A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

NGÀNH THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG BÌNH ĐỊNH: Góp phần phục vụ phát triển kinh tế, xã hội tỉnh nhà

(binhdinh.gov.vn) - Năm 2016 là năm đầu tiên toàn ngành Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày truyền thống (28/8). Ngày truyền thống của Ngành là dịp để khẳng định, nâng cao vai trò, vị trí của ngành Thông tin và Truyền thông đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc; Tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về truyền thống vẻ vang hơn 70 năm xây dựng, trưởng thành của ngành Thông tin và Truyền thông; Củng cố niềm tin, phát huy trách nhiệm, ý thức chính trị - xã hội của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Thông tin và Truyền thông trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh (đứng bên phải) đến thăm và tặng hoa chúc mừng Sở TT&TT nhân Ngày Báo chí CMVN (21/6).

Cùng với sự hình thành của hệ thống cơ quan quản lý nhà nước trong toàn quốc, ngày 21/2/2005 UBND tỉnh Bình Định ban hành Quyết định số 29/2005/QĐ-UB thành lập Sở Bưu chính, Viễn thông Bình Định (nay là Sở Thông tin và Truyền thông). Sau hai lần bổ sung nhiệm vụ (năm 2008, 2009), Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên các lĩnh vực: báo chí; xuất bản; bưu chính; viễn thông; tần số vô tuyến điện; công nghệ thông tin; điện tử; phát thanh và truyền hình; thông tin đối ngoại; thông tin cơ sở; hạ tầng thông tin truyền thông; quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, trên xuất bản phẩm và quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm, dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin.

Hòa chung với cả nước thực hiện nhiệm vụ thông tin và truyền thông từ khi thành lập đến nay, Ngành Thông tin và Truyền thông Bình Định đã từng bước đưa công tác quản lý nhà nước về TT&TT đi vào nề nếp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phương trong tình hình mới. Đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và người lao động toàn ngành đoàn kết thống nhất cao, phát triển ngành tăng trưởng vượt bậc, đóng góp quan trọng cho sự  phát triển kinh tế, xã hội tỉnh nhà. Những kết quả cơ bản thể hiện trên các lĩnh vực như:

Họp báo Chương trình "Gặp gỡ Việt nam lần thứ XII năm 2016, tại Bình Định", tổ chức tại Hà Nội.

Trên lĩnh vực thông tin, báo chí và xuất bản:  Hơn 10 năm thực hiện công tác quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, hiện nay đã có chuyển biến rõ nét, từng bước đưa hoạt động quản lý vào nề nếp. Hoạt động báo chí, xuất bản trên địa bàn tỉnh đã có sự phát triển vượt bậc về quy mô, góp phần đa dạng hóa các hình thức truyền thông. Hiện nay, Bình Định có 02 cơ quan báo chí của địa phương, trong đó Báo Bình Định có ấn phẩm báo in và báo điện tử; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tiếp tục được đầu tư cả về cơ sở vật chất và đội ngũ, triển khai Đề án số hóa và phát sóng trên vệ tinh VNASAT 2. Có 06 Văn phòng đại diện, 05 phóng viên thường trú và một số phóng viên, cộng tác viên các báo, tạp chí Trung ương; có gần 200 phóng viên, biên tập viên, gần 300 cộng tác viên của các cơ quan báo chí tỉnh, TW và 185 hội viên Hội nhà báo Việt Nam. Bên cạnh 48 Cổng/Trang TTĐT của các cơ quan Nhà nước, tỉnh Bình Định có 05 tạp chí, 01 đặc san, 08 bản tin. Hệ thống Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện, cấp xã với 11 Đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện và 159 Đài truyền thanh cấp xã hoạt động có hiệu quả, luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, thực hiện tốt công tác tuyên truyền trên các lĩnh vực. Bên cạnh đó, sự phát triển của hệ thống truyền hình trả tiền như truyền hình cáp, truyền hình qua giao thức Internet, truyền hình kỹ thuật số VTC...  với hơn 115 kênh, đã góp phần đa dạng hóa hình thức thông tin giúp cho người dân có nhiều lựa chọn hơn. Hiện nay, Bình Định không có nhà xuất bản, toàn tỉnh có 19 doanh nghiệp và hàng trăm đơn vị in lụa, in flexo, in phun quảng cáo và 03 công ty phát hành. Các cơ quan báo chí, xuất bản đã đồng hành với sự nghiệp đổi mới và phát triển của tỉnh, kịp thời tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quảng bá hình ảnh của tỉnh đến với bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần kêu gọi các nhà đầu tư đến với Bình Định.

Lãnh đạo UBND tỉnh, Sở TT&TT, Sở VH - TT&DL  tham quan gian hàng trưng bày các xuất bản phẩm.

Trên lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT): Công tác quản lý nhà nước về CNTT và hoạt động ứng dụng, phát triển CNTT tiếp tục đạt nhiều thành tựu. CNTT đã được phổ cập và ứng dụng đến tất cả các lĩnh vực, mặt bằng tin học của người dân được nâng lên; nhiều cơ sở đào tạo, dịch vụ công nghệ cao được phát triển; hạ tầng phục vụ ứng dụng CNTT được cải thiện đáng kể; nhiều chương trình, dự án được triển khai thực hiện đạt hiệu quả. Đặc biệt, việc ứng dụng về CNTT trong CQNN đã có chuyển biến rõ nét. Hạ tầng kỹ thuật CNTT trong các CQNN được nâng cấp theo hướng đầu tư tập trung và đồng bộ. Đến nay, 100% các cơ quan Đảng, Đoàn thể và Chính quyền từ cấp tỉnh đến cấp xã, phường, thị trấn đã được trang bị máy tính, kết nối Internet; 100% cơ quan cấp tỉnh, huyện có mạng nội bộ; 100% sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai Hệ thống văn phòng điện tử; 100% cán bộ công chức các cơ quan, đơn vị  được cấp tài khoản thư điện tử công vụ, phục vụ công tác; 100% cơ quan quản lý hành chính có Trang/Cổng thông tin điện tử cập nhật kịp thời thông tin phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành của đơn vị; Hệ thống dịch vụ công trực tuyến được triển khai đến các cơ quan nhà nước của tỉnh nhằm cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3, 4 cho một số thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp; Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được xây dựng tại 13 điểm cầu, phục vụ tốt các cuộc họp trực tuyến của tỉnh với Trung ương và các địa phương qua đó đã mang lại hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Hội thảo “An toàn thông tin trong cơ quan nhà nước” do Sở TT&TT tổ chức.

Trên lĩnh vực bưu chính, viễn thông, internet: Những năm qua, bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh với hạ tầng bao phủ rộng khắp tỉnh, có công nghệ hiện đại, dung lượng lớn, chất lượng cao, làm nền tảng cho việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, đáp ứng mọi nhu cầu thông tin liên lạc phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong PCLB và TKCN, diễn tập khu vực phòng thủ. Thông tin và Internet đến được với mọi tầng lớp nhân dân, người dân ở các địa bàn khó khăn, miền núi, bãi ngang ven biển… có điều kiện tiếp cận và sử dụng sử dụng dịch vụ viễn thông và Internet nhờ Chương trình cung ứng dịch vụ Viễn thông công ích và Dự án nâng cao khả năng sử dụng máy tính và khả năng truy cập internet công cộng tại Việt Nam. Công tác Quản lý nhà nước về Bưu chính, viễn thông, Internet, truyền dẫn phát sóng và tần số vô tuyến điện đã có những bước tiến đáng kể, đã và đang hỗ trợ hiệu quả cho các hoạt động của doanh nghiệp, tạo môi trường cạnh tranh và phát triển lành mạnh. Trên địa bàn tỉnh có 02 Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Bưu chính chuyển phát, 07 chi nhánh làm công tác chuyển phát với 187 điểm phục vụ bưu chính, viễn thông; 05 Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin di động; 03 Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet. So với năm 2005, mật độ thuê bao di động tăng 25 lần (đạt 106 máy/100 dân); thuê bao Internet tăng 46 lần; số Trạm BTS tăng 24,6 lần (hiện có 1.110 trạm). Bán kính phục vụ mạng Bưu chính đạt 3,03 km/điểm phục vụ; 100% xã đạt tiêu chí nông thôn mới của ngành. Báo Đảng và thư tín đến được với hầu hết các xã trong ngày.

  

Tập huấn sử dụng chữ ký số cho các đơn vị trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Những kết quả đạt được trong thời gian qua đã tạo ra những cơ hội, tiền đề để ngành Thông tin và Truyền thông Bình Định tiến bước nhanh hơn, bền vững hơn. Chặng đường phía trước đang mở ra nhiều thời cơ nhưng cũng không ít thách thức cho ngành Thông tin và Truyền thông tỉnh nhà. Để đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển, ngành Thông tin và Truyền thông sẽ tích cực quán triệt, học tập, thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020; bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chương trình, kế hoạch công tác của Bộ TTTT, định hướng và kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh để làm tốt công tác tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh về cơ chế chính sách phát triển ngành; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được giao. Chủ động đề xuất, tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp tăng trưởng ổn định và đóng góp hiệu quả cho ngân sách nhà nước. Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước đối với các cơ quan báo chí, định hướng dư luận, tạo sự thống nhất trong tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, phản bác kịp thời những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng bưu chính, viễn thông đi đôi với nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, đáp ứng yêu cầu thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Phấn đấu phát triển CNTT của tỉnh đạt trình độ khá trong cả nước, trong đó phát triển đồng bộ về  phát triển cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh ứng dụng CNTT các cơ quan Đảng, nhà nước, ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp và một số lĩnh vực quan trọng khác; chú trọng phát triển công nghiệp CNTT và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực CNTT cho tỉnh; tiếp tục góp sức vào công cuộc đổi mới toàn diện, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá quê hương Bình Định./.

Bài: Thu Hòa

Ảnh: Kim Yến

 


Tin nổi bật Tin nổi bật