A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tự hào về biển đảo quê hương

Những ngày qua, các cơ sở Đoàn trong tỉnh đã nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động như diễn đàn, ngày hội, giao lưu… gắn với chủ đề về biển đảo quê hương. Đây là đợt sinh hoạt nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ lòng yêu nước, tự hào dân tộc, quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước, trong đó có biển, đảo thiêng liêng...

Hiểu thêm về biển đảo quê hương

Ngày 22.10, Tỉnh đoàn phối hợp với các đơn vị tổ chức buổi giao lưu “Sáng mãi huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển”. Chương trình đã giao lưu với các khách mời là những cựu chiến binh đã từng tham gia trên các “con tàu không số” mở đường Hồ Chí Minh trên biển vận chuyển vũ khí vào Nam đánh Mỹ như: đồng chí Lê Văn Nốt, từng có mặt trên tàu không số cập bến Lộ Diêu ngày 1.11.1964; đồng chí Lê Văn Tấn, Phó Chính ủy Lữ đoàn 172; anh Lê Minh Thoa, cựu Trung úy thuộc Lữ đoàn 125 Hải Quân Việt Nam từng tham gia làm nhiệm vụ tại Trường Sa; Thượng úy Nguyễn Hồng Nhật, Đảo phó đảo Đá Đông, thuộc Quần đảo Trường Sa.

Các khách mời đã chia sẻ với các bạn đoàn viên - thanh niên (ĐVTN) về cuộc sống của những người lính hải quân của đoàn tàu không số thời ấy, chiến sĩ công binh xây dựng Trường Sa... Cùng với những câu chuyện, những thước phim về cuộc sống gian khó của các chiến sĩ nơi đảo xa; thông tin về tình hình biên giới, hải đảo, đã giúp các bạn trẻ có thêm nhận thức mới về nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Trả lời câu hỏi: Các bạn trẻ phải làm gì để góp phần bảo vệ Tổ quốc thân yêu? Phó Chính ủy Lữ đoàn 172 Lê Văn Tấn cho rằng: “Chúng ta phải mạnh về mọi mặt. Để tạo sức mạnh đó, trước nhất là phải có tiềm lực kinh tế, giáo dục, quốc phòng... Mỗi bạn trẻ đều có thể góp phần giúp đất nước giàu mạnh hơn bằng nỗ lực, cống hiến trong học tập, lao động”.

Ngoài hoạt động trên, Huyện đoàn Hoài Nhơn tổ chức chương trình gặp gỡ các nhân chứng từng tham gia đoàn tàu không số diễn ra ngay tại thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ - nơi đoàn tàu không số từng cập bến. Trước đó, Chi đoàn cơ quan Tỉnh đoàn phối hợp với các đơn vị đã tổ chức Ngày hội “Sức sống biển - đảo”; Đoàn Trường Đại học Quy Nhơn tổ chức chương trình “Khăn ấm yêu thương” và đã nhận được 520 khăn len do các bạn sinh viên tự tay đan tặng các chiến sĩ ở Quần đảo Trường Sa... 

Hành động vì biển đảo

Cùng với hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, các cơ sở Đoàn còn tổ chức nhiều hoạt động hướng về biển, đảo, về người chiến sĩ hải quân. Anh Trần Hữu Thảo, Bí thư Huyện đoàn Hoài Nhơn, cho biết: “Chương trình kỷ niệm vừa qua do Huyện đoàn tổ chức là một trong các hoạt động mà tuổi trẻ Hoài Nhơn hướng về biển đảo quê hương. Huyện đoàn đã tổ chức và phát thưởng cho cuộc thi tìm hiểu “Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển”; trao 185 suất quà, trị giá gần 100 ngàn đồng/suất, cho các gia đình chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở thôn Lộ Diêu và khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho 100 người thuộc gia đình chính sách, cựu chiến binh ở đây. 

Chỉ tính riêng chương trình giao lưu “Sáng mãi huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển”, Tỉnh đoàn đã nhận được trên 195 triệu đồng đóng góp ủng hộ quỹ “Góp đá xây Trường Sa” do Báo Tuổi trẻ tổ chức. Các cơ sở Đoàn đang tích cực phát động ĐVTN thể hiện hành động cụ thể của mình.

Anh Nguyễn Tường Thành, Phó Bí thư Đoàn Trường Đại học Quy Nhơn, cho biết: “Tự hào về quê hương nhưng chúng ta phải có hành động cụ thể. Với những nhà khoa học trẻ hay những bạn sinh viên chuyên ngành kỹ thuật, cần có thêm những công trình nghiên cứu nhằm khắc phục những khó khăn của đời sống đảo xa. Đoàn Trường đã và sẽ có nhiều hoạt động kết nối giữa đảo xa và đất liền như viết thư thăm hỏi, tặng quà… Với việc kêu gọi đóng góp cho quỹ “Đồng hành cùng ngư dân trẻ”, ĐVTN cùng mọi người sẽ hỗ trợ ngư dân nhiều hơn để họ yên tâm bám biển”.


Tin nổi bật Tin nổi bật