A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển đội ngũ luật sư: Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Tại Hội nghị tổng kết 5 năm thi hành Luật Luật sư vừa được Sở Tư pháp tổ chức, nhiều đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế mà đội ngũ luật sư trên địa bàn tỉnh đang gặp phải; qua đó, tìm hướng phát triển đội ngũ luật sư tại địa phương.

Thực trạng: Thiếu và yếu!

Theo đánh giá của Sở Tư pháp, tốc độ phát triển về số lượng luật sư trên địa bàn tỉnh còn chậm so với nhu cầu xã hội. Năm 2011, toàn tỉnh có 43 luật sư và 8 người tập sự hành nghề luật sư; 19 văn phòng luật sư và 2 công ty luật. Trong vòng 4 năm (từ 2007 - 2011), trung bình mỗi năm tỉnh ta chỉ tăng thêm 3 luật sư (năm 2007 có 30 luật sư và 19 tập sự hành nghề).

Ngoài ra, 1/3 số luật sư được công nhận khi còn Pháp lệnh Luật sư năm 1987; phần lớn trong số đó là cán bộ từ các cơ quan tư pháp đã nghỉ hưu, chưa qua đào tạo kỹ năng hành nghề luật sư. Số luật sư còn lại phần lớn là trẻ, được đào tạo kỹ năng hành nghề và được công nhận theo Luật Luật sư. Do đó, sự chênh lệch trong nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng hành nghề và kinh nghiệm nghề nghiệp là không thể tránh khỏi.

Bên cạnh đó, chất lượng hoạt động luật sư chưa đáp ứng được đòi hỏi của hoạt động tranh tụng theo yêu cầu cải cách tư pháp và yêu cầu dịch vụ tư vấn trong nước, cũng như quốc tế. Đội ngũ luật sư còn yếu về trình độ ngoại ngữ nên gặp khó khăn trong các vụ án có yếu tố nước ngoài.

Các tổ chức hành nghề luật sư chủ yếu tập trung ở TP Quy Nhơn (15 văn phòng, 2 công ty). Trong khi đó, các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa chưa có tổ chức hành nghề nên việc tư vấn pháp luật cho cá nhân, tổ chức khi có nhu cầu còn hạn chế (đặc biệt, trong các vụ án bắt buộc cơ quan tố tụng phải mời luật sư tham gia).

Đồng thời, do điều kiện hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh chưa thực sự hấp dẫn (về mặt kinh tế) nên một số luật sư chuyển đến các địa phương khác hoạt động. Theo thống kê, 16 trong tổng số 43 luật sư của Đoàn Luật sư tỉnh thường xuyên vào TP Hồ Chí Minh hành nghề; dẫn đến đội ngũ luật sư trong tỉnh tham gia các hoạt động tại địa phương đã ít lại càng ít thêm.

Nhận thức về vai trò, vị trí của luật sư tại một số cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng và người dân còn hạn chế cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển số lượng luật sư và hiệu quả hoạt động hành nghề của luật sư.

Cần có giải pháp tháo gỡ

Thực hiện Quyết định số 123/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sở Tư pháp đã xây dựng Đề án “Phát triển đội ngũ luật sư hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do tổ chức và hoạt động hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh ta còn không ít hạn chế nên việc phát triển đội ngũ luật sư gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên có nhiều nhưng chủ yếu tập trung vào một số điều như chưa xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với Đoàn Luật sư tỉnh; nhân sự tại các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động hành nghề luật sư còn mỏng, ảnh hưởng đến công tác quản lý, hoạch định chính sách về luật sư và hành nghề luật sư.

Quy mô của các tổ chức hành nghề luật sư còn khiêm tốn, chất lượng của đội ngũ luật sư còn hạn chế; cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của Đoàn Luật sư tỉnh quá thiếu thốn; chính sách, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ luật sư còn hạn chế, chưa thu hút được người có trình độ, năng lực...

Luật sư Trần Lâm Hải, Trưởng Văn phòng luật sư Phú Hải, thẳng thắn nhìn nhận: “Thời gian gần đây, một số vụ án lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh Bình Định nhưng lại không có sự tham gia của đội ngũ luật sư đang hành nghề tại địa phương. Điều này cho thấy, tiếng nói của đội ngũ luật sư tại tỉnh ta đã bị giảm sút rất nhiều”.

Tại Hội nghị, đa số đại biểu đều nêu ý kiến: Để giải quyết thực trạng trên, cơ quan chức năng và những người có liên quan cần “ngồi lại với nhau” để mổ xẻ nguyên nhân và tìm ra giải pháp phù hợp nhất nhằm đưa đội ngũ luật sư của tỉnh phát triển cả về lượng lẫn chất. Thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật, ngoại ngữ; mở các cuộc hội thảo về tổ chức và hoạt động hành nghề, kỹ năng hành nghề cho luật sư, nhất là đội ngũ luật sư trẻ.

Các cơ quan tiến hành tố tụng, ngành chức năng của tỉnh cần tạo điều kiện thuận lợi nhất để đội ngũ luật sư hành nghề. Tỉnh cần có chính sách, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ luật sư để thu hút người tài; động viên, khuyến khích họ gắn bó với nghề.       


Tin nổi bật Tin nổi bật