Kế hoạch phát triển ngành thủy sản: Thích ứng với biến đổi khí hậu
Tiềm ẩn nguy cơ
Theo các nhà nghiên cứu về BĐKH, tính dễ bị tổn thương do tác động của BĐKH đối với ngành TS của Bình Định là khá cao. Chẳng hạn, trong lĩnh vực nuôi trồng TS, nhiệt độ thay đổi bất thường làm cho tình trạng dịch bệnh tôm nuôi thêm trầm trọng. Tình trạng lũ, lụt cũng làm thay đổi nồng độ mặn, gây ô nhiễm nguồn nước dẫn đến bệnh dịch cho tôm nuôi, phá vỡ ao, đìa nuôi, làm thất thoát TS nuôi trồng. Bão kèm theo mưa sẽ phá vỡ ao, đìa nuôi, làm thất thoát TS nuôi trồng. Ngoài ra, triều cường, nước biển dâng cũng là những yếu tố gây nên tình trạng nhiễm mặn ở vùng cao triều; khu vực dễ bị tổn thương nhất là đầm Đề Gi (Phù Cát, Phù Mỹ) và các xã Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thuận (Tuy Phước)…
Đồng thời, thay đổi nhiệt độ nước biển sẽ dẫn đến suy thoái các hệ sinh thái ven biển, làm giảm nguồn lợi TS ven bờ, thay đổi ngư trường đánh bắt ven bờ; các khu vực dễ bị tổn thương nhất là Tuy Phước, Quy Nhơn, Phù Mỹ. Bên cạnh đó, hoạt động đánh bắt xa bờ còn chịu tác động của bão, làm hư hỏng tàu thuyền, gây thiệt hại về người…
Ông Đinh Văn Tiên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, Giám đốc Văn phòng Điều phối về BĐKH tỉnh Bình Định (CCCO), cho biết: Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách khoa học - công nghệ cùng CCCO đang thực hiện đề tài “Nghiên cứu lồng ghép thích ứng với BĐKH vào kế hoạch phát triển ngành TS Bình Định”. Đây là đề tài khoa học thuộc khuôn khổ Dự án “Diễn đàn tri thức về thích ứng với BĐKH của châu Á” - Hợp phần Việt Nam.
Theo Thạc sĩ Vũ Cảnh Toàn, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách khoa học - công nghệ, Điều phối viên kỹ thuật về thích ứng với BĐKH: BĐKH đã, đang và sẽ gây nên những thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế và con người. Trong đó, tỉnh Bình Định là một trong những khu vực chịu nhiều tác động của các rủi ro do BĐKH. Ngành TS Bình Định là một ngành có độ nhạy cảm cao với thiên tai và BĐKH. Mục đích của đề tài là nghiên cứu, tìm hiểu các khả năng lồng ghép BĐKH vào kế hoạch phát triển ngành TS; xác định phương pháp luận về lồng ghép BĐKH cho ngành; đề xuất thí điểm lồng ghép thích ứng với BĐKH vào kế hoạch phát triển ngành TS Bình Định; tìm hiểu các khả năng thể chế hóa…
Sẽ có 5 nội dung lồng ghép BĐKH vào kế hoạch phát triển ngành TS Bình Định là: Lồng ghép các kết quả đánh giá tính dễ bị tổn thương do BĐKH; lồng ghép các giải pháp thích ứng với BĐKH; lồng ghép các nguồn lực tài chính, nhân lực, năng lực, thiết bị; lồng ghép các tiêu chí về thích ứng trong việc lựa chọn, phê duyệt dự án và trong quá trình giám sát, đánh giá; lồng ghép các hoạt động nâng cao nhận thức về BĐKH.
Cơ hội để ngành TS phát triển bền vững
Hiện nay, đề tài “Nghiên cứu lồng ghép thích ứng với BĐKH vào kế hoạch phát triển ngành TS Bình Định” đang được khởi động khá tích cực. Nhóm nghiên cứu đã xác định rõ phạm vi lồng ghép và đề xuất một số giải pháp thích ứng khá cụ thể, thiết thực.
Theo ông Đinh Văn Tiên, về phạm vi, sẽ thực hiện việc lồng ghép vào quy hoạch tổng thể phát triển TS tỉnh Bình Định đến năm 2020, tầm nhìn 2030; trong đó, ưu tiên cho các lĩnh vực: nuôi trồng TS nước lợ (đặc biệt là nuôi tôm), hoạt động đánh bắt ven bờ và ngư dân đánh bắt ven bờ.
Về giải pháp, nhóm nghiên cứu xác định: Đầu tiên sẽ nâng cao nhận thức và năng lực cho các cơ quan, cán bộ quản lý TS ở địa phương từ cấp tỉnh đến cấp xã và cộng đồng ngư dân về BĐKH, các tác động tiềm tàng của nó và các biện pháp thích ứng. Mục tiêu cụ thể là đến năm 2015, 100% cán bộ và 70% ngư dân trên địa bàn được tập huấn. CCCO đóng vai trò đầu mối trong việc hỗ trợ thực hiện hoạt động này thông qua việc huy động tài trợ và gắn với các dự án hỗ trợ ứng phó với BĐKH cho tỉnh.
Các bước tiếp theo sẽ là: Tiến hành khôi phục và bảo tồn rừng ngập mặn ở các khu vực đầm Thị Nại, đầm Đề Gi, với mục tiêu đến năm 2015 sẽ trồng 100 ha rừng ngập mặn; xây dựng, nâng cấp các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão ở khu vực Đề Gi (Phù Cát, Phù Mỹ), Thị Nại (Quy Nhơn, Tuy Phước) và Tam Quan Bắc, An Dũ (Hoài Nhơn), Hà Ra (Phù Mỹ) gắn với chiến lược phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai quốc gia; hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, sinh kế thông qua chương trình vay vốn ưu đãi, tập huấn và tạo việc làm mới (ưu tiên cho các khu vực Tuy Phước, Quy Nhơn), gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm; khôi phục và bảo tồn rạn san hô ở khu vực Ghềnh Ráng, Nhơn Hải, Nhơn Lý gắn với chương trình quản lý tổng hợp dải ven bờ… Ngoài ra, cần có giải pháp hình thành hệ thống theo dõi, giám sát, cảnh báo dịch bệnh, thống kê diễn biến dịch bệnh có cân nhắc tới vấn đề BĐKH…
Hy vọng đề tài “Nghiên cứu lồng ghép thích ứng với BĐKH vào kế hoạch phát triển ngành TS Bình Định” sẽ được triển khai hiệu quả, góp phần để ngành TS Bình Định không chỉ thích ứng với BĐKH, mà còn phát triển bền vững trong tương lai…