 360 chỉ tiêu đào tạo nghề LĐNT, giảm 30 chỉ tiêu so với năm trước. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm, dù Trung tâm có nhiều năm kinh nghiệm làm công tác tuyển sinh nhưng năm nay việc tuyển sinh học nghề cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vì giữa Sở LĐ-TB&XH với các trung tâm dạy nghề có ký kết hợp đồng, nếu tuyển sinh không đủ thì được phép trả chỉ tiêu, nên không gây áp lực lớn cho các trung tâm, tránh được tình trạng chạy theo số lượng để hoàn thành chỉ tiêu.

Ra nghề có việc làm ngay

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề An Nhơn, cho biết, nhiều nghề như may công nghiệp, hàn, điện tử dân dụng, điện dân dụng… ra nghề có nơi làm việc ngay, vì các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đến đặt hàng tuyển dụng thường xuyên. Chị Đặng Thị Bích Liễu (thôn Háo Lễ, xã Phước Hưng, Tuy Phước) tỏ vẻ hứng thú và quyết tâm khi tham gia lớp may công nghiệp do Trung tâm Dạy nghề An Nhơn tổ chức dạy lưu động tại xã Phước Hưng: “Lâu nay tôi đi làm phụ hồ, công việc nặng nhọc lại thường đi làm xa nhà, thấy các tổ hợp may gia công mở nhiều ở địa phương đang cần công nhân, nên khi có lớp may tổ chức tại địa phương tôi và nhiều chị em khác trong thôn rủ nhau đi học, bởi học xong ra nghề có nơi nhận vào làm việc ngay”.

Thậm chí, để cạnh tranh tuyển lao động, Công ty TNHH may Âu Lạc, mở xưởng tại Trung tâm Dạy nghề An Nhơn, khi các lao động học xong 3 tháng nghề là Công ty tuyển dụng ngay tại chỗ. Cách làm này được ông Nguyễn Lương Dương, Giám đốc Công ty TNHH may Âu Lạc, lý giải: “Do Công ty có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn công nhân nên phải “đi tắt, đón đầu” như vậy nhằm tuyển được lao động có tay nghề để vừa làm việc, vừa tiếp tục đào tạo nâng cao tay nghề, sau đó đưa về xưởng lớn tại Công ty làm việc”.

 

Theo baobinhdinh.com.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật