A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

KHAI MẠC TRIỄN LÃM CHUYÊN ĐỀ “DI SẢN VĂN HÓA BÌNH ĐỊNH - BẢN SẮC VÀ TIỀM NĂNG”

Sáng ngày 17/5/2023, Bảo tàng tỉnh Bình Định tổ chức khai mạc Triển lãm ảnh chuyên đề: “Di sản văn hóa Bình Định - Bản sắc và tiềm năng” tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh. Triển lãm hướng tới kỷ niệm 45 năm ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5/1978 - 18/5/2023) và kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023).

Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khai mạc triển lãm

Tham dự khai mạc Triển lãm có đồng chí Tạ Xuân Chánh - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; đồng chí Huỳnh Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở; đồng chí Lê Hữu Tỷ - Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh; nhà thơ Mai Thìn - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh; ông Nguyễn Ngọc Anh - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Bình Định; cùng lãnh đạo, cán bộ các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở; các chiến sĩ bộ đội biên phòng và đông đảo sinh viên, học sinh các trường trên địa bàn thành phố Quy Nhơn.
Triển lãm diễn ra từ ngày 17 - 21/5/2023, với 168 hình ảnh, tư liệu, dàn dựng trên 37 pano, khái quát gần như đầy đủ những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu của Bình Định, cũng như tiềm năng của di sản gắn với phát triển du lịch của tỉnh.
Về di sản văn hóa vật thể, có thể kể đến các di tích văn hóa Sa Huỳnh phát hiện trên địa bàn tỉnh, có niên đại cách ngày nay từ 2000 - 2500 năm, như: Động Cườm, Truông Xe, Gò Lồi, Hội Lộc…; các di tích văn hóa Champa bao gồm hệ thống thành quách, đền tháp và các khu sản xuất gốm. Hiện nay, trên toàn tỉnh có 8 cụm, 14 tháp Chăm tương đối nguyên vẹn, trong đó tháp Dương Long được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2015. 

Biểu diễn hô Bài chòi tại Lễ khai mạc triển lãm

Bình Định cũng là nơi phát tích của phong trào Tây Sơn gắn liền với tên tuổi của người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ. Hiện còn nhiều di tích gắn với phong trào Tây Sơn như: Di tích Thành Hoàng Đế, Lăng mộ Hiển tổ khảo Tây Sơn tam kiệt, Đài Kính thiên, Đền thờ Bùi Thị Xuân, Đền thờ Võ Văn Dũng, Cây me, Giếng nước trong khu di tích Đền thờ Tây Sơn tam kiệt… là những địa điểm ghi dấu ấn về vương triều Tây Sơn hào hùng. Trong đó, Khu di tích Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2014, là điểm đến thu hút đông đảo du khách gần xa mỗi khi về Bình Định.
Bên cạnh di sản văn hóa vật thể, trên địa bàn tỉnh có hệ thống di sản văn hóa phi vật thể phong phú, độc đáo, trong đó có 4 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Võ cổ truyền Bình Định (năm 2012), Hát Bội Bình Định, Nghệ thuật Bài chòi Bình Định (năm 2014), Lễ hội chùa Bà - cảng thị Nước Mặn (2022). Trong đó, Nghệ thuật Bài chòi dân gian Trung bộ (bao gồm cả Bình Định) được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2017).

Các đại biểu nghe thuyết minh viên bảo tàng thuyết minh về triển lãm

Ở Bình Định có nhiều lễ hội truyền thống độc đáo như: Lễ hội Đống Đa, Hội xuân chợ Gò, Lễ hội Cầu Ngư, Lễ hội vía Bà…; các lễ hội gắn liền với đời sống tâm linh của đồng bào các dân tộc như: Lễ cưới hỏi, lễ mừng lúa mới,… Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh bảo tồn và lưu giữ hơn 41 làng nghề truyền thống. Trong đó, nhiều làng nghề có truyền thống lâu đời như: Nghề làm bún Song Thằn An Thái, Nghề làm nón ngựa Phú Gia, Nghề nấu rượu Bầu Đá, Nghề đúc đồng Bằng Châu, Nghề dệt Chiếu cói Chương Hòa…, trở thành những địa điểm hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Bình Định còn nổi tiếng với văn hóa ẩm thực đa dạng, độc đáo; nhiều đặc sản được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng khi đến du lịch tại Bình Định như: Nem chả chợ Huyện, Bánh Ít lá gai, bánh xèo tôm nhảy, rượu Bầu đá… tạo nên những sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh.
Tại Triển lãm còn có các hoạt động: Tạo hình sách Tháp Chăm do Thư viện tỉnh thực hiện; trình diễn Nghệ thuật Bài chòi dân gian do các Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú biểu diễn; viết thư pháp tặng khách tham quan. Thông qua các hình ảnh và tư liệu, Triển lãm chuyên đề “Di sản văn hóa Bình Định - Bản sắc và tiềm năng” đã giới thiệu một bức tranh sinh động, đầy màu sắc về các loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu của tỉnh, nâng cao nhận thức về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Bình Định, khẳng định tiềm năng di sản văn hóa phong phú trên địa bàn tỉnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.


Tác giả: Nguyễn Viết Tuấn
Nguồn:svhtt.binhdinh.gov.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật