QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM TRÊN LĨNH VỰC NÔNG, LÂM, THỦY SẢN: Còn nhiều việc phải làm
* Xin ông cho biết thực trạng QLCL ATVSTP trong lĩnh vực NLTS ở tỉnh ta?
- Công tác QLCL ATVSTP trong lĩnh vực NLTS được UBND tỉnh và ngành Nông nghiệp tỉnh rất quan tâm. Chi cục QLCL NLTS đã tăng cường phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương triển khai nhiều hoạt động quản lý trên lĩnh vực này. Tuy đã có chuyển biến, song nhìn chung nhận thức của người tiêu dùng, người sản xuất kinh doanh (SXKD), và cả chính quyền một số địa phương vẫn chưa thực sự tiến bộ về vấn đề này. Về nhân lực, phương tiện cho công tác QLCL ATVSTP trong lĩnh vực NLTS cũng còn thiếu. Trong khi đó, hệ thống tổ chức QLCL ATVSTP lĩnh vực NLTS ở cấp tỉnh vừa mới được thành lập, ở cấp huyện và xã vẫn chưa được hình thành, chưa có cán bộ chuyên trách để theo dõi, kiểm tra, giám sát nên còn nhiều hạn chế nhất định.
Vấn đề QLCL ATVSTP trong lĩnh vực NLTS khá rộng lớn, yêu cầu quản lý đặt ra từ khâu chất lượng vật tư đầu vào như: phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y… đến giám sát trong suốt quá trình sản xuất từ trồng trọt, nuôi trồng, sơ chế bảo quản, chế biến… nên còn xảy ra nhiều bất cập. Bên cạnh đó, quy mô SXKD, chế biến, bảo quản tại các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh hầu hết còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng đầy đủ các quy trình về ATVSTP theo quy định của Bộ NN-PTNT. Tình trạng ô nhiễm vi sinh vật, dư lượng thuốc kháng sinh, dư lượng kim loại nặng, thuốc trừ sâu… vẫn còn là nguy cơ cao trong sản phẩm NLTS ở tỉnh ta.
Mặt khác, việc sản xuất, lưu thông vật tư nông nghiệp kém chất lượng chưa được kiểm soát chặt chẽ; tình trạng sử dụng các chất kích thích sinh trưởng, hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng để bảo quản sản phẩm, phòng chống dịch bệnh cũng còn nhiều bất cập. Trong khi cơ sở vật chất phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản NLTS chưa đảm bảo yêu cầu đặt ra nên tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân…
* Chi cục đã thực hiện những biện pháp gì để khắc phục những bất cập về quản lý ATVSTP trong lĩnh vực NLTS, thưa ông?
- Từ đầu năm đến nay, được sự chỉ đạo chặt chẽ của lãnh đạo Sở NN-PTNT, UBND tỉnh, Chi cục đã chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực QLCL ATVSTP trong lĩnh vực NLTS cho các tổ chức, cá nhân, người dân trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay, đơn vị đã mở được 11 lớp đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ cho trên 500 cán bộ địa phương nhằm trang bị các kiến thức về QLCL ATVSTP trong lĩnh vực NLTS.
Chi cục cũng đã triển khai kế hoạch lấy mẫu hàng tháng tại các địa phương nhằm kiểm soát, cảnh báo về dư lượng các chất độc hại và kháng sinh cấm trong SXKD trên lĩnh vực NLTS. Từ đầu năm đến nay, Chi cục đã tổ chức lấy trên 100 mẫu thủy sản, rau xanh, thịt gia súc… tại các cơ sở SXKD để kiểm tra, kiểm soát tình hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón… trong sản xuất, chăn nuôi tại một số vùng trên địa bàn tỉnh. Tổ chức kiểm tra và công nhận điều kiện sản xuất đảm bảo ATVSTP cho 100 cơ sở SXKD NLTS ở các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước, TP Quy Nhơn theo đúng quy trình hướng dẫn của Bộ NN-PTNT.
Tuy vậy, trong quá trình thực hiện chúng tôi thấy còn có nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết triệt để. Đó là nhân lực, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động QLCL ATVSTP của đơn vị còn thiếu thốn; nhận thức về ATVSTP trong lĩnh vực NLTS của một số tổ chức, cá nhân SXKD, chế biến, phân phối và người tiêu dùng còn hạn chế. Do đó, việc kiểm tra, giám sát các hoạt động nói trên gặp nhiều khó khăn.
* Để công tác QLCL ATVSTP trong lĩnh vực NLTS có hiệu quả và ngày càng đi vào quy củ, Chi cục sẽ thực hiện những nhiệm vụ gì trong thời gian tới?
- Chi cục tiếp tục tham mưu cho Sở NN-PTNT, UBND tỉnh xây dựng các văn bản, cơ chế chính sách, chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực này một cách cụ thể, đúng pháp luật, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý. Tổ chức hoàn thiện hệ thống bộ máy quản lý, thanh tra, kiểm tra từ tỉnh đến xã; xây dựng đề án điều chỉnh hệ thống tổ chức một cách hợp lý nhằm triển khai đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ do ngành Nông nghiệp giao. Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp, ATVSTP trong lĩnh vực NLTS; kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm.
Đồng thời, tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong quá trình quản lý, kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp; tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về ATVSTP cho người SXKD, người tiêu dùng và mọi tầng lớp nhân dân. Hướng dẫn, hỗ trợ nông dân áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt; sản xuất, chế biến các sản phẩm đảm bảo ATVSTP…
* Xin cảm ơn ông!