|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quyết tâm xây dựng thủy sản là ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao

(binhdinh.gov.vn) - Hội nghị trực tuyến “Giải pháp phát triển ngành tôm năm 2021 và Triển khai Quyết định 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045” dưới sự chủ trì của Thứ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã diễn ra sáng ngày 16/7 với sự tham gia của nhiều địa phương trong cả nước.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Bình Định

Hội nghị đánh giá hiện trạng và giải pháp trọng tâm của ngành tôm năm 2021; Triển khai Quyết định 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045; Nhiệm vụ, giải pháp phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ năm 2021; Đánh giá kết quả xuất khẩu tôm năm 2020 và dự báo thị trường tiêu thụ tôm năm 2021; Công tác kiểm soát chất lượng, tồn dư hóa chất, kháng sinh trong tôm nước lợ nuôi năm 2020 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2021; Tình hình nuôi tôm nước lợ các tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp phát triển nuôi tôm năm 2021; Một số tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất giống và nuôi tôm nước lợ…

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2020 có nhiều khó khăn thách thức nhưng ngành Nông nghiệp vẫn đạt tăng trưởng cao, với tỷ lệ hơn 2,6%. Đây là một nỗ lực lớn của ngành. Mặc dù chịu tác động của Covid, đứt gãy nguồn cung nhưng các chỉ tiêu của ngành đều hoàn thành vượt mức đề ra. Ngành tôm được sự quan tâm của chính phủ, các bộ ngành TW, sự vào cuộc của chính quyền địa phương đã tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, tổng sản lượng tôm nuôi nước lợ trong cả nước đạt 900.000 tấn, tăng 12% so với cùng kỳ 2019, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,7 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2019. Sản lượng tôm nuôi nước lợ 6 tháng đầu năm đạt 371.000 tấn, tăng 12% so với cùng kỳ 2020, KNXK tôm 6 tháng đầu năm 2021 đạt 1,5 tỷ USD  (trong đó tôm sú đạt 200.000USD, tôm thẻ chân trắng đạt 1,3 tỷ USD).

Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại Hội nghị. 

Để thực hiện mục tiêu kép theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý các đơn vị chức năng của Bộ và các địa phương cần nhìn nhận kết quả đạt được thời gian qua cũng như phân tích những khó khăn, tồn tại, hạn chế, trên cơ sở đó tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đạt mục tiêu phát triển ngành tôm đã đề ra.

Hiện nay khó khăn của ngành tôm gặp phải đó là tôm giống bố mẹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và khai thác từ tự nhiên, trong nước mới cung cấp một phần, chủ động sản xuất. Giá thành sản xuất tôm nuôi của nước ta vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực, tình trạng lạm dụng thuốc, hoá chất, tạp chất tôm nguyên liệu vẫn còn xảy ra ở các cơ sở nuôi nhỏ lẻ làm ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng của sản phẩm tôm Việt Nam. Hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo, công nghệ nuôi quảng canh năng suất thấp, chưa phù hợp, dẫn đến hiệu quả không cao; công tác triển khai đăng ký cấp giấy xác nhận (mã số) cơ sở nuôi tôm nước lợ còn chậm.

Dự báo những tháng cuối năm 2021, nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới tăng trở lại, đặc bệt ở các thị trường lớn như Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, và Hàn Quốc. Trong khi đó, ngành tôm VN tiếp tục có nhiều cơ hội ưu đãi thuế quan của Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định CPTTP và EVFTA. Trong 6 tháng cuối năm, ngành tôm VN đặt ra mục tiêu sẽ duy trì phát triển, ổn định diện tích nuôi nước lợ 740.000ha, sản lượng tôm các loại đạt 980.000tấn, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 3,8 đến 4 tỷ USD.

Để đạt mục tiêu trên, ngành tôm Việt Nam cần tiếp tục triển khai hiệu quả luật thuỷ sản 2017, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, đáp ứng yêu cầu trong nước và quốc tế. Ưu tiên phát triển ngành tôm nước lợ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững; tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi. Ngành tôm Việt Nam cũng nhìn nhận một thực trạng đó là mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc trong tôm nuôi hiện nay trong cả nước chưa triển khai có hiệu quả. Đây là vấn đề các địa phương cần lưu ý để ngành tôm phát triển bền vững.

Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã được chính phủ phê duyệt đặt ra các mục tiêu chủ yếu đó là, tăng trưởng của ngành đạt giá trị từ 3 đến 4%/năm; giá trị KNXK đạt 14 đến 16 tỷ USD. Tổng sản lượng thuỷ sản 9,8 triệu tấn/năm, trong đó nuôi trồng 7 triệu tấn, khai thác 2,8 triệu tấn. Với tỷ lệ này cho thấy vấn đề đặt ra cho ngành thuỷ sản trong giai đoạn tới sẽ tập trung cho nuôi trồng, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, giảm dần cường lực khai thác để đảm bảo nguồn lợi thuỷ sản. Trong nuôi trồng thuỷ sản , phát triển các đối tượng chủ lực và cac loại thuỷ sản có giá trị kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu. Tầm nhìn đến năm 2045, thuỷ sản là ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến, là trung tâm chế biến thuỷ sản sâu, thuộc nhóm 3 nước sản xuất và xuất khẩu thuỷ sản dẫn đầu thế giới, giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu ngành kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển, góp phần đảm bảo an ninh dinh dưỡng, thực phẩm, bảo đảm an sinh xã hội, làng cá xanh sạch, đẹp; lao động trong lĩnh vực thuỷ sản có mức thu nhập ngang bằng mức bình quân chung của cả nước, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc./.

Thùy Trang


Tin nổi bật Tin nổi bật