|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xã hội hóa giáo dục: Niềm vui chưa trọn

Ban Văn hóa - Xã hội thuộc HĐND tỉnh vừa tổ chức đợt khảo sát về công tác xã hội hóa giáo dục từ năm 2006 đến nay tại các huyện, thành phố. Kết quả cho thấy, công tác này đã có những bước tiến dài nhưng vướng mắc cũng không ít.

Lan tỏa nhanh

Từ năm 2006 đến nay, công tác xã hội hóa giáo dục ở Bình Định đã huy động sự đóng góp của các lực lượng xã hội, tổ chức và cá nhân, doanh nghiệp cho sự phát triển giáo dục với tổng số tiền trên 400 tỉ đồng. Hội Khuyến học tỉnh đã huy động được hàng chục tỉ đồng hỗ trợ giáo viên, học sinh nghèo gặp hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện để giáo viên yên tâm gắn bó với nghề, học sinh yên tâm đến lớp. Trong quá trình thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục đã xuất hiện nhiều tấm gương tập thể và cá nhân tiêu biểu như: ông Đặng Đông Xuân đóng góp 2,2 tỉ đồng xây hai trường mầm non tại xã Mỹ Lợi và Mỹ Phong (huyện Phù Mỹ), Công ty Xổ số kiến thiết Bình Định đóng góp 700 triệu đồng xây khu nhà ở nội trú cho học sinh Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn…

Ông Cao Văn Bình, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết: “Hơn 5 năm qua, người dân đã chủ động hiến 12.808 m2 đất để xây trường học; nhiều cá nhân và tổ chức hỗ trợ 7,319 tỉ đồng mua sắm trang thiết bị dạy học, đóng góp bằng tiền mặt 24,726 tỉ đồng và ngày công quy ra tiền gần 2 tỉ đồng. Đặc biệt, những cá nhân, doanh nghiệp và những người con của quê hương Bình Định làm ăn thành đạt ở các tỉnh khác đã hỗ trợ 25,538 tỉ đồng xây dựng cơ sở vật chất và hỗ trợ tổ chức các hoạt động thường xuyên của ngành. Chính sự chung tay góp sức của xã hội đã góp phần giúp cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh không ngừng phát triển”.

Từ năm học 2005-2006 đến 2010-2011, toàn tỉnh có 138 trường mầm non ngoài công lập trên tổng số 189 trường (tỉ lệ 73,02%); 15 trường THPT ngoài công lập trên tổng số 50 trường (tỉ lệ 30%); 139 xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng trên tổng số 159 xã, phường, thị trấn (tỉ lệ 87,42%) và 11/11 huyện, thành phố đều có trung tâm giáo dục thường xuyên-hướng nghiệp (GDTX-HN). Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục ngoài công lập được tạo nhiều điều kiện để nâng cao trình độ giảng dạy và quản lý. Ngoài hình thức đào tạo chính quy, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh và các Trung tâm GDTX-HN huyện, thành phố đã mở các lớp bổ túc văn hóa, chương trình dạy hướng nghiệp cho học sinh THCS và THPT, phối hợp với các trường đại học mở nhiều lớp đại học từ xa, liên thông cao đẳng, đại học với lưu lượng hàng năm từ 2.000-3.000 học viên…

Còn nhiều cái vướng

Nỗ lực đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục đang bị “vướng” vì những bất cập trong chỉ đạo và chưa nhận được sự đồng thuận từ học sinh, phụ huynh. Trong số 6 chỉ tiêu về kế hoạch xã hội hóa giáo dục giai đoạn 2006-2010 đã được Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa X thông qua, chỉ tiêu về tỉ lệ học sinh tiểu học và THCS ngoài công lập không đạt được vì các trường tiểu học và THCS ở tỉnh ta không có loại hình ngoài công lập; việc huy động các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập các trường tiểu học, THCS tư thục còn gặp nhiều khó khăn như đất đai, cơ chế huy động…

Khuyến khích học sinh không đủ điều kiện vào lớp 10 trung học phổ thông sang học trung cấp nghề hoặc trung cấp chuyên nghiệp cũng chưa đạt được chỉ tiêu vì phụ huynh không muốn con em mình theo học hệ này. Cũng vì vậy mà việc phân luồng học sinh sau THCS không năm nào đạt đúng tiêu chí của công tác phổ cập giáo dục bậc trung học…

Để đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong giai đoạn tiếp theo, ông Cao Văn Bình, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, cho rằng: Điều quan trọng nhất là phải nâng cao nhận thức về xã hội hóa giáo dục đối với các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân, xóa tư tưởng bao cấp. Công tác tuyên truyền vận động cần sâu rộng, có nhiều giải pháp cụ thể mang tính khả thi. Một số cơ chế chính sách cũng nên điều chỉnh cho phù hợp để thực sự tạo động lực phát triển một cách bền vững như: cơ chế huy động và sử dụng học phí, xây dựng cơ sở vật chất, cơ chế tự chủ về tài chính, biên chế, quản lý nhân sự… Có như vậy công tác xã hội hóa giáo dục mới được đẩy mạnh và mang lại hiệu quả thiết thực”.  


Tin nổi bật Tin nổi bật