Nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn cơ sở
Còn nhiều hạn chế
Theo đánh giá của LĐLĐ tỉnh, thời gian qua, một số CĐCS chưa thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Do đó, vẫn còn tình trạng vi phạm pháp luật lao động. Những bất đồng trong quan hệ lao động chưa được đàm phán, thương lượng giải quyết tốt ở cơ sở nên đã xảy ra trường hợp đình công, lãn công. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở một số CĐCS còn mang tính hình thức; tình trạng vi phạm chế độ, chính sách về pháp luật lao động ở các DN ngoài nhà nước còn nhiều nhưng chưa được ngăn chặn và xử lý.
Đội ngũ cán bộ công đoàn bán chuyên trách thường xuyên biến động, nhất là ở CĐCS thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Do đó, việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức các phong trào còn hạn chế. Công tác kiện toàn, củng cố ban chấp hành và chỉ đạo CĐCS tổ chức đại hội mãn nhiệm kỳ còn chậm; việc cấp phát thẻ và quản lý thẻ đoàn viên công đoàn còn nhiều bất cập, vướng mắc. Cấp ủy Đảng và chính quyền ở một số nơi chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức công đoàn phát triển tổ chức và triển khai các hoạt động. Một số công đoàn cấp trên cơ sở chưa quan tâm đúng mức việc thành lập mới CĐCS ở những DN có đủ điều kiện thành lập công đoàn.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, nội dung, phương thức hoạt động công đoàn một số nơi chậm đổi mới, còn hành chính hóa; chưa đi sâu, đi sát cơ sở nên việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ chưa kịp thời. Một bộ phận cán bộ công đoàn thiếu năng động, ít nhiệt tình; trong khi trình độ cán bộ CĐCS ở khu vực ngoài nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới. Bên cạnh đó, hầu hết cán bộ CĐCS hoạt động kiêm nhiệm, phụ thuộc nhiều vào người sử dụng lao động nên ít có thời gian dành cho công tác công đoàn.
Làm gì để nâng cao chất lượng, hiệu quả ?
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của CĐCS, LĐLĐ tỉnh đang đẩy mạnh việc tập huấn cho cán bộ công đoàn với các chuyên đề về xây dựng CĐCS vững mạnh, kiểm tra về công đoàn; công tác văn phòng, tài chính; công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật lao động; công tác bảo vệ NLĐ, an toàn lao động, nữ công… Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho NLĐ dưới nhiều hình thức như tuyên truyền miệng bằng cách mở các lớp phổ biến về Luật Lao động, Luật Công đoàn tại các DN, nhất là DN ngoài nhà nước; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền bằng các băng đĩa phát cho các CĐCS để phát trên loa phóng thanh nội bộ hoặc phát trên các xe đưa đón công nhân; tổ chức các chương trình, trò chơi lồng ghép tuyên truyền pháp luật lao động...
Ngoài ra, công đoàn cấp trên thường xuyên xuống tận cơ sở, sâu sát cơ sở để tổ chức các hoạt động và kiểm tra, giám sát việc thực hiện Điều lệ Công đoàn nhằm giúp CĐCS hoạt động ngày càng chất lượng, hiệu quả hơn và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN.
Theo ông Nguyễn Chín, Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Khu Kinh tế tỉnh, hiện Khu kinh tế có 109 DN đang hoạt động nhưng còn 21 DN chưa chịu thành lập tổ chức công đoàn. Với những DN có tổ chức công đoàn nhưng hoạt động còn kém, nguyên nhân chính là do chủ DN không trích phần trăm kinh phí công đoàn để CĐCS hoạt động; chủ DN không sắp xếp, bố trí cho cán bộ công đoàn tham gia các đợt tập huấn do công đoàn cấp trên tổ chức.
“Để củng cố lại hoạt động của các CĐCS, Công đoàn Khu kinh tế tỉnh đang đẩy mạnh tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn; tăng cường đi cơ sở để nắm tình hình hoạt động, nhằm uốn nắn các CĐCS hoạt động yếu kém. Với các CĐCS không chịu tổ chức hoạt động, không tổ chức đại hội công đoàn, chủ DN không tạo điều kiện cho cán bộ công đoàn tham gia hoạt động với công đoàn cấp trên, chúng tôi sẽ kiên quyết giải thể” - ông Chín cho biết.