|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sản xuất nông nghiệp năm 2011: Thành công nhiều mặt

Năm 2011, dù bị ảnh hưởng bởi nhiều khó khăn khách quan, nhưng sản xuất nông nghiệp (SXNN) tỉnh ta vẫn phát triển tương đối toàn diện và đạt tốc độ tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất của ngành nông, lâm, thủy sản 9 tháng đầu năm 2011 tăng 4,3% so cùng kỳ năm 2010.

Nỗ lực vượt khó

Vụ sản xuất Đông Xuân (ĐX) là mùa vụ quan trọng nhất trong năm, nhưng đầu vụ ĐX năm 2011 lại xảy ra mưa lũ lớn, gây thiệt hại cho SXNN. Thời điểm này, nhiệt độ ngày và đêm chênh lệch lớn là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh, trong đó, dịch rầy nâu đã bùng phát trên diện rộng, gây hại trên 32.798 ha lúa, ảnh hưởng đến năng suất lúa. Vụ sản xuất Hè Thu (HT) và vụ Mùa cũng gặp không ít trở ngại, do thời tiết nắng nóng kéo dài, nguồn nước tưới bị thiếu hụt nghiêm trọng, hàng ngàn ha lúa bị hạn; sâu bệnh tiếp tục phát sinh gây hại cây trồng trên diện rộng.

Trong năm nay, ngành nghề chăn nuôi cũng gặp khó khăn khi dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) phát sinh trên đàn heo ở nhiều địa phương; nguy cơ tái phát các loại dịch bệnh nguy hiểm khác trên đàn gia súc, gia cầm còn ở mức cao; đầu ra các sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi không ổn định… Tất cả những khó khăn này đã tác động xấu đến hoạt động sản xuất, chăn nuôi của nông dân.

Trước tình hình trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp tỉnh và chính quyền các địa phương phát huy nội lực, khắc phục hậu quả mưa lũ; vận động nông dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ nhằm “né tránh” các yếu tố bất lợi của thời tiết, giảm chi phí đầu vào và tăng hiệu quả sản xuất.

Điều dễ nhận thấy nhất trong SXNN ở tỉnh ta thời gian qua là việc tăng cường đưa các loại giống lúa mới vào sản xuất thay cho các giống cũ bị thoái hóa. Ở vụ ĐX và vụ HT năm 2011, ngành Nông nghiệp tỉnh đã đưa vào sản xuất nhiều loại giống lúa mới như ĐB1, ĐB5, ĐB6, TBR1, Q5, ĐV 108, ĐV8, ML202, cùng một số giống lúa lai trung và dài ngày có năng suất cao, kháng bệnh tốt như Nghi Hương 2308, Nhị ưu 838, BAC 807, B-TE1. Hiện nay, trên 95% diện tích sản xuất lúa toàn tỉnh đã sử dụng giống lúa cấp 1 và lúa lai. Có được bộ giống phù hợp, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tiến hành điều chỉnh lịch thời vụ sản xuất để các loại giống lúa trên phát huy năng suất, đồng thời, hạn chế rủi ro do thiên tai, thời tiết, sâu bệnh gây ra, tăng thu nhập cho nông dân.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã phối hợp với chính quyền các địa phương củng cố hệ thống dịch vụ giống cây trồng, vật tư, phân bón tại các địa phương, đáp ứng tốt nhu cầu của nông dân; vận động bà con đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cây trồng…

Thành công nhiều mặt

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nói trên, SXNN năm 2011 ở tỉnh ta đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Theo số liệu thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh, năm 2011, toàn tỉnh đã thực hiện sản xuất trên 100 ngàn ha lúa, trong đó, vụ ĐX sản xuất 47.790 ha, vụ HT 42.203 ha, vụ Mùa trên 22.000 ha. Điều đáng mừng là trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, cây trồng chịu nhiều tác động xấu của thiên tai, bão lũ, hạn hán và sâu bệnh phát sinh nhưng năng suất lúa vẫn đạt khá cao; sản lượng lúa toàn tỉnh năm 2011 ước đạt 600 ngàn tấn.

Ngoài cây lúa, nông dân các địa phương trong tỉnh cũng đã tăng cường phát triển diện tích rau màu và các loại cây trồng cạn, áp dụng phương pháp canh tác xen canh, luân canh, sản xuất tập trung tạo sản phẩm hàng hóa có tính cạnh tranh, được thị trường chấp nhận nên đầu ra sản phẩm khá thuận lợi.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT: Giá trị sản xuất 9 tháng đầu năm 2011 của ngành nông, lâm, thủy sản Bình Định ước đạt trên 4.000 tỉ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt trên 2.707 tỉ đồng, tăng 3,1%; lâm nghiệp 155,2 tỉ đồng, tăng 12,1% và thủy sản đạt 1.203,6 tỉ đồng, tăng 6%...

 
Ngành chăn nuôi cũng từng bước được phục hồi và phát triển. Tổng đàn gia súc toàn tỉnh hiện có 855.360 con,  đàn gia cầm có gần 6 triệu con. Đáng chú ý là phong trào chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình kinh tế trang trại phát triển khá mạnh ở các địa phương. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 247 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn. Các chủ trang trại đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm các trang thiết bị khá hiện đại, chăn nuôi theo hình thức khép kín, phòng chống dịch bệnh chu đáo, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như trang trại chăn nuôi gà đẻ thương phẩm với công nghệ khép kín quy mô 60.000 con gà đẻ của Công ty Thái An (ở xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn).

Hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản có chuyển biến tích cực, sản lượng hải sản khai thác trong 9 tháng đầu năm ước đạt 105.500 tấn, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước.

Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được tăng cường. Đầu năm đến nay, các đơn vị trong tỉnh đã khai thác hàng ngàn m3 gỗ rừng trồng, đồng thời, nỗ lực trồng mới trên 5.000 ha rừng trong năm nay.

Theo ông Hồ Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT: SXNN thường bị tác động xấu bởi các yếu tố khách quan. Trong năm 2011, SXNN ở tỉnh ta tuy gặp nhiều khó khăn về sâu bệnh cây trồng, dịch bệnh gia súc, hạn hán… song nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh cùng sự  nỗ lực của ngành Nông nghiệp, chính quyền các địa phương và nông dân toàn tỉnh, nên SXNN năm 2011 của tỉnh ta đã đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi. Phát huy thắng lợi đạt được, hiện ngành Nông nghiệp tỉnh đang chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để bước vào sản xuất vụ ĐX 2011-2012 trong thời gian đến với nhiều thuận lợi.


Tin nổi bật Tin nổi bật