Tôn vinh “văn hóa võ”
Thật khó trọn vẹn nếu chỉ là biểu diễn võ thuật như các lần liên hoan trước, dù dự kiến sẽ có thêm nội dung đối kháng, thì cũng chưa đủ để tạo được nét riêng cho một sự kiện võ thuật được tổ chức ở “miền đất võ” Bình Định.
Võ cổ truyền Việt Nam nói chung và võ Bình Định là “di sản văn hóa độc đáo” nên vấn đề trọng tâm cần đặt ra cho Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần này là làm sao tổ chức các hoạt động để tôn vinh “văn hóa võ” chứ không chỉ là “diễn võ”.
“Văn hóa làng võ” được xem là nét độc đáo riêng của đất võ Bình Định. Vậy nên chăng các hoạt động chính của Liên hoan cần đưa về các địa phương có truyền thống võ thuật chứ không nên chỉ tập trung tại Quy Nhơn.
Chẳng hạn, lễ khai mạc các liên hoan lần trước là hoạt động quy mô nhất, tập trung đầy đủ các đoàn tham gia, đã được tổ chức nhiều lần tại Sân vận động Quy Nhơn. Vậy sao, lần này, không nghĩ đến việc tổ chức Lễ khai mạc Liên hoan ở một địa phương khác như thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn) - nơi có điểm tham quan, di tích gắn liền với người anh hùng áo vải cờ đào Nguyễn Huệ, cũng là vùng đất có phong trào võ cổ truyền phát triển mạnh.
Các võ đường nổi tiếng ở các làng quê cũng cần được tạo điều kiện để tổ chức nhiều hoạt động theo hướng giúp các đoàn quốc tế có thời gian giao lưu, học hỏi hơn.
Cũng trên ý tưởng tôn vinh văn hóa làng võ Bình Định, các thí sinh tham gia thi Người đẹp võ thuật đã có nền tảng võ thuật thì nên tạo điều kiện cho họ về các võ đường nổi tiếng ở Bình Định để tìm hiểu về võ đạo, học biểu diễn ít nhất một bài quyền, binh khí tiêu biểu để dự thi trong Liên hoan.
Cần có thêm những ý tưởng mới để “nâng tầm” một sự kiện nhiều ý nghĩa như Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam.