Hội nghị trực tuyến tổng kết Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại
Hội nghị tại Điểm cầu Bình Định
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định, bệnh Dại nguy hiểm nhưng có thể phòng, chống bằng cách tiêm vaccine phòng dại cho động vật và người mới bị chó, mèo cắn. Với những nỗ lực của các bên liên quan, Việt Nam hiện đã và đang thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo thực thi các giải pháp phòng, chống bệnh dại. Từ năm 2017 đến tháng 8/2021, số ca bệnh dại trên người hàng năm giảm trung bình 12 ca so với giai đoạn 2011-2016. Việc quản lý đàn chó, mèo được thực hiện tại 63/63 tỉnh, thành phố. Có 23/63 tỉnh, thành phố không ghi nhận ca mắc bệnh Dại trên người liên tiếp trong 2 năm gần đây. Tuy nhiên, mỗi năm vẫn có hơn 500.000 người bị chó, mèo cắn. Tỷ lệ đàn chó được tiêm vaccine phòng bệnh Dại tăng từ 38,5% lên 49,2%...Tuy nhiên, với tổng số đàn chó nuôi lớn, hiện có khoảng 7,5 triệu con, nguy cơ bệnh Dại có thể xảy ra trong thời gian tới là rất cao.
Tại Bình Định, theo số liệu Trung tâm kiểm soát dịch bệnh tỉnh, số người bị phơi nhiễm với bệnh Dại cho động vật cắn đến tiêm phòng từ năm 2017-2021 là 37.774 trường hợp. Trong 5 năm thực hiện Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại, toàn tỉnh có 8 ca tử vong do bệnh Dại. Số ca tử vong do bệnh dại hàng năm có giảm nhưng chưa bền vững. Nguyên nhân là do việc quản lý đàn chó và tỷ lệ tiêm vaccine phòng chống dại cho đàn chó tại nhiều địa phương còn thấp. Nhận thức của một bộ phận người dân về bệnh Dại còn hạn chế...
Các đại biểu dự hội nghị cũng thống nhất cao với những giải pháp khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại, trong đó quan trọng nhất là tiêm phòng cho đàn chó mèo và tỷ lệ tiêm liên tục trong nhiều năm phải đạt trên 70%.
Dự thảo Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại giai đoạn 2022-2030 hướng tới mục tiêu kiểm soát được bệnh Dại trên đàn chó mèo nuôi, phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ hợp tác, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các đơn vị liên quan nỗ lực truyền thông cộng đồng, tăng cường quản lý và tiêm vaccine cho đàn chó, mèo nuôi, đồng thời đảm bảo tất cả những người bị chó cắn phải được tiêm vaccine.../.
Thùy Trang