A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sở NN-PTNT: Lập quy hoạch bảo vệ rừng ngập mặn

Vừa qua, Sở NN-PTNT tỉnh đã lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn (RNM) giai đoạn 2010-2020, được UBND tỉnh thống nhất chủ trương. Đây là việc làm cần thiết nhằm phục hồi hệ sinh thái RNM.

Bình Định là tỉnh có hệ sinh thái RNM phong phú và đa dạng, phân bố dọc theo đầm Thị Nại, đầm Đề Gi, vùng cửa sông giáp biển. Đáng tiếc là trước đây, nhiều diện tích RNM đã bị chặt phá để nuôi trồng thủy sản. Riêng tại khu vực đầm Thị Nại, RNM chỉ còn lại vài chục ha nằm rải rác.

Qua thực hiện đề tài: “Điều tra, khảo sát và nghiên cứu phục hồi hệ sinh thái, sử dụng hợp lý và bảo tồn nguồn lợi vùng Cồn Chim (đầm Thị Nại)”, hiện nay diện tích RNM trồng tập trung ở đầm Thị Nại đã tăng lên 70 ha, chủ yếu là rừng đước; trong đó, trên địa bàn Tuy Phước có 50 ha; Quy Nhơn 20 ha. Những diện tích RNM này do Ban quản lý Khu sinh thái Cồn Chim - đầm Thị Nại trồng và giao khoán cho cộng đồng dân cư ở đây quản lý, bảo vệ.

RNM có tác dụng chắn sóng, gió, có vai trò quan trọng trong bảo vệ đường bờ biển, đê điều; tăng khả năng chống chọi với tác động của biến đổi khí hậu... Đặc biệt, RNM có vai trò bảo vệ đới bờ và cửa sông, hạn chế xói lở và tác hại của bão, sóng đối với hệ thống đê biển. Theo các nhà nghiên cứu về lâm nghiệp tại Nhật Bản, cứ một khu RNM có chiều rộng 100 m có thể làm giảm 50% chiều cao của sóng triều và giảm 50% năng lượng của sóng. Chính nhờ có hệ thống rễ dày đặc trên mặt đất, RNM có thể ngăn cản và làm chậm dòng chảy, bảo vệ bờ biển và chân đê khỏi bị xói lở do bão lụt và nước biển dâng...

Ngoài ra, RNM được coi là nguồn tài nguyên ven biển vô cùng hữu ích đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống con người. Các khu RNM là “lá phổi” không thể thiếu, đảm bảo cho hệ sinh thái ven biển phát triển. RNM còn cung cấp cho con người nguồn thực phẩm thường xuyên như: cua, trai, hàu, cá...

Từ năm 2003 đến nay, ngành chức năng của tỉnh đã đẩy mạnh trồng phục hồi RNM. Thực tế cho thấy, diện tích RNM được trồng phục hồi đã phát huy hiệu quả bước đầu về cải thiện chất lượng nước, môi trường, phục hồi nguồn lợi thủy sản và đã được nhân dân hưởng ứng.

Chính vì vậy, mục tiêu được xác định rõ là bảo vệ và phát triển RNM ven biển nhằm phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển của tỉnh nhà; huy động tối đa sự tham gia của cộng đồng địa phương, các bên liên quan, xã hội hóa việc bảo vệ, phục hồi, phát triển và sử dụng bền vững hệ sinh thái RNM trên địa bàn tỉnh.

Theo kế hoạch, từ năm 2010-2015 sẽ trồng mới 338,5 ha, bảo vệ RNM tập trung 408,5 ha, xây dựng vườn ươm 1,2 ha, xây dựng 5 bảng quy ước bảo vệ RNM; từ năm 2016-2020, phát triển trồng mới 52,9 ha và bảo vệ 461,4 ha…

Để kế hoạch bảo vệ và phát triển RNM từ năm 2010-2020 được thực hiện có hiệu quả, ngoài chọn giống và áp dụng biện pháp khoa học kỹ thuật theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT, nên có cơ chế giao khoán cho nhân dân địa phương bảo vệ và phát triển RNM; có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế đầu tư trồng và phát triển RNM, kết hợp với nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch và phát triển du lịch sinh thái.


Tin nổi bật Tin nổi bật