Khai thác tiềm năng, phát triển nghề nuôi biển
Từ lợi thế có chiều dài bờ biển trên 134 km và có nhiều đầm phá, hệ thống vịnh, cảng…, Bình Định mở hướng phát triển nghề nuôi thủy sản trên biển, xây dựng quy hoạch vùng nuôi, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới, chuyển giao cho người dân.
Giàu tiềm năng
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh Bình Định hiện có hơn 3.400 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, trong đó nuôi thủy sản nước lợ hơn 2.000 ha, nuôi thủy sản nước ngọt trên 1.000 ha (chủ yếu là lồng bè ở các công trình hồ chứa thủy lợi), còn lại hơn 60 ha nuôi thủy sản nước mặn, tập trung tại các vùng biển gần bờ ở Quy Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ.
Về cơ bản, hiện nay nuôi thủy sản nước mặn tại Bình Định chủ yếu ở quy mô hộ gia đình, hệ thống lồng bè theo kiểu truyền thống đơn giản; nhóm nuôi chủ yếu là tôm hùm, cá chẽm, cá bớp, cá hồng, cá mú và mực lá… Dù quy mô còn khiêm tốn, song hoạt động nuôi thủy sản trên biển góp phần ổn định cuộc sống và tăng thu nhập cho gần 500 hộ gia đình ở các vùng ven biển; tạo việc làm cho người dân địa phương; cung cấp hải sản tươi sống phục vụ thị trường…
Vùng nuôi cá biển tại khu phố 9, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT, nuôi thủy sản nước mặn ở Bình Định về cơ bản mang lại nhiều kết quả khả quan. Song, với hình thức nuôi lồng bè thủ công, nguy cơ về dịch bệnh và ô nhiễm môi trường tăng lên, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều. Bên cạnh đó, vùng nuôi thủy sản nước mặn ở tỉnh Bình Định dễ bị ảnh hưởng của sóng gió lớn từ các cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Hệ thống lồng bè thủ công hiện nay không đáp ứng được yêu cầu; trong khi chuyển đổi đầu tư hệ thống lồng bè hiện đại, hệ thống nuôi bằng vật liệu HDPE chịu được sóng, gió thì suất đầu tư lớn nên người dân không đủ điều kiện thực hiện. Cùng với đó, hoạt động nuôi thủy sản nước mặn ở trong tỉnh chưa có DN lớn tham gia đầu tư, do vậy chưa có các mô hình xa bờ…
Tìm giải pháp thúc đẩy phát triển nghề nuôi biển
Trong bối cảnh khai thác thủy sản gặp khó do trữ lượng giảm, việc chuyển từ khai thác sang nuôi trồng là một trong những giải pháp để phát triển bền vững. Hơn nữa, chuyển từ nuôi trồng theo cách thức cũ, đã lạc hậu sang phương thức mới, hiện đại có kết hợp ứng dụng công nghệ cao, KHKT tiên tiến, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường; hiện đại hóa công tác quản lý nghề nuôi biển là tất yếu.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc, trên cơ sở Báo cáo tổng hợp quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Bình Định quy hoạch đến năm 2030 nuôi cá lồng bè trên biển đạt 80.000 m3, tập trung chủ yếu ở TP Quy Nhơn và huyện Phù Mỹ. Theo đó, ở các vùng này đầu tư phát triển nuôi theo hướng thâm canh tập trung, nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đa dạng hóa đối tượng nuôi và phương thức nuôi, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái.
Đồng thời, ngành nông nghiệp tham mưu UBND tỉnh quy hoạch xây dựng phát triển vùng nuôi chuyên canh thủy sản ở các địa phương ven biển, phát triển các nhóm vật nuôi biển tiềm năng ở vùng biển Quy Nhơn và Phù Mỹ. Cùng với đó, thí điểm xây dựng mô hình nuôi biển cộng đồng; mô hình đồng quản lý nuôi biển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học; tổ chức sản xuất, nuôi biển xa kết hợp với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo.
Hiện nay đã có 4 tổ chức cộng đồng/220 thành viên được UBND TP Quy Nhơn công nhận và giao quyền quản lý khu vực biển có diện tích xác định theo Luật Thủy sản 2017 với tổng diện tích giao quyền quản lý là 46,134 ha. Trước mắt đây là địa điểm có thể xây dựng và phát triển mô hình nuôi biển kết hợp du lịch của tỉnh. Trong giai đoạn tới, từng bước hình thành khu sản xuất giống thủy sản tập trung quy mô 20 ha tại xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ.
Cùng với đó, Sở NN&PTNT giao các đơn vị chuyên môn của Sở đẩy mạnh chuyển giao KHKT, công nghệ liên quan tới nghề nuôi biển. Cụ thể, giao Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Thủy sản tổ chức đào tạo nghề nhằm bổ sung kiến thức, kỹ năng cho người dân nuôi thủy sản trên biển nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nghề nuôi biển; trong đó ưu tiên cho việc đào tạo công nghệ lồng nuôi hiện đại và quy trình nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế cao. Xây dựng các mô hình trình diễn nuôi biển bằng hệ thống lồng bè vật liệu mới, vật liệu HDPE, ứng dụng và phát triển công nghệ 4.0 trong quản lý lồng nuôi biển, nhân rộng mô hình đạt hiệu quả trong cộng đồng người nuôi thủy sản trên biển.