A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát huy giá trị các di tích tháp Chăm phục vụ du lịch

Cùng với việc xây dựng các dịch vụ, chương trình biểu diễn nghệ thuật mang màu sắc văn hóa Chăm phục vụ du lịch, việc số hóa thông tin di tích tháp Chăm không chỉ để góp phần phát huy giá trị di tích vào du lịch, mà còn mở hướng bảo tồn, phát huy giá trị di sản bền vững.

Tại buổi Tọa đàm “Phát huy các di tích tháp Chăm trên địa bàn tỉnh Bình Định trong phát triển du lịch” diễn ra ngày 22.11 do Sở VH&TT phối hợp Sở Du lịch, Hiệp hội du lịch Bình Định tổ chức, các chuyên gia trên lĩnh vực văn hóa, du lịch, DN du lịch cho rằng, Bình Định được xem là điểm đến du lịch hấp dẫn du khách trong những năm gần đây, song việc thu hút các tour du lịch đến các di sản văn hóa Chăm tại Bình Định còn thấp. Do vậy, cần sớm có giải pháp vừa bảo tồn, quảng bá phát huy giá trị các tháp Chăm Bình Định phục vụ du lịch.

Sở Du lịch sẽ đề xuất giải pháp để đa dạng hóa sản phẩm du lịch tại các tháp Chăm nhằm thu hút khách trong thời gian tới. Ảnh: CÔNG TÂM

Theo ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH&TT, hệ thống di tích văn hóa Chăm, đặc biệt các tháp Chăm chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo, là nguồn tài nguyên du lịch văn hóa mang nét đặc trưng của Bình Định. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch tại các di tích tháp Chăm chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Do vậy, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, các chuyên gia, DN du lịch cùng “bắt tay” bàn bạc tìm giải pháp tạo ra những sản phẩm du lịch văn hóa thu hút khách đến với các tháp Chăm sẽ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang, nêu ý kiến, tỉnh Bình Định sở hữu rất nhiều di tích, hiện vật gốc của nền văn hóa Chăm thừa sức xây dựng một bảo tàng chuyên đề văn hóa Chăm Bình Định. Từ tháng 11.2022, tỉnh duy trì tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành vào buổi tối các ngày cuối tuần, cũng nên tính toán biểu diễn xen kẽ tại các tháp Chăm để quảng bá du lịch.

Hệ thống di tích các tháp Chăm ở Bình Định mang kiến trúc độc đáo để khai thác tiềm năng du lịch văn hóa. Ảnh: NGỌC NHUẬN

Ghi nhận giá trị văn hóa, lịch sử, sức tác động của hệ thống di tích các tháp Chăm Bình Định đối với ngành du lịch, bà Nguyễn Thị Xuân Lan - Giám đốc Công ty Lữ hành quốc tế Golden Life, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Định, chia sẻ: Nếu chúng ta biết phát huy di sản Chăm vào du lịch như chào mời những tour trải nghiệm văn hóa chứ không phải bán một vài sản phẩm du lịch riêng rẽ thì một mặt sẽ phát huy tốt giá trị của di sản vào đời sống thực tế mà còn góp phần bảo tồn các giá trị ấy. Tuy nhiên, cần phải tìm hiểu kỹ về nhiều mặt từ văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán của người Chăm xưa kia để vận dụng các giá trị văn hóa Chăm thành dịch vụ du lịch phục vụ du khách!”.

Nguồn: BTV

Sở Du lịch và Sở VH&TT, Hiệp hội du lịch Bình Định cũng đã ký kết văn bản phối hợp tổ chức, khai thác các loại hình nghệ thuật, dịch vụ để tổ chức tại các tháp Chăm phục vụ du khách, như: Liên kết tour du lịch đưa du khách đến tham quan các di tích tháp Chăm; số hóa thông tin di tích tháp Chăm; khai thác một số loại hình dịch vụ, biểu diễn nghệ thuật để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tháp Chăm… tạo bước đệm để khai thác tiềm năng du lịch văn hóa Bình Định trong thời gian tới.

Ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch, cho biết: Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các DN du lịch, chúng tôi sẽ đề xuất giải pháp để đa dạng hóa sản phẩm du lịch tại các tháp Chăm nhằm thu hút khách trong thời gian tới. Cùng với đó, chúng tôi sẽ giao Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch đẩy mạnh quảng bá giá trị các tháp Chăm đến với du khách trong và ngoài nước bằng song ngữ Việt - Anh trên website, tổ chức các cuộc thi, hội chợ quảng bá du lịch về di sản văn hóa Chăm Bình Định….

 

Tỉnh Bình Định hiện còn 8 cụm với 14 tháp Chăm niên đại trên dưới 1.000 năm mang phong cách kiến trúc thời kỳ Vijaya. Ngoài ra, còn có 3 di tích thành cổ (Đồ Bàn, Cha, Thị Nại), 6 di tích khu lò gốm cổ, 45 phế tích kiến trúc Chăm nằm rải rác trên địa bàn tỉnh, cùng nhiều tác phẩm điêu khắc đá và đất nung Chăm quý hiếm; trong đó, có 9 tác phẩm điêu khắc đá Chăm được công nhận bảo vật quốc gia…


Tác giả: ĐOÀN NGỌC NHUẬN
Nguồn:binhdinh.gov.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật