|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khai quật được tháp cổ Chămpa theo phong cách Bình Định thế kỷ XII – XIII

(binhdinh.gov.vn) - Ngày (27/6) tại TP Quy Nhơn, Sở VH&TT phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh thành tổ chức báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ phế tích Tháp Chà Rây và di chỉ Gò Cây Me năm 2018.

Quang cảnh buổi báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ phế tích Tháp Chà Rây và di chỉ Gò Cây Me năm 2018.

Di tích khai quật nằm trên đỉnh đồi Hòn Nóc (hay Tráng Long), thuộc xóm Tháp, thôn Tráng Long, xã Nhơn Lộc, cách UBND xã Nhơn Lộc 2km, nằm bên cạnh di tích Thành Cha. Theo PGS,TS. Lại Văn Tới (Viện Nghiên cứu kinh thành), qua một tháng khai quật (từ ngày 10/4-10/5) phế tích Tháp Chà Rây xuất lộ mặt bằng di tích đầy đủ nhất đó là nền móng của tháp chính với diện tích 88.4m2, đường gạch dài hơn 10m lên tháp chính, trong tổng số hơn 10.000 hiện vật thu được gồm gạch, ngói dương, ngói âm, ngói phẳng, trang trí kiến trúc, mảnh bàn nghiền đá. Đặc biệt, đã phát hiện được những mảnh gạch có gân tròn nổi cao, có lỗ đục sâu và vuông vức, nhiêu viên gạch giật 1-3 cấp hoặc gạch chữ nhật tạo vạt 1-3 cạnh cho thấy tháp Chà Rây trước khi xây dựng đã được thiết kế chi tiết, tỷ mỉ , từ mặt bằng kiến trúc xuất hiện trong hố khai quật cho thấy tháp có hình khối cân đối, niên đại của tháp theo phong cách Bình Định thế kỷ XII – XIII.

Phát biểu tại buổi báo cáo, PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam nhấn mạnh: Trên phạm vị lãnh thổ Việt Nam, tồn tại 3 không gian văn hóa lớn, đó là Văn hóa Đại Việt ở phía Bắc, Văn hóa Chămpa ở miền Trung và văn hóa Phù Nam ờ miền Nam. Ba nền văn hóa lớn này là những bộ phận cấu thành quan trọng, tạo nên nền văn hóa Việt Nam đa dạng và giàu bản sắc.

Từ ngày (20/5- 20/6), Viện Nghiên cứu kinh thành - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Tổng hợp tỉnh (Sở VH&TT) cũng tiến hành khai quật di chỉ sản xuất đồ gốm Champa Gò Cây Me (xóm Kim Nghi, thôn Đại Bình, xã Nhơn Mỹ, TX An Nhơn). Qua khai quật, các nhà khoa học đã phát hiện được di tích lò nung, di tích các cụm gốm, di tích hố đất đen và 23.531 di vật, thuộc các sản phẩm như: đồ gốm sứ, đồ sành, vật liệu kiến trúc, dụng cụ sản xuất, tượng.  

Tại hội thảo khoa học quốc tế "Gốm cổ Bình Định-Vương quốc Vijaya và mối quan hệ với Kinh đô Thăng Long - Đại Việt (thế kỷ 11-15) diễn ra ngày (28/10), PGS.TS Sakai Takashi cho thấy gốm cổ Bình Định từ lâu đã tham gia thương mại quốc tế, và đã sản xuất theo đơn đặt hàng.Ở Đông Nam Á, gốm Bình Định được tìm thấy tại đảo Tuiman (Malaysia), Indonesia và Brunei. Đáng lưu ý là năm 1995, tại di tích tàu đắm ở vùng biển gần đảo Pandanan (Philippines) người ta đã tìm thấy 4.722 hiện vật, trong đó, có 70% là đồ gốm Việt Nam, chủ yếu là gốm Bình Định. Gốm Bình Định còn được tìm thấy tại di chỉ Al Tur trên đảo Sinai (Ai Cập), bên bờ phía Tây vịnh Suez và Junfar, thuộc các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất.Hiện các sưu tập đồ gốm Bình Định một phần hiện đang lưu giữ trong các bảo tàng, một phần thuộc sở hữu của các sưu tập tư nhân giàu có ở Indonesia và Phippinese. 

Kết quả khảo cổ đã làm lộ rõ những di sản của người xưa trên vùng đất Bình Định, cần tiếp tục đầu tư nghiên cứu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trong phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tình nhà./. 

Tin, ảnh: H. Tuấn


Tin nổi bật Tin nổi bật