Đề án vị trí việc làm - không thể chậm trễ!
Tại Kỳ họp thứ Sáu vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội Khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến hết Kỳ họp thứ Tư về giám sát chuyên đề, chất vấn. Theo đó, Nghị quyết nêu rõ, chậm nhất đến quý II.2024, hoàn thành việc xây dựng Đề án vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Chính phủ, cơ quan hành chính nhà nước.
Chỉ hơn 1 tuần sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết này, ngày 8.12, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai xây dựng, quản lý vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Hội nghị này do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng và quản lý vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập chủ trì. Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 520/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang về nội dung quan trọng này. Điều đó cho thấy, Chính phủ đã chủ động vào cuộc rất sớm, quyết liệt nhằm triển khai yêu cầu tại nghị quyết của Quốc hội.
Để triển khai đồng bộ việc xây dựng, quản lý vị trí việc làm ở các bộ, ngành và địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng Đề án và phê duyệt vị trí việc làm của cơ quan, đơn vị mình, chủ động lựa chọn phương thức triển khai phù hợp, đẩy mạnh phân cấp trong khuôn khổ quy định của pháp luật, bảo đảm tuân thủ các chủ trương, nguyên tắc của Trung ương. Đồng thời, bảo đảm tính linh hoạt, tinh thần khó tới đâu gỡ tới đó, không cầu toàn nhưng không được chủ quan, hời hợt, mục tiêu là đạt chất lượng cao nhất, bảo đảm hoàn thành trước ngày 31.3.2024.
Vị trí việc làm gắn với ngạch của công chức hoặc chức danh nghề nghiệp của viên chức và cũng là căn cứ để cơ quan quản lý công chức, viên chức tuyển dụng và quản lý các đối tượng này. Qua đó giúp cho việc nâng cao chất lượng công chức, viên chức. Do đó, việc hoàn thiện vị trí việc làm có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tăng tính chuyên nghiệp trong nền công vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy.
Không phải cho đến thời điểm này, vấn đề vị trí việc làm mới được đặt ra mà vấn đề này đã có kế hoạch triển khai từ năm 2012. Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế và đặc biệt cơ quan chủ trì là Ban Tổ chức Trung ương được Ban Bí thư giao nhiệm vụ chủ trì để xây dựng vị trí việc làm cho cả hệ thống chính trị. Tính đến thời điểm hiện nay, Chính phủ đã ban hành 2 nghị định gồm: Nghị định số 62/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và biên chế công chức và Nghị định số 106/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập; 20/20 bộ, ngành đã ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành; 15/15 bộ, ngành đã ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Tuy vậy, quá trình triển khai thực hiện yêu cầu về vị trí việc làm gặp không ít khó khăn, bởi việc giao chỉ tiêu biên chế và vị trí việc làm chưa gắn liền với nhau. Trong khi đó, theo yêu cầu tinh giản biên chế như hiện nay thì khó khăn trong việc bảo đảm biên chế theo vị trí việc làm…
Việc xây dựng Đề án vị trí việc làm và phê duyệt vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập phải bảo đảm mục tiêu cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và thực hiện tinh giản biên chế công chức và giảm biên chế viên chức hưởng lương ngân sách nhà nước. Xây dựng Đề án vị trí việc làm là việc khó khăn, nhạy cảm và phức tạp, bởi liên quan trực tiếp đến con người, đến việc làm của cán bộ, công chức, viên chức. Nhưng dù khó khăn đến mấy, chúng ta cũng phải thực hiện.
Quỹ thời gian để hoàn thành Đề án vị trí việc làm trước ngày 31.3.2024 không còn nhiều. Đây là nhiệm vụ chính trị, là yêu cầu đòi hỏi từ thực tiễn về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời là cơ sở để thực hiện chính sách cải cách tiền lương. Điều này đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải “chạy đua” với thời gian, nỗ lực, quyết tâm cao nhất để về đích đúng hạn. Trong đó không thể thiếu được vai trò của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và nhạy cảm này.