A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lễ hội cầu ngư ở Đề Gi: Một nét đẹp văn hóa

Hàng năm, vào ngày mồng Mười tháng Tư (âm lịch) người dân hai thôn An Quang Đông và An Quang Tây, xã Cát Khánh lại tổ chức Lễ hội cầu ngư, cầu cho mưa thuận gió hòa, ra khơi đánh bắt được nhiều tôm cá, đem lại cuộc sống ngư dân no cơm, ấm áo.

Xuất phát từ cuộc sống lênh đênh sóng gió, luôn phải đối chọi với bão tố, phong ba bằng những phương tiện thô sơ thiếu thốn, người dân vùng biển đành phải tin vào cõi thần linh. Hằng năm, họ tổ chức lễ cầu ngư, cúng "ông Nam Hải" hay cá voi để cầu xin cho trời yên bể lặng, tàu thuyền ra khơi vào lộng được nhiều tôm cá. Vì luôn phải đối mặt vời những tai họa bất ngờ ập đến, người dân vùng biển thường tin vào những thế lực siêu hình, cho nên lễ cầu ngư còn để cầu mong thủy thần, những người chết sông, chết biển phù hộ cho họ. Theo tục lệ cứ vào ngày 10 tháng 4 Âm lịch, làng biển hai thôn An Quang Đông và An Quang Tây (gọi chung Đề Gi), xã Cát Khánh tổ chức Lễ hội Cầu ngư. Lễ hội dân gian này được diễn ra suốt từ ngày 10 đến ngày 16 tháng 4, với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú.  Phần lễ diễn ra trang trọng với lễ rước, lễ tế theo nghi thức truyền thống như: Lễ Rước sắc, lễ Nghinh Ông, lễ Tế Chánh, lễ Tôn Vương, …

Phần hội rực rỡ màu sắc với tàu đánh cá của ngư dân được trang trí cờ, hoa để thực hiện nghi thức rước Ông ra biển, trên các tàu chở rất đông ngư dân tham dự đoàn rước.

Lễ rước Nghinh Ông Nam Hải ngoài cửa biển Đề Gi

Chèo bá trạo, vừa là nghi thức tế lễ vừa là hình thức múa hát đặc trưng của lễ hội cầu ngư. Bả trạo như một hoạt cảnh múa hát, thể hiện những sinh hoạt, lao động của ngư dân như: chèo thuyền, kéo lưới …diễn tả tinh thần đoàn kết vượt qua sóng dữ, mang về mùa cá bội thu.

Đội Bá Trạo diễn xuất cho sự cầu mong những chuyến ra khơi được bình yên

Về phần hội diễn ra khá nhiều hoạt động như Hát Bội, múa lân, đua thuyền, lắc thúng … Trong những ngày diễn ra Lễ hội Cầu ngư, ngoài khách thập phương, ngư dân vùng biển Đề Gi đi làm ăn xa ở trong Nam, ngoài Bắc cũng trở về tụ hội cùng bà con làng xóm thêm ấm tình quê hương, họ xem đây là cái Tết thứ 2 trong năm ở vùng biển này.

Thôn An Quang Đông và An Quang Tây nằm dọc theo đầm và biển Đề Gi, trước mặt tiếp giáp tỉnh lộ 633, sau lưng là biển cả mênh mông. Từ khi làng được thành lập đến nay nghề nghiệp chính của ngư dân vẫn là đánh bắt và nuôi trồng hải sản. Năm nào “mưa thuận gió hòa” thì làm ăn khấm khá, những năm bị bão tố, mưa gió nhiều thì đời sống người dân gặp khó khăn, vất vả thậm chí còn bị đói rách. Do vậy, ngư dân hai thôn An Quang Đông và Tây (gọi chung Đề Gi) cùng nhau tổ chức cử hành một buổi lễ chung tại Lăng Ông Nam Hải Đề Gi cầu mong ước mơ “mưa thuận gió hòa”, đánh bắt được nhiều tôm, cá giúp đời sống ngư dân được ấm no, hạnh phúc. Lễ hội cầu ngư năm nay ở Đề Gi, được tiến hành trong 7 ngày, từ mồng 10 đến 16.4 âm lịch. Với các phần lễ: Rước Ông (còn gọi là lễ Nghinh Ông), lễ An Vị lễ Cầu Siêu (phù hộ cho những người không may bị chết trôi), Hát án. Về phần hội diễn ra khá nhiều hoạt động như Hát Bội, hát múa Bả Trạo, múa lân, đua thuyền, …

Theo ông Lê Văn Mạnh, Chánh lễ Lễ hội năm nay thì:"Lễ hội Cầu Ngư là hoạt động văn hoá tâm linh, tín ngưỡng đặc sắc của cư dân các làng biển. Đây là dịp để người dân tưởng nhớ, tôn kính những bậc khai khẩn, khai canh; là dịp để cư dân vùng biển kính trọng, tin tưởng vào các vị thần linh phù hộ cho ngư dân trước phong ba, bão táp, mong được bình yên trong những chuyến đi biển, để cộng đồng cư dân gắn kết với nhau trong cuộc sống, trong làm ăn. Đồng thời bảo tồn giá trị văn hóa tâm linh trong các lễ hội của người dân vùng biển…”

Lễ Tôn Vương

 Hiện đội tàu thuyền của xã Cát Khánh có 270 chiếc, với tổng công suất 112.159 CV, trong đó hai thôn An Quang Đông và Tây có 234 chiếc với 98.025 CV, sản lượng khai thác hàng năm cả xã trên 27.000 tấn hải sản các loại, trong đó hai thôn này sản lượng thu được chiếm gần 90%. Năm nay lễ hội có nhiều niềm vui hơn với xã Cát Khánh có nhiều tuyến đường ven biển, cầu Đề Gi hoàn thành và nhiều dự án khác đã triển khai sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội       

Lễ hội Cầu ngư mang nét đẹp văn hóa truyền thống dành riêng cho ngư dân vùng biển. Ngoài những ý nghĩa tốt đẹp về mặt nhân văn cũng như vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của ngư dân, Lễ hội Cầu ngư cũng cho thấy ý nghĩa lớn về mặt bảo vệ hệ sinh thái. Ngày nay, khi các quốc gia trên thế giới kêu gọi tham gia công ước bảo vệ cá voi, thì từ hàng thế kỷ trước, những ngư dân Việt Nam đã có cách làm của riêng mình để tham gia bảo vệ loài cá này trước nguy cơ tuyệt chủng.

Múa Lân trong Lễ hội Cầu ngư

Lễ hội Cầu Ngư là hoạt động văn hoá tâm linh, tín ngưỡng đặc sắc của cư dân làng biển. Đây là dịp để người dân tưởng nhớ, tôn kính những bậc khai khẩn, khai canh; là dịp để ngư dân vùng biển kính trọng, tin tưởng vào các vị thần linh phù hộ cho ngư dân trước phong ba, bão táp, mong được bình yên trong những chuyến đi biển, để cộng đồng ngư dân gắn kết với nhau trong cuộc sống, trong làm ăn. Đồng thời bảo tồn giá trị văn hóa tâm linh trong các lễ hội của người dân vùng biển

Lễ hội cầu ngư cũng là dịp để ngư dân làng biển tỏ lòng biết ơn đối với công đức của cá Ông và cầu mong mùa đánh bắt bội thu, thuyền bè đi khơi về lộng an toàn và thể hiện ý thức “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ công đức của các bậc tiền hiền, có công lập làng, dựng nghề.

Lăng Ông Nam Hải Đề Gi

Lễ hội Cầu ngư không chỉ thể hiện bản sắc văn hóa dân gian đặc sắc, mang tính vùng miền của ngư dân mỗi địa phương có di sản mà còn là môi trường bảo tồn, làm giàu và phát huy sự đa dạng của bản sắc văn hóa dân tộc, là cơ hội phát huy giá trị văn hóa biển Việt Nam.

Bên cạnh đó, Lễ hội Cầu ngư chính là nguồn sử liệu, là những bằng chứng xác thực về chủ quyền biển đảo và kinh nghiệm ứng xử với biển đảo của các thế hệ người Việt Nam nói chung và Phù Cát nói riêng trong quá khứ, hiện tại và tương lai…Vì vậy cần bảo tồn, phát huy./.


Tác giả: Văn Thý
Nguồn:phucat.binhdinh.gov.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật