Huyện Tây Sơn nỗ lực phát triển sản phẩm OCOP
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) gắn với tái cơ cấu sản xuất đang được huyện Tây Sơn nỗ lực triển khai với mục tiêu tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi địa phương, qua đó, tạo động lực, tiếp sức cho các xã, thị trấn xây dựng nông thôn mới bền vững.
Thực hiện Chương trình này, với lợi thế, tiềm năng sẵn có, trong những năm qua huyện Tây Sơn đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tuyên truyền vận động các Hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ kinh doanh về mục đích, ý nghĩa và hiệu quả từ Chương trình OCOP mang lại. Trên cơ sở đó xây dựng và phát triển các sản phẩm mang đặc trưng của huyện như: Rượu đậu xanh Tây Sơn; Bánh ít lá gai; Rau VietGap; Dầu tràm Xứ Nẫu; Nón lá,… Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở và sự tham gia tích cực của các chủ thể, kết thúc năm 2021, toàn huyện có tổng số 7 sản phẩm được đánh giá phân hạng đạt từ 3 sao trở lên. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đã góp phần quảng bá, nâng cao giá trị các sản phẩm thế mạnh của địa phương và nâng cao thu nhập cho người dân.
Sản phẩm dầu phộng và dầu mè (của HTX nông nghiệp Thượng Giang, xã Tây Giang) là một trong 10 sản phẩm trên địa bàn huyện Tây Sơn tham gia Chương trình OCOP cấp tỉnh năm 2022. Tại đây, để chủ động nguồn nguyên liệu và đảm bảo có đủ nguyên liệu chất lượng cao, HTX NN Thượng Giang đã và đang triển khai dự án vận động xã viên chuyển những diện tích trồng mía, mì kém hiệu quả sang trồng đậu phụng, mè ở 2 thôn Thượng Giang 1 và Thượng Giang 2, với diện tích lên đến 60 ha. Cũng theo hướng này, năm 2021, HTX đã đầu tư 2 máy ép dầu có tổng công suất 300 kg/giờ, 2 máy lọc dầu và một số trang thiết bị, máy móc hiện đại khác. Nhờ đó sản phẩm dầu ép ra của HTX có phẩm cấp cao hơn hẳn so với trước, được nhiều khách hàng tin dùng.
Tại cơ sở chế biến Tré chua Thúy Điều (thị trấn Phú Phong), Bà Võ Thị Thúy - Chủ cơ sở: Tré là món ăn được chế biến từ những nguyên liệu khá đơn giản và dễ có ở địa phương như thịt đầu heo, thịt bò hay thịt heo nạc. Thịt heo sau khi làm sạch được trần qua nước sôi rồi ngâm trong nước lạnh để thịt giòn và không bị dính, dùng dao thái lát mỏng, sau đó nếm với muối, tiêu cho vừa miệng. Trộn đều thịt với riềng, tỏi đã thái mỏng và hạt tiêu. Tré được ủ lên men một cách tự nhiên, sau 2 đến 3 ngày sẽ tự chua, các gia vị sẽ thấm đều vào nhau để tạo nên hương vị đặc trưng của món ăn. Tré sau khi làm để vài ngày là ăn được, tuy nhiên để tré chua ăn sẽ ngon hơn. Khác với tré ở các nơi được khoác bên ngoài lớp “áo” rơm lúa mới dày, bó chặt hai đầu bằng lạt. Tré chua Thúy Điều bên trong là phủ lớp lá ổi, bên ngoài lá chuối, đóng gói xong bỏ vào máy hút chân không, cứ 5 cây nhỏ thành 1 bịch với trọng lượng 500g. Sản phẩm tré của bà Thúy đã được Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Bình Định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Dự định thời gian đến bà Thúy sẽ đầu tư mua thêm máy móc, thuê thêm nhân công để làm, mở rộng cơ sở sản xuất tré.
Tại cơ sở sản xuất bánh canh rau củ Vidata (Công ty TNHH MTV VITA của anh Đặng Ngọc Vũ, xã Bình Nghi). Nét độc đáo trong sản phẩm bánh canh rau, củ này khác với bánh canh truyền thống là có màu sắc lung linh nhưng không phải làm từ bột màu, chất tạo màu mà chất liệu tạo màu làm từ sản phẩm thiên nhiên rau và củ. Hiện sản phẩm bánh canh rau, củ Vidata có 5 màu khác nhau gồm: màu xanh từ hoa đậu biếc, màu đỏ từ củ dền, màu vàng từ bí đỏ, màu đen từ hạt mè đen, màu xanh lá cây từ lá chùm ngây. Mỗi màu sắc lại mang hương vị bánh canh khác nhau, có độ thơm, dẻo và mềm vừa thưởng thức vừa ngắm nhìn màu sắc rất lạ mắt. Hiện mỗi ngày, xưởng sản xuất hơn 100 hộp sản phẩm với giá 40.000 đồng/hộp. Bánh canh rau, củ được chế biến nhiều món từ món bánh canh nước, bánh canh trộn đậu phộng rau răm hoặc chè ngọt. Thời gian đến, Công ty TNHH MTV VITA của anh Đặng Ngọc Vũ sẽ sản xuất, cho ra các dòng sản phẩm khác như bánh tráng, bánh hỏi cũng được chế biến từ các loại rau củ.
Từ năm 2019 đến 2021, huyện Tây Sơn có 7 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh. Năm 2022, huyện Tây Sơn có thêm 10 sản phẩm OCOP đang trình Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP của tỉnh xem xét, quyết định công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, ngoài 4 sản phẩm nói trên, 6 sản phẩm còn lại, gồm: Dầu phụng Tân Lạc Việt - Cơ sở ép dầu phộng Lạc Việt (xã Tây Phú); Bưởi da xanh - Hộ bà Phan Thị Mộng Hoa (Bình Tường); Đông trùng hạ thảo - Công ty BD Group (thị trấn Phú Phong); Bưởi da xanh; cam sành; quýt đường - Hộ sản xuất Hồ Ngọc Dũng (thôn Đồng Sim, xã Tây Xuân). Có được kết quả trên, trong thời gian qua, nhờ sự quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy và UBND huyện về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI và Chương trình hành động về xây dựng huyện nông thôn mới.
Có được kết quả trên, đồng chí Lê Bình Thanh - Bí thư Huyện ủy: Trong thời gian qua, nhờ sự quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy và UBND huyện: Chương trình OCOP đã tạo cơ sở để phát huy sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong bảo tồn, phát triển sản phẩm của địa phương, tạo phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, hình thành nhiều vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm. Nhìn chung, việc chú trọng phát triển sản phẩm OCOP đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, tạo sản phẩm du lịch nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân, thực hiện có kết quả kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn huyện.
Với những giải pháp đồng bộ, bám sát tình hình, đặc điểm địa phương, hy vọng chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” của huyện Tây Sơn sẽ tiếp tục gặt hái được những kết quả tích cực vừa phát huy thế mạnh của mỗi địa phương, nâng tầm chất lượng, giá trị sản phẩm hàng hóa nông sản, vừa tăng thu nhập cho người sản xuất và thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.