Hội thảo hướng dẫn sử dụng phân bón NPK Mặt Trời Mới
Quang cảnh hội thảo.
Tại buổi hội thảo, bà con nông dân được Cán bộ kỹ thuật của Công ty CP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bình Định giới thiệu cách phân biệt các loại phân Mặt Trời Mới, thành phần, công dụng cũng như quy trình bón phân Mặt Trời Mới cho cây lúa, cây ăn quả, cây công nghiệp và các loại cây rau đậu.
Theo PGS.TS.Mai Thành Phụng, một nhà khoa học trong lĩnh vực trồng trọt, hiện nay còn khá nhiều người trồng lúa vẫn hiểu và áp dụng sai kỹ thuật bón phân ‘đón đòng” cho cây lúa. Có 3 tiêu chí để quyết định chính xác thời điểm bón phân cho giai đoạn này, một là căn cứ vào tổng số ngày (thời gian sinh trưởng của giống) trừ đi 50 ngày (thời gian từ tượng đòng đến trổ và thời gian từ trổ đến chín) thì sẽ xác định được ngày cây lúa bắt đầu tượng đòng; hai là căn cứ vào trạng thái đòng, thời điểm bón là lúc đòng (tim đèn) phải tượng được 1-3 mm; ba là trạng thái cây lúa, nếu lúa chưa ngả màu vàng tranh thì chưa bón. Khi cây lúa hội được 3 điều kiện trên thì bón phân ngay, gọi là bón đón đòng (hay rước đòng).
Cũng theo PGS.TS.Mai Thành Phụng, việc xác định thời điểm và liều lượng bón phân giai đoạn này quyết định đến năng suất lúa. Để chuẩn hóa và thuận tiện cho việc quyết định liều lượng bón phân, Công ty CP VTKTNN Bình Định đã sản xuất bộ sản phẩm chuyên dùng cho lúa. Phân bón Mặt Trời Mới MT 01+TE với hàm lượng đạm cao, lân trung bình, kali và các trung vi lượng phù hợp chuyên dùng bón thúc lần 1 (thúc cây con) và thúc lần 2 (thúc đẻ nhánh) cho cây lúa; giúp cây lúa ra rễ mạnh, đẻ nhánh khỏe, tăng số chồi hữu hiệu, tăng số bông. Còn với phân bón Mặt Trời Mới MT 02+TE có hàm lượng kali cao, các chất đạm, lân và trung vi lượng phù hợp chuyên dùng bón thúc lần 3 (thúc đón đòng) cho cây lúa; giúp cây lúa có đòng to, trổ đều, bông nhiều và tăng số hạt chắc trên bông./.
Tin, ảnh: Đinh Văn Toại