|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giao lưu trực tuyến Thực hiện chính sách người có công và Bảo trợ xã hội

Sáng nay (08/11), Sở Thông tin và Truyền thông Bình Định phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Bình Định tổ chức giao lưu trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử với chủ đề: “Giao lưu trực tuyến Thực hiện chính sách Người có công và Bảo trợ xã hội”, nhằm cung cấp những thông tin cần thiết đồng thời giải đáp những thắc mắc của các cơ quan, tổ chức và cá nhân về công tác quản lý thực hiện chính sách Người có công và Bảo trợ xã hội. Ông Phan Như Hải-PGĐ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì buổi giao lưu.

Ban biên tập Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Bình Định vẫn đang tiếp nhận câu hỏi từ các cơ quan, tổ chức và cá nhân quan tâm về công tác quản lý thực hiện chính sách người có công và Bảo trợ xã hội. Buổi giao lưu trực tuyến kết thúc vào lúc 11h00 cùng ngày.

Ban biên tập Cổng thông tin đang cập nhật và trả lời:

Câu hỏi 1: Theo tôi được biết, Đà Nẵng có chính sách để hạn chế đối tượng ăn xin, đánh giày, bán vé số trên địa bàn thành phố, vậy tỉnh ta có chủ trương gì về vấn đề này không?
Trả lời:

Thực hiện Quyết định số 617/QĐ-UBND ngày 31/12/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định về việc ban hành Đề án giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011- 2015; Quyết định số 3079/QĐ-CTUBND ngày 30/12/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch tập trung đối tượng lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh năm 2012. Các ngành chức năng thường xuyên tổ chức các đợt tập trung các đối tượng vào các cơ sở bảo trợ để quản lý chăm sóc và nuôi dưỡng.



Câu hỏi 2: Xin anh (chị ) vui lòng cho biết điều kiện nào thì người lớn tuổi được nhận vào ở tại các Trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh?
Trả lời:

Theo quy định tại Nghị định 68/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008, Nghị định 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 và Nghị định 13/2010/NĐ-CP ngày 27/02/2010 của Chính phủ quy định đối tượng là người lớn tuổi được tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội là người cao tuổi (từ đủ 60 tuổi trở lên) cô đơn không nơi nương tựa, thuộc hộ gia đình nghèo thì được tiếp nhận vào Trung tâm bảo trợ xã hội.



Câu hỏi 3:  Bố tôi là thương binh hạng 3/4, hiện tại gia đình tôi rất khó khăn nên tôi không thể học đại học được. Vậy xin quý cơ quan cho tôi hỏi hiện nay tỉnh Bình Định có chính sách đào tạo nghề cho những đối tượng như tôi hay không?
Trả lời:

Anh /chị là con thương binh hạng ¾ (mất sức lao động dưới 61%), nếu không có điều kiện tiếp tục học đại học mà tham gia học nghề trên địa bàn tỉnh Bình Định, thì được hưởng các chính sách ưu đãi về giáo dục và trợ cấp xã hội sau:

1.    Học nghề ở trình độ Sơ cấp nghề thì có các chính sách:

- Chính sách trợ cấp học nghề của UBND tỉnh Bình Định theo Quyết định số 123/QĐ-UBND ngày 29/02/2008, cụ thể được hưởng trợ cấp 150.000 đồng/tháng;

- Nếu học nghề theo Đề án ĐTN cho lao động nông thôn đến năm 2020 thì có các chính sách sau:

+ Miễn học phí học nghề,

+ Hỗ trợ tiền ăn trong thời gian học nghề: 15.000 đồng/ngày thực học

+ Hỗ trợ tiền đi lại mức 200.000 đồng/khóa đào tạo.

Ngoài ra còn được vay vốn học nghề và giải quyết việc làm.

2.    Học nghề trình độ Trung cấp nghề, Cao đẳng nghề (từ 1 năm trở lên)

- Trợ cấp 100.000 đồng/tháng theo Quyết định số 123/QĐ-UBND ngày 29/02/2008,

- Trợ cấp Ưu đãi giáo dục đào tạo theo TTLT số 16/2006/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BTC, cụ thể:

+ Miễn học phí học nghề,

+ Trợ cấp 1 lần mua sách vở,

+ Trợ cấp xã hội hàng tháng,

Mức trợ cấp cụ thể theo từng thời điểm.



Câu hỏi 4: Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tại địa phương gia đình tôi là một trong những người đi đầu trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong giai đoạn 1954-1975, cha tôi ông Đặng Kỷ là một trong những đảng viên đầu tiên của xã Mỹ An, ông đã có nhiều cống hiến cho đất nước lúc bây giờ như cơm, áo, gạo, tiền... Biết được, bọn địch đã cho đốt nhà, lừa bò tịch thu ruộng đất, truy lùng gay gắt bắt cho bằng được cả gia đình để uy hiếp tinh thần. Không khuất phục, cha tôi còn đưa hết 3 người con mình vào tham gia hoạt động cho cách mạng và đã lần lược hy sinh, được nhà nước công nhận là liệt sỹ gồm Đặng Ngọc Châu và Đặng Ngọc Du, bản thân tôi cũng thoát ly, tham gia cách mạng từ năm 1960 -1974 trở về và mang trong người nhiều bệnh tật, hiện nay là bệnh binh 61%. cha tôi sau nhiều lần bịch địch bắt tù đày đến cuối năm 1973 được trả về với nhiều thương tích và đã mất mất đi ở tuổi 77. Từ đó đến nay 2 liệt sỹ không vợ, không con, không người hương khói, mồ mã được theo ông bà. cha tôi chưa nhận được một sự đãi ngộ nào của Nhà nước đễ hương hồn được thanh thản. Xin hỏi Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Định với những cống hiến của cha tôi như vậy hiện nay cha tôi có được sự đãi ngộ gì của Nhà nước để ghi công người đã khuất không? 
 

Trả lời:

* Về chế độ đối với người Hoạt động cách mạng bị địch bắt tù, đày:

Căn cứ khoản 3, Điều 29, Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16/7/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng có hiệu lực từ ngày 01/9/2012 quy định

“Trường hợp người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày đã chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị dịch bắt tù, đày thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần.”

* Về chế độ đối với thân nhân liệt sỹ:

Theo Pháp lệnh số 04/UBTVQH13 ngày 16/7/2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định: Liệt sĩ không còn thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng thì người được giao thờ cúng liệt sĩ được hưởng trợ cấp mỗi năm một lần;”

Hiện nay Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định trình Chính phủ ban hành và các Thông tư hướng dẫn thi hành và triển khai thực hiện Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13. Vì vậy, việc lập và xét duyệt hồ sơ hưởng ưu đãi người có công sẽ được tiếp tục thực hiện khi các văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành Pháp lệnh được ban hành.

* Về thành tích tham gia cách mạng của cha ông và gia đình:

Đề nghị liên hệ cơ quan Thi đua – Khen thưởng các cấp đề được hướng dẫn xác lập hồ sơ khen thưởng thành tích cho những người có công với cách mạng trong thời kỳ kháng chiến theo Luật Thi đua – Khen thưởng.





Cán bộ Sở LĐ-TB&XH  đang trả lời câu hỏi trực tuyến.


Câu hỏi 5: Cha tôi là thương binh hạng 2/4 trong kháng chiến chống Mỹ; đồng thời, có quyết định hưởng trợ cấp chất độc da cam. Cha tôi vừa mới mất. Tôi xin hỏi sau khi ông mất, mẹ tôi sẽ được hưởng các chế độ gì từ cha tôi và thời gian được hưởng là bao lâu?
Trả lời:

Căn cứ Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16/7/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng có hiệu lực từ ngày 01/9/2012 quy định như sau:

- Tại Khoản 4, Điều 21, Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 quy định: Thương binh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất như sau:

a) Cha đẻ, mẹ đẻ; vợ hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ; con dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng;

b) Cha đẻ, mẹ đẻ; vợ hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ sống cô đơn không nơi nương tựa; con mồ côi cả cha mẹ dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng và trợ cấp tiền tuất nuôi dưỡng hàng tháng.

- Tại Khoản 4, Điều 26, Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13quy định:Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất như đối với thân nhân của bệnh binh.

* Về thời gian được hưởng: kể từ tháng liền kề khi đối tượng từ trần.

Như vậy trường hợp mẹ của ông (bà) thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp tuất từ trần hàng tháng theo quy định trên nhưng sẽ được hướng dẫn thủ tục giải quyết trong thời gian đến vì hiện nay Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định trình Chính phủ ban hành và các Thông tư hướng dẫn thi hành và triển khai thực hiện Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 . Vì vậy, việc lập và xét duyệt hồ sơ hưởng ưu đãi người có công sẽ được tiếp tục thực hiện khi các văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành Pháp lệnh mới được ban hành.




Câu hỏi 6:  Bố tôi là ông Nguyễn Đảm, sinh năm 1922, quê quán Hoài Phú-hoài Nhơn là cán bộ hưu trí nay đã qua đời năm 1993, tham gia 02 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ và tham gia hoat động cách mạng trong khoảng thời gian từ 1-1-1945 đến trước tổng khởi nghĩa 19-8-1945 . Đã làm hồ sơ hưởng chế độ tiền khởi nghĩa từ năm 2009 nhưng chưa được công nhận và trả lại hồ sơ. Theo lý lịch đảng viên thì bố tôi có khai: tháng 6/1945 là “ủy viên phụ trách quân sự làng Phú Lương” thuộc tổ chức Việt Minh tổng Mây (tức là người phụ trách đội tự vệ sắt của một làng); sau khởi nghĩa 19-8 dành chính quyền bố tôi vẫn giữ chức vụ ủy viên phụ trách quân sự của làng Phú Lương và có tên trong lịch sử đảng bộ hai xã Hoài Hảo-hoài Phú xuất bản năm 2005. Gia đình tôi đã lập hồ sơ đầy đủ theo hướng dẫn của Đảnh ủy xã và có thêm sự bản xác nhận của 02 nhân chứng lịch sử đã được công nhận là cán bộ tiền khởi nghĩa; thủ tục hồ sơ đã làm đầy đủ sau khi chuyển hồ sơ lên huyện thì huyện trả lại hồ sơ và trả lời rằng : thủ tục đầy đủ song theo hướng dẫn số 30HD- BTCTW chỉ nói các chức danh : Đội trưởng hoặc tổ trưởng, nhóm trưởng của đội, tổ, nhóm tự vệ chiến đấu, tuyên truyền giải phóng, thanh niên cứu quốc, nông dân cứu quốc, phụ nữ cứu quốc, thiếu nhi cứu quốc (ở địa phương nơi chưa hình thành tổ chức chúng cách mạng cấp xã) chứ không nói đến chức danh ủy viên phụ trách quân sự của một làng (xã), do đó không làm được chế độ. Theo hướng dẫn 30/HD-BTCTW ngày 12-8-2009 là như thế và chức danh của bố tôi đã nêu trên thì việc trả lời của cấp huyện đối với trường hợp của bố tôi đã trình bày trên có đúng không ? 
Trả lời:

Việc xem xét công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945 đã hy sinh, từ trần theo hướng dẫn số 30-HD/BTCTW ngày 12/8/2009 của Ban Tổ chức Trung ương do Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thành uỷ trực thuộc trung ương xét, quyết định; thuộc diện Ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương quản lý thì do Ban đảng, Ban cán sự đảng, Đảng đoàn, Đảng uỷ trực thuộc trung ương xét, quyết định. Đối với Quân đội nhân dân Việt Nam thì do Tổng cục Chính trị xét, quyết định.

Đề nghị ông liên hệ Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Định để được trả lời cụ thể./.



Câu hỏi 7: Những người tham gia hoat động cách mạng trong khoảng thời gian từ 1-1-1945 đến trước tổng khởi nghĩa 19-8-1945 nhưng không còn nhưng không còn lí lịch hoặc không có lí lịch và đã giữ các chức vụ như ở mục 3.1.2 nêu trên thì có thể căn cứ theo lịch sử đảng bộ xuất bản từ 2007 trở về trước, nhưng hiện tại đa số lịch sử đảng bộ ở các địa phương vì nhiều lí do khác nhau chỉ điểm lại một số nét lớn cơ bản, điển hình của từng giai đoạn lịch sử của địa phương đó và trong giai đoạn 1930-1945 đó đảng bộ 02 xã Hoài Hảo-Hoài Phú chỉ liệt kê tên của một số người của các tổ chức của Việt Minh tổng mây. Như vậy những người còn lại có cách nào để được công nhận hưởng chế độ theo nghị định 89/NĐ-CP không?
Trả lời:

Việc xem xem công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945 đã hy sinh, từ trần theo hướng dẫn số 30-HD/BTCTW ngày 12/8/2009 của Ban Tổ chức Trung ương do Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thành uỷ trực thuộc trung ương xét, quyết định; thuộc diện Ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương quản lý thì do Ban đảng, Ban cán sự đảng, Đảng đoàn, Đảng uỷ trực thuộc trung ương xét, quyết định. Đối với Quân đội nhân dân Việt Nam thì do Tổng cục Chính trị xét, quyết định.

Đề nghị ông liên hệ Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Định để hướng dẫn thực hiện.

 



Câu hỏi 8: Theo điểm b khoản 1 điều 2 Thông tư liên tịch số 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH của liên bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương bình và Xã hội hướng dẫn thực hiện Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 – 2015 thì: Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, vùng cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Việc xác định xã biên giới, vùng cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định hiện hành được miễn học phí theo quy định. -Tại khoản 2, điều 1 của Thông tư này cũng quy định: Thông tư này áp dụng đối với tất cả các loại hình nhà trường ở các cấp học và trình độ đào tạo và cơ sở giáo dục khác của hệ thống giáo dục quốc dân. Tôi có hộ khẩu thường trú tại xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỳ, tỉnh Bình Định (thuộc xã bãi ngang ven biển), con tôi đang là sinh viên trường Đại học Quang Trung – Quy Nhơn. Xin hỏi quý cơ quan con tôi có được miễn học phí theo quy định không? 
Trả lời:

Con của ông là sinh viên có hộ khẩu thường trú xã Mỹ Lợi là xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được Thủ tướng công nhận tại Quyết định 113/2007/QĐ-TTg ngày 20/7/2007, theo Quy định tại Nghị định 49 và Thông tư 29 là đối tượng được hỗ trợ miễn học phí, nhưng để được hưởng chính sách này thì con của ông phải học chính quy tại các trường Đại học công lập. Tuy nhiên cháu hiện là sinh viên đại học Quang Trung đây là cơ sở giáo dục ngoài công lập, do đó con của ông không được hưởng chính sách hỗ trợ miễn học phí theo quy định tại Nghị định 49, Thông tư 29, điều này quy định rõ tại khoản 3, Điều 3, Thông tư 29.

 




Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH và Sở TT&TT đang tham gia giao lưu.

Câu hỏi 9:  Nguyên cha tôi là hưu trí nghĩa hưu, khi cha tôi mất năm 1998 mẹ tôi chưa hết tuổi lao động nên Phòng TBXH Hoài nhơn giải quyết chế độ tiền tuất một lần. Vây nay, mẹ tôi đã 65 tuổi có được hưởng chế độ tiền tuất hàng tháng của cha tôi không, hay có chế độ đãi ngộ gì trong trường hợp như mẹ tôi không?
Trả lời:

Tại thời điểm cha anh (chị) mất, mẹ anh (chị) chưa đủ điều kiện để hưởng trợ cấp tuất hàng tháng, nhưng mẹ anh (chị)  đã được giải quyết hưởng trợ cấp tử tuất một lần theo quy định tại Nghị định số 12/CP ngày  26/01/1995 của Chính phủ, do đó nay mẹ anh (chị) không được trợ cấp tuất hàng tháng theo quy định tại Điều 36 của Nghị định số 152/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc:

Trường hợp nếu gia đình anh (chị) giặp khó khăn có thể liên liên hệ với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Hoài Nhơn để được xem xét giải quyết.

 


Câu hỏi 10:  Cha tôi lúc còn sống hưởng chế độ hưu trí quân đội từ khi nghỉ hưu đến khi mất ở Bình Định vào tháng 7 năm 2007. Sau khi Cha mất, tôi có đến BHXH huyện để được hướng dẫn làm chế độ trợ cấp BHXH cho mẹ tôi và ông bà ngoại. - Nhưng BHXH huyện chỉ giải quyết được cho mẹ tôi còn ông bà ngoại tôi thì không được; BHXH huyện giải thích vì ông bà ngoại tôi không có hộ khẩu chung trong sổ hộ khẩu của gia đình tôi (ông bà có sổ hộ khẩu riêng nhưng sống gần nhà tôi cùng thôn, cùng xã, cùng huyện) nên không được giải quyết. Như vậy tôi xin hỏi: Trường hợp của ông bà ngoại tôi theo quy định của Luật BHXH Việt Nam thì có đủ điều kiện hưởng trợ cấp hàng tháng hay không? Nếu được thì cần những thủ tục gì để làm hồ sơ trợ cấp bổ sung và liên hệ ở đâu để được giải quyết, cũng như có được nhận truy lĩnh không?
Trả lời:

Căn cứ Điều 64 của Luật Bảo hiểm xã hội; Điều 36 của Nghị định số 152/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc:

Tại thời điểm cha anh mất nếu cha anh đang là người có trách nhiệm nuôi dưỡng ông bà ngoại của anh, ông ngoại anh đủ 60 tuổi trở lên và bà ngoại  đủ 55 tuổi trở lên hoặc ông của anh dưới 60 tuổi, bà ngoại dưới 55 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và ông bà ngoại của anh không có thu nhập hoặc có thu nhập hằng tháng nhưng thấp hơn mức lương tối thiểu chung, thì sẽ được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng theo quy định.

Trường hợp ông bà ngoại của anh thuộc trường hợp nêu trên mà chưa được giải quyết thì ông anh liên hệ với cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Định để được giải quyết theo đúng quy định hiện hành.

 


Câu hỏi 11:  Chúng tôi là con của thương binh. Nhà có 3 chị em cùng học các trường cao đẳng và Đại học ở TP.HCM và 1 đứa em học ở trường THCS Mỹ Hiệp. Năm 2011 mấy chị em đã có xác nhận ở tại trường học gửi sổ ƯĐGD về nhà và gia đình đem nộp 4 sổ ở xã Mỹ Hiệp, và được chuyển ra phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện Phù Mỹ. theo quy định thì sẽ chi trả và tháng 9 hoặc tháng 10 nhưng gia đình chỉ nhận về được 2 sổ và còn 2 sổ nữa vẫn đang nằm ở phòng LĐ-TB mà không có thông báo là thiếu sót hay gì hết. Vậy em muốn hỏi trong trường hợp này là vì sao? ai sai ?
Trả lời:

Về chi trả trợ cấp ưu đãi Giáo dục – Đào tạo đối với con của đối tượng người có công với cách mạng theo quy định do Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Phù Mỹ căn cứ sổ ưu đãi giáo dục, đào tạo đã được cơ sở giáo dục và đào tạo nơi học sinh, sinh viên đang học xác nhận để thực hiện chế độ ưu đãi.

Đề nghị liên hệ Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Phù Mỹ để được xem xét trả lời cụ thể.



Câu hỏi 12: Việc xác định số khấu, số hộ để công nhận hộ nghèo theo sổ hộ khẩu gia đình, nhưng có những hộ: có khẩu trong sổ nhưng thực tế không còn sống tại địa phương, như thế thì việc xác định này như thế nào?
Trả lời:

Theo hướng dẫn quy trình điều tra, ra soát hộ nghèo, hộ cận nghèo thì chỉ những hộ nào sinh sống trên địa bàn từ 6 tháng trở lên được đưa vào rà soát. Việc xác định các thành viên trong hộ qua xác định các thành viên đó được xác định qua thu chi gia đình, không xác định sổ hộ khẩu gia đình, có nghĩa là các thành viên trong hộ được xác định phải cùng chung quỹ thu chi trong 12 tháng qua.Vì vậy, câu hỏi của chị Mai nếu xác định nhân khẩu thực tế không còn sống tại địa phương thì không đưa vào rà soát, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo.



Câu hỏi 13:  Kính gửi: Ban Biên tập Cổng TTĐT Bình Định, Sở Lao động Thương binh và xã hội. Kính mong các đ/c trả lời giúp tôi một số câu hỏi như sau:

1. Tôi tham gia Cách mạng từ năm 1952, bộ đội bị tù đày ở Phú Quốc từ năm 1965 đến tháng 3 năm 1973, trao trả ở bờ Sông Thạch Hãn tỉnh Quảng Trị. Năm 1976 về nghỉ hưu. Với quá trình công tác như trên tôi được hưởng các chính sách gì của Nhà nước đối vời người có công.

2. Tôi chưa được hưởng chế độ B trọc; Chế độ Huy chương tù đày và Bằng khen chưa có; Tôi đã dược cấp Huân Chương giải phóng 1,2,3 (Mới có Giấy chứng nhận đeo Huân chương và Huân chương) nhưng Bằng khen 3 Huân chương 1,2,3 tôi chưa được cấp.

3. Các chế độ, chính sách và quy trình làm hồ sơ đề hưởng các chính sách tôi không nắm được, mong các đ/c hướng dẫn giúp.Tôi xin chân thành cảm ơn
Trả lời:

1/ Về chế độ đối với người Hoạt động cách mạng bị địch bắt tù, đày:

Căn cứ Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16/7/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng có hiệu lực từ ngày 01/9/2012 quy định Các chế độ ưu đãi đối với người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày bao gồm:

a) Tặng Kỷ niệm chương;

b) Trợ cấp hàng tháng;

c) Bảo hiểm y tế; điều dưỡng phục hồi sức khỏe hai năm một lần; cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình căn cứ vào tình trạng bệnh tật của từng người và khả năng của Nhà nước

Hiện nay Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định trình Chính phủ ban hành và các Thông tư hướng dẫn thi hành và triển khai thực hiện Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13. Vì vậy, việc lập và xét duyệt hồ sơ hưởng ưu đãi người có công sẽ được tiếp tục thực hiện khi các văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành Pháp lệnh được ban hành.

2/ Về chế độ đối với người tham gia ở chiến trường B,C,K: Đề nghị ông liên hệ UBND cấp xã hoặc Phòng Lao động – TB&XH để được hướng dẫn thủ tục hồ sơ giải quyết chế độ trợ cấp một lần theo Quyết định 290/2005/QĐ-TTg ngày 09/11/2005 của Chính phủ.

3/ Về việc giải quyết chế độ trợ cấp đối với người tham gia trong thời kỳ kháng chiến:

Theo như ông trình bày, Ông chưa được Nhà nước tặng thưởng Huân, huy chương kháng chiến nên chưa được hưởng chế độ trợ cấp theo quy định. Đề nghị liên hệ cơ quan Thi đua – Khen thưởng các cấp đề được hướng dẫn xác lập hồ sơ khen thưởng thành tích cho những người có công với cách mạng trong thời kỳ kháng chiến theo Luật Thi đua – Khen thưởng.




Câu hỏi 14:  Quyết định xuất ngũ Lào-Campuchia sao lục ở đâu để làm chế độ theo Quyết định 62
Trả lời:

Việc sao lục quyết định xuất ngũ tham gia chiến trường Lào - Campuchia để làm chế độ theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ đề nghị ông liên hệ đơn vị quản lý khi ông xuất ngũ hoặc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh để được xem xét giải quyết./.




Câu hỏi 15:  Những tỉnh nào của Campuchia làm được chế độ theo Quyết định của Thủ Tướng Chính Phủ về những người tham gia ở chiến trường Campuchia. - Thủ tục sao lục Quyết định xuất ngũ của Bộ Đội Tham gia chiến trường campuchia sau năm 1975;  Thủ tục làm hồ sơ theo Quyết định 62 của thủ tướng chính phủ cho những đối tượng không có giấy tờ. 
Trả lời:

Căn cứ Điều 1, Quyết định 62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định: Đối tượng trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào (sau đây gọi chung là đối tượng trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế) sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc; thì được xem xét giải quyết chế độ theo Quyết định trên.

Về thủ tục sao lục quyết định xuất ngũ của bộ độ tham gia chiến trường campuchia sau năm 1975. Đề nghị ông liên hệ đơn vị quản lý khi ông xuất ngũ hoặc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh để được xem xét giải quyết.

Thủ tục làm hồ sơ theo Quyết định 62 của thủ tướng chính phủ cho những đối tượng không có giấy tờ.

Theo hướng dẫn tại Thông tư số 01/2012/ TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 05/1/2012 hướng dẫn.

- Tổ chức xét duyệt hồ sơ đối tượng hưởng trợ cấp một lần, thành 3 giai đoạn:

+ Giai đoạn 1: Xét duyệt nhóm đối tượng có giấy tờ gốc hoặc được coi như giấy tờ gốc;

+ Giai đoạn 2: Xét duyệt nhóm đối tượng có giấy tờ liên quan;

+ Giai đoạn 3: Xét duyệt nhóm đối tượng không có giấy tờ.

(Quá trình tổ chức xét duyệt, kết hợp xét duyệt hồ sơ đối tượnghưởng chế độ trợ cấp một lần vớixét duyệt hồ sơ đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng).

Như vậy việc giải quyết chế độ đối với những trường hợp không có giấy tờ sẽ có hướng dẫn giải quyết sau.




Câu hỏi 16: Tôi có một đứa con 12 tuổi bị thiểu năng trí tuệ, được hội đồng giám định y khoa tỉnh giám định mất sức lao động 81%. Vậy con tôi có được hưởng chế độ người tàn tật năng không có khả năng tự phục vụ không? Xin cám ơn
Trả lời:

Trả lời: Theo quy định của Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủQuy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật (hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2012). Cháu được hội đồng giám định y khoa tỉnh giám định mất sức lao động 81% thì được trợ cấp xã hội của Người khuyết tật.

Đề nghị bà liên hệ với UBND xã (nơi gia đình bà cư trú) để được hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục.

 



Câu hỏi 17:  Địa phương tôi thuộc xã bãi ngang ven biển, có 1 đứa con đang học tại trường Xã hội nhân văn. Năm học vừa qua con tối có làm hồ sơ trợ cấp học phí theo Nghị định 49, nhưng đến nay chưa được giải quyết chế độ, nhiều lần tôi lên Phòng Lao động - TB và XH hội, cán bộ Phòng nói là chưa có kinh phí chi trả, phải chờ tỉnh. Cho tôi hỏi kinh phí đó khi nào có để giải quyết chế độ cho con tôi. Xin cảm ơn
Trả lời:

Hiện nay, kinh phí thực hiện Nghị định 49/2010/NĐ-CP đã được UBND tỉnh phân bổ về cho các huyện, thị xã, thành phố thực hiện chi trả cho các đối tượng theo quy định. Đến nay, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội cấp huyện đã thực hiện chi trả cho các năm học 2010-2011 và năm học 2011-2012, có một số địa phương đảm bảo kinh phí chi trả kết thúc năm học 2011-2012. Tuy nhiên, còn một số địa phương do phát sinh nhiều đối tượng miễn, giảm học phí nên kinh phí không đủ đảm bảo để thực hiện kết thúc năm học 2011-2012 nhất là huyện, thành phố có xã bãi ngang. Vấn đề này, ngày 05/11/2012 Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã có báo cáo UBND tỉnh xin bổ sung kinh phí cho các huyện, thị xã, thành phố để thực hiện cho đối tượng kết thúc năm học 2011-2012 và kinh phí thực hiện năm học tiếp theo 2012-2013.

 



Câu hỏi 18: Hiện tại trên đường phố Quy Nhơn, tôi thấy có một người ăn xin hai chân bị liệt hoàn toàn, phải bò trên đường phố để xin ăn. Cho hỏi, với trường hợp ấy, Sở sẽ làm gì để đảm dảo hơn cuộc sống cho ông ấy?
Trả lời:

Theo quy định của Nghị định số 13/2010/NĐ-CP ngày 27/02/2010 của Chính phủvề sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, thì UBND cấp xã nơi đối tượng sinh sống lập thủ tục cho hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng của người khuyết tật đặc biệt nặng để đảm bảo cuộc sống tối thiểu. Trường hợp người thuộc diện đơn thân, cuộc sống khó khăn thì được địa phương lập thủ tục để tiếp nhận vào Trung tâm Bảo trợ xã hội chăm sóc, nuôi dưỡng.



Câu hỏi 19: Chồng tôi chết cách đây 3 năm, tôi có 3 đứa con nhỏ, gia đình thuộc diện hộ nghèo. Vậy tôi có được hưởng chế độ trợ cấp xã hội không? Nếu được mức trợ cấp là bao nhiêu, điều đó được quy định tại văn bản nào 
Trả lời:

Tại khoản 9 Điều 4 Nghị định 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 và Nghị định 13/2010/NĐ-CP ngày 27/02/2010 của Chính phủ quy định đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội: Người đơn thân thuộc diện hộ nghèo, đang nuôi con nhỏ dưới 16 tuổi; trường hợp con đang đi học văn hoá, học nghề được trợ cấp đến dưới 18 tuổi.

Trường hợp của chị đề nghị liên hệ Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Hoài Nhơn để được hướng dẫn cụ thể thực hiện theo quy định.



Câu hỏi 20: Theo quy định, như thế nào là được coi là "người khuyết tật nặng". Tôi bị mất 7 ngón của 2 bàn tay do bom mìn sau chiến tranh, giám định y khoa mất sức lao động 21%. Vây tôi có được hưởng chế độ trợ cấp xã hội không. Xin cảm ơn
Trả lời:

Theo quy định của Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật (hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2012). Người khuyết tật nặng là người được hội đồng giám định y khoa tỉnh giám định mất sức lao động 61% thì được trợ cấp xã hội của Người khuyết tật. Trường hợp ông bị mất 7 ngón của 2 bàn tay do bom mìn sau chiến tranh, giám định y khoa mất sức lao động 21% không được trợ cấp xã hội.

 


Câu hỏi 21:  Kính gởi: Cổng thông tin điện tử, Sở LĐ-TB&XH Bình Định Tôi tên: Mai Đức Đãi, 35 tuổi thường trú tại xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn tỉnh Bình Định. Tôi có học vị Thạc Sĩ (chuyên ngành cơ học ứng dụng - Vương quốc Bỉ), Tiến Sĩ (chuyên ngành Cơ Khí Hàng Không -Hàn Quốc) và hiện đang là chuyên viên nghiên cứu sau tiến sĩ tại một trường đại học ở Seoul Hàn Quốc. Là một người con của quê hương Bình Định, sau bao năm đèn sách miệt mài xứ người nay tôi có nguyện vọng về làm việc tại chính quê hương nơi mình đã sinh ra, mong góp một phần nhỏ kiến thức mình đã học cho sự nghiệp phát triển tỉnh nhà. Được biết Bình Định đang có chính sách thu hút nhân lực bậc cao, vậy xin hỏi: 1- Đâu là nơi tôi có thể liên hệ để nộp hồ sơ xin xét tuyển ?, 2- Chế độ đãi ngộ của tỉnh nhà (nếu có) cho những ứng viên có bằng thạc sĩ, tiến sĩ được qui định thế nào ?. Xin chân thành cảm ơn. 
Trả lời:

Với nội dung câu hỏi của ông, thuộc thẩm quyền của Sở Nội vụ,  đề nghị ông liên hệ trực tiếp với Sở Nội vụ để được hướng dẫn cụ thể.



Câu hỏi 22: Tôi bị cụt cẳng tay trái, được Trung tâm y tế huyện xác nhận mất khả năng lao động. Cho tôi hỏi, tôi có được trợ cấp xã hội không? 
Trả lời:

Theo quy định tại Nghị định 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật thì đối tượng hưởng trợ cấp xã hội được xác định như sau:

- Người khuyết tật đặc biệt nặng khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận không có khả năng tự phục vụ hoặc suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

- Người khuyết tật nặng khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận có khả năng tự phục vụ sinh hoạt nếu có người, phương tiện trợ giúp 1 phần hoặc suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%.

Đối với trường hợp cụt cẳng tay trái của anh đề nghị liên hệ Hội đồng giám định y khoa xác định lại mức độ khuyết tật như hướng dẫn trên. Trường hợp được xác định mức độ khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng liên hệ Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội để được hướng dẫn thực hiện theo quy định.


Câu hỏi 23: Tôi có tham gia kháng chiến từ năm 1965 đến tháng 4/1975 ở vùng Mỹ rãi chất độc hóa học. Đề nghị cho biết điều kiện để được xem xét giải quyết chế độ?
Trả lời:

Căn cứ Khoản 1, Điều 26, Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16/7/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng có hiệu lực từ ngày 01/9/2012 quy định:

“Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là người được cơ quan có thẩm quyền công nhận đã tham gia công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu từ tháng 8 năm 1961 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 tại các vùng mà quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học và do nhiễm chất độc hóa học dẫn đến một trong các trường hợp sau đây:

a) Mắc bệnh làm suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên;

b) Vô sinh;

c) Sinh con dị dạng, dị tật.

Hiện nay Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định trình Chính phủ ban hành và các Thông tư hướng dẫn thi hành và triển khai thực hiện Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13. Vì vậy, Việc lập và xét duyệt hồ sơ hưởng ưu đãi người có công sẽ được tiếp tục thực hiện khi các văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành Pháp lệnh được ban hành.



Câu hỏi 24: Ban than toi la nguoi khuyet tat 61% thi duoc huong che do tien tro cap hang thang la bao nhieu mot thang va co duoc xin vay von cua ngan hang chinh sach cho nguoi khuyet tat de kinh doanh khong? 
Trả lời:

Theo quy định của Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật. Trường hợp ông là người khuyết tật 61%, theo quy định là người khuyết tật nặng được hưởng trợ cấp hàng tháng là 270.000 đồng (hệ số 1,5) và được vay vốn của Ngân hàng chính sách cho người khuyết tật để sản xuất, kinh doanh.

 


Câu hỏi 25: Tôi là công dân xã Hoài Sơn, cho tôi hỏi em tôi bị khèo chân (chân thấp, chân cao) đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội, nhận 180.000 đồng/tháng. Theo quy định của Luật Người khuyết tật, em tôi có tiếp tục được hưởng trợ cấp xã hội không. Nghị định 13/2010/ND-CP có cùng tồn tại với Luật người khuyết tật không? Xin cảm ơn lãnh đạo Sở Lao động thương binh xã hội
Trả lời:

Trường hợp em của ông bị khèo chân (chân thấp, chân cao) đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội, nhận 180.000 đồng/tháng, thì vẫn được tiếp tục hưởng trợ cấp theo quy định của Luật Người khuyết tật và Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật.

Nghị định số 28/2012/NĐ-CP thay thế Nghị định số 55/1999/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 1999 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh về người tàn tật, những quy định có liên quan đến người tàn tật và người tâm thần quy định tại Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội và Nghị định số 13/2010/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội.

 


Câu hỏi 26: Doanh nghiệp tôi mới thành lập nên chưa biết được thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận an toàn phòng chống cháy nổ. Vậy tôi muốn đăng ký thủ tục và được cấp giấy chứng nhận phải làm gi?
Trả lời:

Về thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận an toàn phòng chống cháy nổ: thuộc thẩm quyền giải quyết của cảnh sát Phòng cháy chữa cháy - Công an tỉnh. Đề nghị ông liên hệ với cảnh sát Phòng cháy chữa cháy - Công an tỉnh để được hướng dẫn lập thủ tục cấp giấy chứng nhận an toàn phòng chống cháy nổ.

 


Câu hỏi 27: Xin hỏi về chế độ với thân nhân đi thăm mộ liệt sỹ (như sau: Gia đình tôi đi thăm mộ Ông nội tôi là liệt sỹ, đoàn đi có 03 người: Bố tôi, Bác ruột tôi (đều là con đẻ của liệt sỹ)và tôi là cháu nội của liệt sỹ. Vậy trường hợp của tôi có được thanh toán tiền tàu, xe, hỗ trợ tiền ăn hay không? Xin sớm hồi âm. Cảm ơn nhiều!
Trả lời:

Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 16/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 1 năm 2007 của Chính phủ quy định về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, quản lý mộ, nghĩa trang, đài tưởng niệm, bia ghi tên liệt sĩ quy định: Thân nhân liệt sĩ được hỗ trợ kinh phí đi thăm viếng mộ liệt sĩ và hỗ trợ kinh phí khi di chuyển hài cốt liệt sĩ. Mức hỗ trợ theo hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính. Theo quy định tại Mục I Thông tư 01/2008/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 29/01/2008 quy định về đối tượng được hỗ trợ khi đi thăm viếng mộ liệt sĩ gồm có: Cha mẹ, vợ (chồng), con, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ, anh, chị, em ruột của liệt sĩ (gọi chung là thân nhân liệt sĩ),

Trường hợp ông là cháu nội của liệt sỹ được thân nhân liệt sĩ (cha, mẹ, vợ, chồng, con) uỷ quyền (có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã) thì được xem xét hỗ trợ kinh phí theo quy định.




Câu hỏi 28:  Nhiệm vụ của Thanh tra Sở LĐ-TB-XH là gì? Khi nào thì thanh tra vào cuộc?
Trả lời:

* Nhiệm vụ của Thanh tra Sở Lao động TBXH Bình Định:  

1. Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động và một số lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Sở.

2. Thanh tra việc chấp hành pháp luật tại các cơ quan đơn vị thuộc phạm vi quản lý của sở.

3. Thanh tra vụ việc khác do Giám đốc sở giao.

4. Yêu cầu Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc sở báo cáo về công tác thanh tra; tổng hợp, báo cáo kết quả về công tác thanh tra thuộc phạm vi quản lý của sở.

5. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của Giám đốc sở, Thanh tra sở.

6. Thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

7. Thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng".

* Khi nào thanh tra vào cuộc: Hàng năm, Thanh tra Sở có xây dựng kế hoạch thanh tra trình lãnh đạo Sở phê duyệt để thực hiện và thực hiện thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Lãnh đạo Sở.




Câu hỏi 29: Trên địa bà tỉnh Bình Định, trẻ em dưới 15 tuổi đi đánh giày trên đường phố là rất nhiều. Vấn đề này, Sở LĐTBXH có những giải pháp gì?
Trả lời:

Để hạn chế tình trạng trẻ em lang thang kiếm sống trên đường phố, Sở Lao động-TB&XH đã có nhiều giải pháp như sau:

- Đối với trẻ em lang thang, kiếm sống trên đường phố: Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các ngành liên quan hỗ trợ đưa các em trở về địa phương, đối với các em còn diện đi học thì sẽ được trợ giúp để được tiếp tục đi học, trường hợp các em có nhu cầu học nghề thì được tạo điều kiện để học nghề, tạo việc làm phù hợp với khả năng.

- Đối với số trẻ em lang thang kiếm sống trên đường phố cùng gia đình: tư vấn cho các em cùng gia đình cam kết không để các em kiếm sống trên đường phố, vận động trở về quê hương. Sau đó tạo điều kiện cho các em được học văn hóa, học nghề, tạo việc làm.

- Đối với trẻ lang thang, kiếm sống do mồ côi, không nơi nương tựa: có giải pháp đưa các em vào nuôi dưỡng tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội của tỉnh.

 Tuy đã thực hiện nhiều giải pháp như trên nhưng thực tế tại từng thời điểm nhất định, trên địa bàn tỉnh nói chung và thành phố Quy Nhơn nói riêng vẫn còn xuất hiện tình trạng trẻ em lang thang đi bán vé số, đánh giày, bán báo…do vậy hiện nay Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo các địa phương tổng rà soát, điều tra toàn bộ số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh, trong đó có số đối tượng trẻ em nói trên để có biện pháp hỗ trợ kịp thời cho các em.



Câu hỏi 30: Tôi bị mất một bàn chân do tai nạn giao thông, được Trung tâm y tế xác nhận là người tàn tật không có khả năng lao động. Vây tội có được nhận 180.000 đồng một tháng và bảo hiểm không. Xin Chân thành cảm ơn
Trả lời:

Căn cứ vào mức độ khuyết tật để xác định đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội, trường hợp anh mất bàn chân nếu được Hội đồng giám định y khoa xác định mức độ khuyết tật từ 61% đến 80% là khuyết tật nặng hoặc được xác định mức độ khuyết tật từ 81% trở lên là đặc biệt nặng thì được hưởng trợ cấp xã hội.

- Mức độ khuyết tật nặng được trợ cấp 270.000 đồng/tháng.

- Mức độ khuyết tật đặc biệt nặng được trợ cấp 360.000 đồng/tháng.

Trường hợp anh được xác định mức độ khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng liên hệ Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Phù Mỹ để được hướng dẫn thực hiện theo quy định.



Câu hỏi 31: Tôi là vợ của liệt sỹ (nay đã tái giá), vừa là mẹ của liệt sỹ. Tôi Đang hưởng chế độ trợ cấp tuất hàng tháng của con trai tôi,còn chế độ của vợ liệt sỹ tôi chưa được hưởng chế độ gì (đã được công nhận là vợ liệt sỹ rồi). Như vậy tôi có đủ điều kiện để làm thủ tục hồ sơ hưởng chế độ tuất 2 liệt sỹ không, hay là hưởng 02 chế độ. Nếu được thì thủ tục hồ sơ làm như nào?
Trả lời:

Căn cứ khoản 2, Nghị định 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 của Chính phủ quy định: Trường hợp vợ hoặc chồng liệt sĩ đã lấy chồng hoặc lấy vợ khác nhưng đã nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc bố mẹ liệt sĩ khi còn sống được Ủy ban nhân dân cấp xã công nhận thì được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng”

Tuy nhiên, theo Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16/7/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng có hiệu lực từ ngày 01/9/2012.Hiện nay Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định trình Chính phủ ban hành và các Thông tư hướng dẫn thi hành và triển khai thực hiện Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13.

Vậy, trường hợp của bà sẽ được hướng dẫn và xét duyệt hồ sơ hưởng ưu đãi tuất vợ liệt sỹ tái giá khi các văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành Pháp lệnh được ban hành.




Câu hỏi 32: Cha tôi là liệt sỹ đã được nhà nước công nhận, nhưng vì trước đó trong giấy chứng nhận gia đình liệt sỹ khai tên của mẹ tôi thiếu chữ lót và sai năm sinh, để được hưởng chế độ mẹ tôi phải làm những gì? Nhờ cấp trên hướng dẫn cho tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn! 
Trả lời:

Để có cơ sở cấp lại giấy chứng nhận gia đình liệt sỹ theo đúng tên, chữ lót và năm sinh, bà phải có đơn đề nghị điều chỉnh, kèm Giấy chứng nhận tình hình thân nhân trong gia đình liệt sỹ (khai theo đúng thực tế họ, tên, năm sinh đang dùng), bản sao giấy chứng minh nhân dân và nộp cho UBND cấp xã kiểm tra xác nhận và đề nghị phòng Lao động – TB&XH cấp huyện lập danh sách gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét điều chỉnh./.




Câu hỏi 33:  Cho tôi xin hỏi 2 vấn đề như sau: 1. Tôi đang công tác tại một cơ quan sự nghiệp nhà nước thuộc Bộ Lao động – Thương binh - Xã hội theo hợp đồng lao động dài hạn nhưng không hề có lương cơ bản, lương được tính theo sản phẩm, vì thế nếu tháng nào không có sản phẩm sẽ không có lương. Nếu theo quy định tại Điều 7 Luật Lao động thì như vậy có đúng không ạ. 2. Hiện nay, hàng tháng tôi hưởng lương theo sản phẩm, tháng có sản phẩm thì có lương, còn không có sản phẩm sẽ không nhận lương. Trong năm, nếu nhận đủ số tiền (640.000 x 12 tháng) thì được gọi là nhận đủ lương, còn nếu nhận thấp hơn thì cũng không thấy hỗ trợ thêm, còn nếu vượt thì gọi là vượt lương, trong khi lương cơ bản do Nhà nước quy định hiện nay là 1.050.000 đồng. Như vậy cách tính lương như trên có đúng theo quy định của nhà nước không? Rất mong nhận được câu trả lời của Quý Sở. Xin chân thành cảm ơn. 
Trả lời:

1. anh (chị) đang công tác tại một cơ quan sự nghiệp nhà nước thuộc Bộ Lao động – Thương binh -  Xã hội. Nội dung anh ( chị) hỏi  thuộc thẩm quyền hướng dẫn của Sở Nội vụ, đề nghị anh (chị) liên hệ Sở Nội vụ để được hướng dẫn cụ thể.

2. Tiền lương của người lao động được thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, giữa người lao động và người sử dụng lao động. Trường hợp anh (chị) thấy chưa thỏa đáng trong cách trả lương  thì có thể kiến nghị với người sử dụng lao động xem xét lại cách trả lương.



Câu hỏi 34:  Kính gửi: Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Định. Cha tôi bị bệnh ung thư bướu hạch ở cổ Theo Nghị định 67/2007/NĐ-CP thì cha tôi có được hưởng chế độ bảo trở xã hội không? Tôi xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:

Trả lời: Trường hợp của anh hỏi hiện nay chưa có quy định thực hiện cho những đối tượng này.
 


Câu hỏi 35: Tôi là vợ của BB 2/3 (61%)có thắc mắc như sau: Khi chồng tôi mất tôi mới được 54 tuổi. Vậy xin hỏi tôi có được hưởng trợ cấp tuất từ trần không?
Trả lời:

Căn cứ khoản 4, Điều 25, Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16/7/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng có hiệu lực từ ngày 01/9/2012 quy định Bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên chết thì thân nhân được trợ cấp tiền tuất như sau:

a) Cha đẻ, mẹ đẻ; vợ hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ; con dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng;

b) Cha đẻ, mẹ đẻ; vợ hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ sống cô đơn không nơi nương tựa; con mồ côi cả cha mẹ dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng và trợ cấp tiền tuất nuôi dưỡng hàng tháng.

Như vậy, trường hợp của bà đủ điều kiện hưởng tuất từ trần theo quy định tại Pháp lệnh 04/2012/UBTVQH13. Tuy nhiên, hiện nay Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định trình Chính phủ ban hành và các Thông tư hướng dẫn thi hành và triển khai thực hiện Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13.

Vì vậy, việc lập và xét duyệt hồ sơ hưởng ưu đãi tuất từ trần của bà sẽ được thực hiện khi các văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành Pháp lệnh được ban hành.



Câu hỏi 36: Tôi bị tai nạn giao thông, được Trung tâm y tế huyện xác nhận mất khả năng lao động. Vây tôi có được hưởng trợ cấp xã hội theo nghị định 13/2013/NĐ-CP không? Xin cảm ơn.
Trả lời:

Theo quy định tại Nghị định 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật thì trường hợp anh bị tai nạn giao thông nếu được Hội đồng giám định y khoa xác định mức độ khuyết tật từ 61% đến 80% là khuyết tật nặng hoặc được xác định mức độ khuyết tật từ 81% trở lên là đặc biệt nặng thì được hưởng trợ cấp xã hội.

 

Câu hỏi 37: Tôi có 01 người con đi tham gia cách mạng, hy sinh được nhà nước công nhận liệt sĩ. Tôi , vợ và con dâu tôi đã được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo quy định của nhà nước. Nhưng do điều kiện hoàn cảnh khó khăn, con dâu tôi muốn về sống chung đứa cháu nội (con ruột của liệt sĩ) ở một tỉnh khác. Nhưng khi đến cơ quan lao động thương binh xã hội thì được trả lời là không thể giải quyết theo yêu cầu với lý do: Hồ sơ liệt sĩ di chuyển phải đính kèm toàn bộ hồ sơ (bản gốc), với lại hồ sơ liệt sĩ chỉ có 01 bản gốc lưu tại Sở thương binh xã hội; trong khi thân nhân chủ yếu của liệt sĩ còn sống và đang hưởng trợ cấp tại tỉnh nhà. Với quy định như vây, trưởng hợp của con dâu tôi được giải quyết như thế nao?
Trả lời:

Theo tài liệu hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành tháng 11/2006 hướng dẫn: "Trường hợp có nhiều thân nhân chủ yếu đang hưởng chế độ ưu đãi, trong đó có thân nhân chuyển đi thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp cho thân nhân chuyển đi một bộ hồ sơ sao y bản chính (câu 178 trang 128)"

Vậy, trường hợp con dâu của ông đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng tuất vợ liệt sỹ có nguyện vọng di chuyển hồ sơ liệt sĩ đến nơi cư trú mới, do ông và vợ của ông đang hưởng trợ cấp tuất liệt sỹ tại tỉnh Bình Định nên Sở Lao động – Thương binh và Xã hội giới thiệu và gửi bản sao hồ sơ liệt sỹ đến địa phương nơi con dâu ông đang cứ trú đúng theo quy định.




Câu hỏi 38: Cho tôi xin hỏi: Người khuyết tật được hội đồng giám định kết luật dưới có khả năng phục vụ hoặc suy giảm khả năng lao động 61% thì có được hưởng trợ cấp "người tàn tật nặng không có khả năng lao động" theo Nghị định 13/2010/NĐ-CP không? Xin chân thành cảm ơn.
Trả lời:

Hiện nay thực hiện chính sách trợ cấp xã hội cho Người khuyết tật được áp dụng theo quy định tại Nghị định 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Người khuyết tật. Trường hợp của anh hỏi thì Người khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội phải được Hội đồng giám định y khoa xác định mức độ khuyết tật từ 61% đến 80% là khuyết tật nặng hoặc được xác định mức độ khuyết tật từ 81% trở lên là đặc biệt nặng thì được hưởng trợ cấp xã hội. Căn cứ mức độ khuyết tật thì có các mức trợ cấp khác nhau.




Câu hỏi 39:  Bố cháu là bệnh binh mất khả năng lao động 61%. Cháu là sinh viên được cử tuyển đi học. Vậy cháu có hưởng được chế độ chính sách ưu đãi trong giáo dục đào tạo không? 
Trả lời:

Theo hướng dẫn tại điểm b khoản 2 Mục I, Thông từ 16/2006/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BTC ngày 20/11/2006 hướng dẫn về chế độ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo đối với người có công với cách mạng và con của họ quy định: "Không áp dụng chế độ trợ cấp hàng tháng đối với học sinh, sinh viên thuộc diện ưu đãi mà hưởng lương hoặc sinh hoạt phí khi đi học"

Căn cứ Điều 9, Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân quy định:“Kinh phí để đào tạo người học theo chế độ cử tuyển được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo hàng năm theo các quy định hiện hành; Học bổng chính sách đối với người học theo chế độ cử tuyển do ngân sách địa phương bảo đảm và cấp trực tiếp cho người học theo chế độ học bổng chính sách của Nhà nước“

Do vậy, trường hợp của em không thuộc đối tượng hưởng được chế độ chính sách ưu đãi trong giáo dục đào tạo.

 



Mặc dù vẫn còn rất nhiều câu hỏi nhưng thời gian có hạn, chúng tôi xin phép ngừng buổi giao lưu tại đây. Đối với các câu hỏi chưa được trả lời trực tuyến, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định sẽ liên hệ trả lời cho bạn đọc. Xin cảm ơn và hẹn gặp lại quý vị trong các cuộc giao lưu trực tuyến sau!


Tin nổi bật Tin nổi bật