Kết quả 5 năm thực hiện Kế hoạch hành động về Bình đẳng giới (2011-2015)
Phụ nữ ngày càng tham gia vào các vai trò quản lý, lãnh đạo (Ảnh minh họa).
Theo đó, những kết quả đạt được thể hiện qua các mục tiêu sau:
1. Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị: Đến năm 2015, có 694 nữ/2.253 công chức, 11.534/24.040 viên chức trong cơ quan Nhà nước. Về quy hoạch cán bộ, lãnh đạo quản lý nhiệm kỳ 2015 – 2020 ở các sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể chức danh cấp phó, trưởng là 72/366, BCH Đảng bộ, Ban Thường vụ ở cấp huyện là 211/1.043, cấp tỉnh là 24/130. Chức danh lãnh đạo chủ chốt là 5/20; Về chỉ tiêu tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 15% trở lên, trong đó có cán bộ nữ tham gia vào Ban Thường vụ, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp đạt 30% trở lên. Cán bộ nữ tham gia cấp ủy các nhiệm kỳ 2015-2020 ở cấp cơ sở 508/2.300, cấp huyện là 60/549, cấp tỉnh là 03/55. Cán bộ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo, quản lý là 14, từ năm 2013-2015 bổ nhiệm mới 20 nữ trưởng phòng, cấp huyện 2 đồng chí.
2. Giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm. Tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo nông thôn và phụ nữ dân tộc thiểu số với các nguồn lực kinh tế và thị trường lao động: Đến năm 2015, trên 4.000 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đăng ký hoạt động, tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp chiếm 28%, có 25.260 lao động được tạo việc làm, lao động nữ chiếm 50%.
3. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo: đến nay, toàn tỉnh có 421 nữ/1.152 thạc sĩ, 16/120 tiến sĩ. Riêng ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh có 224 nữ/428 thạc sỹ, 02 giáo viên nữ đang học tiến sĩ, trong đó có 02 người đang học ở nước ngoài.
4. Đảm bảo bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe: Tỷ suất tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản các năm dưới 50/100.000 trẻ đẻ sống; Tỷ lệ phụ nữ được khám thai trước khi sinh 3 lần trở lên đạt tỷ lệ cao và tăng dần qua các năm, đến năm 2015 đạt 99,8%; Tỷ lệ phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV/AIDS đều đạt tỷ lệ thấp, năm 2015 là 0,02%; Giảm mạnh phá thai, đưa tỷ lệ xuống dưới 25/100 trẻ đẻ sống, tỷ lệ phá thai ở tuổi vị thành niên ít hơn 5% trong tổng số ca nạo thai.
5. Bảo đảm bình đẳng giới trong các lĩnh vực văn hóa, thông tin, thể thao: đến năm 2015, bảo đảm việc tiếp cận và thụ hưởng bình đẳng nhu cầu thưởng thức văn hóa, tiếp nhận thông tin giữa nam và nữ đạt 90%, giảm tối đa (80%) các sản phẩm truyền thông mang tính định kiến giới và đẩy mạnh tuyên truyền, tăng các sản phẩm truyền thông cổ vũ cho quan niệm bình đẳng giới.
6. Bảo đảm bình đẳng giới trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới: đến năm 2015, đã có khoảng 50% số nạn nhân bạo lực gia đình được tư vấn về pháp lý, sức khỏe, 70% số người gây bạo lực được tư vấn về pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình. Tỷ lệ phụ nữ bị bạo lực cơ bản (đánh, mắng chửi), giảm 50%. Qua 5 năm, đã trợ giúp pháp lý cho 289 phụ nữ bị bạo lực gia đình, tư vấn pháp luật 2.867 phụ nữ trên các lĩnh vực hôn nhân, gia đình, phòng chống bạo lực, tạo dựng 523 địa chỉ tin cậy trực tiếp hỗ trợ, tư vấn cho nạn nhân bị bạo hành. Đặc biệt, giai đoạn 2011-2015, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện vụ việc liên quan buôn, bán phụ nữ và trẻ em.
7. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới: 100% cán bộ làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp, ngành được đào tạo về nghiệp vụ, cán bộ làm chính sách ở các sở, ngành, địa phương được tập huấn kiến thức, kỹ năng phân tích giới và lồng ghép giới…
Qua 5 năm thực hiện, Chương trình đã góp phần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, bước đầu trang bị kiến thức cơ bản quản lý nhà nước về bình đẳng giới cho cán bộ CCVC và toàn xã hội. Đặc biệt, phụ nữ ngày càng được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc y tế, nhất là vấn đề giới tính sinh sản trong sản khoa, nhận thức tâm lý xã hội đã dần cởi mở và bình đẳng hơn./.
T.T.T