|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội Nông dân các cấp trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi góp phần thực hiện thắng lợi CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn và công cuộc xây dựng nông thôn mới

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm”, các năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo (XĐGN) và làm giàu chính đáng do TW Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Nông nghiệp & PTNT phát động.

Đây là phong trào có ý nghĩa kinh tế, chính trị, xã hội rất sâu sắc và giàu tính nhân văn - đã góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới đất nước và thành tựu nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà.

Trong 5 năm qua (2007-2011), phong trào nông dân SXKD giỏi của tỉnh đã minh chứng là nơi hội tụ của sự cần cù, trí thông minh, bản chất tốt đẹp, sáng tạo của người nông dân, là nơi phát huy các nguồn lực, khai thác tiềm năng về đất đai, lao động và nguồn vốn của nông dân; phát huy thế mạnh của từng vùng, từng địa phương, cơ sở, phong trào cùng với hệ thống chính trị tạo thành sức mạnh tổng hợp để thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn tỉnh nhà ngày càng phát triển bền vững. Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi đã tiếp tục khẳng định được vị trí trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, có bước phát triển khá toàn diện, khích lệ hàng trăm ngàn lượt hộ nông dân trong tỉnh tham gia, phong trào đã đi đến từng hộ nông dân. Hộ nông dân SXKD giỏi thì vươn lên làm giàu và tạo thêm việc làm cho hộ nghèo, còn hộ nghèo khó thì được giúp được giúp làm ăn theo phương thức “cầm tay chỉ việc”. Phong trào đã làm xuất hiện ngày càng nhiều hộ nông dân giàu có, nhiều hộ nông dân nghèo biết vượt khó, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Các hộ nông dân SXKD giỏi đã trở thành hạt nhân của phong trào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng đời sống văn hóa, đoàn kết giúp nhau XĐGN, ổn định chính trị ở nông thôn, từng bước xây dựng nông thôn mới, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn những năm tiếp theo.
 
Các đại biểu về dự Hội nghị hôm nay là những nông dân điển hình trong phong trào thi đua SXKD giỏi, tiêu biểu cho tinh thần cần cù lao động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường vươn lên, tiếp thu có hiệu quả những tiến bộ khoa học công nghệ, chấp nhận cạnh tranh quyết liệt trong cơ chế thị trường và xu thế hội nhập quốc tế của nước ta nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng. Điển hình là hộ ông Hồ Thành Tâm ở Tây Giang, Tây Sơn; hộ ông Cao Xuân Trường ở Nhơn Lý, Quy Nhơn; hộ ông Nguyễn Thanh Hùng ở Nhơn Lộc, An Nhơn. Đó cũng là những điển hình tốt đẹp về tình thương và ý thức đoàn kết, tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “Người đi trước rước người đi sâu, người đi sâu theo mau người đi trước”. Nhiều hộ khá giàu đã chân tình giúp đỡ những hộ đói nghèo về kinh nghiệm sản xuất, cách làm ăn, tạo việc làm, hỗ trợ vốn, vật tư nông nghiệp, giống cây trồng, vật nuôi để phát triển SXKD, như hộ ông Phan Kiếm Hiệp ở xã Mỹ Thắng, Phù Mỹ. Nhiều hộ đói nghèo nhờ được giúp đỡ đã thoát nghèo, vươn lên đủ ăn và nhiều hộ vươn lên khá giàu, như hộ bà Huỳnh Thị Thu ở Vĩnh Sơn, Vĩnh Thạnh; hộ bà Đinh Thị Vân ở xã An Vinh, An Lão và còn rất nhiều nông dân nữa. Hàng nghìn hộ nông dân đã trở thành các chủ trang trại, các chủ doanh nghiệp trong sản xuất nông lâm ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và dịch vụ ở nông thôn, nhiều hộ nông dân SXKD giỏi đã góp tiền, vật tư… tham gia và tích cực tham gia các hoạt động xã hội khác, góp phần tích cực vào việc XĐGN, vươn lên làm giàu. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo tỉnh ta hàng năm giảm 2% (năm 2011 là 13,56%), và tỉ lệ hộ giàu hàng năm tăng lên 3-4%.
 
Thay mặt UBND tỉnh, tôi nhiệt liệt biểu dương thành tích mà các cấp Hội Nông dân và hàng trăm ngàn hội viên nông dân tỉnh nhà đạt được trong 5 năm qua, và tiêu biểu là những đại biểu tiên tiến xuất sắc tham dự hội nghị hôm nay, đã tích cực tham gia tổ chức thực hiện thắng lợi phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau XĐGN và làm giàu chính đáng, góp phần to lớn trong công cuộc thực hiện CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn và phát triển kinh tế - xã hội chunh của tỉnh.
 
Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo; dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, UBND các cấp đã phối hợp với đoàn thể, cùng với vai trò làm chủ, lao động sáng tạo của người nông dân đã khắc phục các yếu tố bất lợi về thời tiết, thiên tai, dịch bệnh gia súc, gia cầm và dịch bệnh tôm; sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta các năm qua phát triển tương đối toàn diện và đạt mức tăng trưởng khá cao. Năm 2011, tốc độ tăng trưởng giá trị nông sản (GDP) ngành nông, lâm, thủy sản theo giá cố định 1994 tăng 4,6%; trong đó: riêng ngành nông nghiệp tăng 3,6%, lâm nghiệp tăng 8,4% và thủy sản tăng 8,5% so cùng kỳ.
 
Tổng sản lượng lương thực cây có hạt ước đạt 699.067,2 tấn, bằng 104,3% kế hoạch và bằng 103,6% so với cùng kỳ. Tỷ lệ sử dụng giống lúa cấp I đạt trên 95% diện tích gieo trồng. Chăn nuôi gia súc gia cầm đã khôi phục và bước đầu phát triển bền vững, nhất là chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại. Giá trị chăn nuôi trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp đạt gần 40%. Công tác phòng chống dịch gia súc, gia cầm, vệ sinh thú y được tăng cường. Diện tích trồng rừng được tăng cường, độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt trên 43%. Giá trị sản xuất ngành thủy sản ngày càng tăng; mô hình nuôi trồng thủy sản trong lồng, nuôi xen canh, luân canh các loại thủy sản ở một số địa phương có bước phát triển; dịch bệnh tôm trên diện rộng đã khống chế và giảm hơn nhiều năm trước. Dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, kinh tế hộ và phát triển kinh tế, đời sống ở khu vực nông thôn tiếp tục có bước phát triển, các cơ sở công nghiệp và tiểu thủ - công nghiệp, đặc biệt là chế biến hàng nông – lâm – thủy sản tiếp tục tăng, chất lượng một số sản phẩm được nâng lên và có thị trường tiêu thụ như: đường Rs, nhân hạt điều, dầu dừa…; các làng nghề truyền thống và nghề mới tiếp tục phát triển (đến nay UBND tỉnh đã quyết định công nhận 56 làng nghề tiểu thủ công nghiệp trong toàn tỉnh). Đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với công nghiệp chế biến như: mía đường, mì, nuôi trồng thủy sản… Cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh ngày càng đa dạng, quy mô sản xuất ngày càng tập trung, người sản xuất ngày càng quan tâm đến nhu cầu thị trường và hiệu quả kinh tế hơn. Khoa học, công nghệ mới được áp dụng rộng rãi trong nông nghiệp, quan hệ sản xuất từng bước đổi mới phù hợp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, sản xuất bền vững, thân thiện môi trường với nhiều thành phần kinh tế tham gia.
 
Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 1.500 trang trại (theo tiêu chí cũ), 26 doanh nghiệp nông thôn, 231 HTX, Liên hiệp HTX hoạt động theo luật HTX; hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân có bước phát triển và đóng vai trò quan trọng ở nông thôn. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được tăng cường, nhất là đường giao thông, hệ thống thủy lợi đã được đầu tư kiên cố hóa, đã góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển và nâng cao đời sống nông dân ở hầu hết các vùng trong tỉnh được cải thiện rõ rệt, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống văn hóa tinh thần, trình độ dân trí ở nông thôn được nâng lên rõ rệt. Dân chủ ở nông thôn được phát huy hơn, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, môi trường sinh thái khu vực dân cư nông thôn được chú ý bảo vệ và là tiêu chuẩn quan trọng cho các làng văn hóa và tiêu chí xây dựng nông thôn mới hiện nay.
 
Từ những thành quả nêu trên có thể khẳng định rằng: phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu của nông dân đã góp phần quan trọng để đạt được những thành tựu to lớn trong sản xuất nông nghiệp, ổn định an ninh, trật tự và xây dựng nông thôn mới tỉnh ta trong thời gian qua.
 
Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi trong 5 năm qua đã thu hút đông đảo các tầng lớp nông dân tham gia, hàng năm đã có hơn 120.000 nghìn hộ đăng ký thi đua SXKD giỏi các cấp, đạt hơn 50% số hộ. Riêng năm 2011, đã bình chọn 63.750 hộ nông dân đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp, tăng 11,9% so với 5 năm trước, chiếm 21% tổng số hộ nông dân trong toàn tỉnh. Phong trào tiếp tục phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, có sức lan tỏa giữa các vùng trong tỉnh và trên tất cả các lĩnh vực sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và trở thành phong trào hành động cách mạng sâu rộng và mạnh mẽ ở nông thôn. Phong trào luôn được phát triển từ sản xuất nhỏ, có sức cạnh tranh, đạt giá trị cao trên đơn vị diện tích, và bước đầu có sự hợp tác của nhiều thành phần kinh tế, tạo ra liên minh sản xuất hàng hóa bền vững. Phong trào cũng đã khích lệ và phát huy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của nông dân. Phong trào luôn được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyên, sự phối hợp giúp đỡ tạo điều kiện của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan doanh nghiệp, cơ quan KHKT.
 
Từ phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi trong 5 năm qua đã đạt được kết quả đáng phấn khởi và có thể rút ra một số kinh nghiệm là: phải thường xuyên tuyên truyền, vận động khích lệ và phát huy tinh thần lao động cần cù, ý thức tự lực tự cường, dám nghĩ, dám làm, vượt qua khó khăn, thử thách, vươn lên làm giàu của nông dân; thường xuyên hướng dẫn nông dân về biện pháp sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả, các điển hình tiên tiến trong phong trào; thường xuyên sơ, tổng kết rút kinh nghiệm và phổ biến nhân rộng. Khuyến khích và vận động nông dân phát huy nội lực, đoàn kết tương trợ giúp đỡ lẫn nhau phát triển kinh tế, tạo các nguồn vốn, chuyển giao các KHKT giúp nông dân an tâm phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Đẩy mạnh việc thực hiện liên kết 4 nhà theo Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và tăng cường hơn nữa hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội; riêng Hội Nông dân phải thực sự là trung tâm nòng cốt trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
 
Tuy đạt được những thành tựu to lớn nêu trên, nhưng nông nghiệp, nông thôn tỉnh ta cũng còn rất nhiều khó khăn, thách thức, đó là:
Cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn tỉnh ta chuyển dich còn chậm, chưa gắn kết một cách có hiệu quả với thị trường và hiệu quả bền vững. Cơ cấu kinh tế nông thôn còn nặng về nông nghiệp, trong nông nghiệp còn nặng về trồng trọt. Sản xuất nông nghiệp tỉnh ta còn phân tán, manh mún, mang nhiều yếu tố tự phát; ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người phát triển sản xuất hàng hóa còn chậm, mang nặng tính tự túc, tự cấp. Công nghiệp chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản vừa thiếu lại vừa yếu và phần lớn kỹ thuật còn lạc hậu; ngành nghề và dịch vụ nông thôn chưa được giải quyết, tiến bộ khoa học công nghệ trong nông lâm ngư nghiệp chậm được ứng dụng, đa số cây trồng, vật nuôi đều có năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh thấp, giá thành cao, kém hiệu quả và chưa bền vững, thường xuyên bị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh gây ra.
 
Về quan hệ sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển hàng hóa theo cơ chế thị trường và xu hướng hội nhập quốc tế. Đời sống vật chất, tinh thần ở nhiều vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp kém, tỷ lệ đói nghèo còn cao; số hộ nhà đơn sơ còn lớn; chênh lệch thu nhập giữa các vùng có xu hướng tăng lên. Lao động thủ công và sản xuất theo truyền thống đang là phổ biến; tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp… Kết cấu hạ tầng ở nông thôn phục vụ sản xuất và đời sống chưa đáp ứng và chưa được đầu tư đúng mức. Một số nơi còn vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, cán bộ cơ sở ở một số nơi thoái hóa, vi phạm nguyên tắc dân chủ, quản lý kinh tế, quản lý đất đai gây bất bình trong nông dân, một số trường hợp, một số nơi còn xảy ra khiếu kiện đông người, vượt cấp. Riêng phong trào nông dân thi đua SXKG giỏi còn bộc lộ một số yếu kém đó là; phong trào phát triển chưa đồng đều, sâu rộng và đều khắp trong tỉnh, còn thiếu quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể và các đơn vị chưa thiết thực và kém hiệu quả. Chính quyền các cấp cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước còn chậm, thiếu đồng bộ…
 
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XVIII về công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, trong bối cảnh đất nước ta tham gia hội nhập quốc tế ngày càng cao; đồng chí Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp Hội Nông dân trong tỉnh cần đẩy mạnh một số công tác sau:
 
Một là: trước hết phải tập trung vận động thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa có lợi thế, bền vững, nâng cao năng suất và thu nhập trên một đơn vị diện tích. Khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng gia đình, tạo ra những việc làm mới, chuyển đổi cơ cấu lao động ở nông thôn, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với chế biến, bảo quản và tiêu thụ. Chú ý sản xuất các loại nông sản hàng hóa có giá trị, phù hợp với từng vùng sinh thái, với quy mô hợp lý có khả năng cạnh tranh trên thị trường như: lúa gạo, thủy sản, mía, mì, đậu tương, đậu phụng, sản phẩm từ dừa, chăn  nuôi bò lai, heo hướng nạc, gia cầm… Phát triển mạnh công nghiệp chế biến, tiêu thụ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ ở nông thôn, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn, tập trung giải quyết việc làm ngay trên địa bàn nông thôn để từng bước nâng cao thu nhập cho người nông dân, thực hiện biện pháp ly nông bất ly hương.
 
Hai là: UBND các huyện, thị, thành phố và chính quyền cơ sở phải thực hiện tốt, có hiệu quả công tác quy hoạch nông nghiệp, nông thôn cho từng vùng, phù hợp với quy hoạch tổng thể của cả tỉnh, đáp ứng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế vè sự phát triển của khoa học – công nghệ; đồng thời phải căn cứ vào lợi thế kinh tế và thị trường, khả năng cạnh tranh để xây dựng và điều chỉnh kịp thời quy hoạch. Quy hoạch sản xuất phải đồng bộ với quy hoạch cơ sở hạ tầng, quy hoạch bố trí dân cư và phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc ở từng địa bàn dân cư nông thôn, đó là những nội dung thực hiện xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.
 
Ba là: Các sở, ban, ngành, đoàn thể, các trung tâm, trang trại của tỉnh cần đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao khoa học – công nghệ cho nông dân. Coi đây là khâu đột phá quan trọng để thúc đẩy phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn trong quá trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà. UBND tỉnh khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu ứng dụng KHKT và sẽ dành kinh phí hỗ trợ cho việc sử dụng các giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao, hỗ trợ áp dụng các máy móc, thiết bị để cơ giới hóa sản xuất và chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp; có chính sách hỗ trợ công tác khuyến công để giúp bà con nông dân áp dụng tiến bộ KHKT, sử dụng vốn và tổ chức sản xuất đạt hiệu quả, tăng sức cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp tỉnh nhà trên thị trường.
 
Bốn là: UBND tỉnh thông qua các sở, ngành, nhất là Hội Nông dân tỉnh để xem xét kiến nghị với Chính phủ ban hành mới, sửa đổi các chính sách liên quan trực tiếp đến đầu tư, phát triển nông nghiệp, nông thôn như: chính sách đất đai, chính sách đầu tư hạ tầng nông thôn, chính sách tín dụng, thuế, lao động việc làm, thương mại… Trước mắt, UBND tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nông dân thực hiện đầy đủ các quyền về đất đai và khuyên khích nông dân thực hiện “dồn điền đổi thửa” trên cơ sở tự nguyện, nông dân được sử dụng giá trị quyền sử dụng đất để góp vốn, góp cổ phẩn, tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh, liên doanh, liên kết để nông dân có thêm nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất và cải thiện đời sống.
 
UBND tỉnh tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế hộ phát triển sản xuất hàng hóa với quy mô ngày càng lớn, như phát triển kinh tế trang trại, gia trại, hỗ trợ tạo điều kiện để HTX phát triển và hoạt động theo luật và có hiệu quả. Tổ chức sắp xếp lại các doanh nghiệp phục vụ, dịch vụ nông nghiệp và nông thôn, nhằm cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm do nông dân làm ra như: lúa, mía, mì, heo, bò, thủy sản. Khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống để giải quyết việc làm ở khu vực nông thôn, cải thiện đời sống cho nông dân.
 
Năm là: Đề nghị MTTQVN các cấp và các hội, đoàn thể phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết, ổn định chính trị- xã hội nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Vận động các tầng lớp dân cư chung sức tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình văn hóa, làng, xã văn hóa, kiên quyết đẩy lùi các tệ nạn xã hội, thực hiện nếp sống văn minh và dân chủ ở cơ sở. Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để tiếp tục vận động nhân dân phát huy các nguồn lực, góp công, góp của xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, xây dựng nông thôn mới; vận động nông dân tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện các dự án phát triển sản xuất dịch vụ và dự án phục vụ lợi ích xã hội ở địa bàn nông thôn.
 
Sáu là: Hội Nông dân các cấp cần phát huy mạnh mẽ vai trò “trung tâm nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới”, trong việc tham gia quản lý nhà nước, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn. Các sở, ban, ngành cần phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân theo Quyết định 17/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tạo điều kiện cho các cấp Hội hoạt động có hiệu quả trong các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội nông thôn như: chuyển giao KHKT, khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công, chương trình 30a, chương trình xóa đói giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nước sạch, VSMT… nhằm thúc đẩy phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi ngày càng phát triển và hiệu quả thiết thực.
 
Hội Nông dân các cấp phải tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động sát hợp với nhu cầu và lợi ích của hội viên. Xây dựng các cấp Hội, nhất là cơ sở vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực sự là nơi tập hợp; đoàn kết giáo dục hội viên nông dân nâng cao ý thức và năng lực làm chủ; làm trung tâm nòng cốt trong việc vận động nông dân thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng ở nông thôn. Hội phải sát cơ sở, xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến, nắm chắc tình hình nông dân, nông thôn, đề xuất với Đảng, chính quyền những chủ trương biện pháp đáp ứng nhu cầu nguyện vọng chính đáng của nông dân, đồng thời chú trọng tổng kết những việc làm hay phong trào tốt từ thực tiễn để nhân rộng.
 
Bảy là: đẩy mạnh công tác tuyên tuyền nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới với vai trò chủ thể ở nông thôn xuyên suốt cuộc vận động thực hiện Chương trình hành động số 05-CTr/TU ngày 22/8/2011 của Tỉnh ủy Bình Định về thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến 2020 và kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Định 2011-2015; các cấp Hội Nông dân phát huy mạnh mẽ vai trò trung tâm và nòng cốt thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm góp phần xây dựng nông thôn phát triển toàn diện, bền vững về chính trị, kinh tế, văn hóa, môi trường; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại. Cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý gắn nông nghiệp với phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ, gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xây dựng nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao; môi trường sinh thái xanh, sạch, đẹp; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng cao.
 
UBND tỉnh mong rằng sau hội nghị này các điển hình và phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi của tỉnh ta tiếp tục được nhân rộng và tăng nhiều hơn nữa về quy mô, số lượng và lan tỏa đều khắp các vùng, các lĩnh vực, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới tỉnh nhà. UBND tỉnh cũng ghi nhận những kiến nghị chính đáng, thiết thực của các đại biểu trong hội nghị này, UBND tỉnh cũng làm hết sức mình bằng tất cả tỉnh cảm và trách nhiệm nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi, giải quyết những khó khăn vướng mắc để nông dân tỉnh nhà an tâm lao động sản xuất, thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “Làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm”.


Tin nổi bật Tin nổi bật