Tạo chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ
Ngày 19.12, UBND tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 4700/QĐ-UBND Kế hoạch kiểm tra công vụ trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2024.
Mục đích chính là thông qua kiểm tra để đánh giá ưu điểm, mặt tích cực; đồng thời phát hiện những thiếu sót, khó khăn, bất cập, góp phần ngăn ngừa hành vi vi phạm kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ và đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền biện pháp xử lý. Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là thực hiện nhiệm vụ của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao cho các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố. Trên cơ sở đó, kiến nghị việc thanh tra đối với các trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm các quy định của Nhà nước trong thực thi công vụ. Đồng thời, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
Một trong những nội dung kiểm tra là việc thực hiện đạo đức công vụ, giao tiếp, ứng xử trong thực thi nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức,
viên chức.- Trong ảnh: Công chức UBND xã An Tân (huyện An Lão) trong giờ làm việc. Ảnh: H.THU
Đối tượng kiểm tra là các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn. Cùng với đó là cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Nội dung kiểm tra chủ yếu là việc tổ chức quán triệt, triển khai các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc, về kỷ luật, kỷ cương hành chính. Kiểm tra việc thực hiện các chỉ đạo, nhiệm vụ được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao trong năm 2024…
Đáng chú ý là sẽ kiểm tra việc thực hiện quy định về kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính. Kiểm tra việc chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, trách nhiệm trong xử lý công việc của cán bộ, công chức, viên chức; tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong giải quyết công việc; tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền; tình trạng chậm trễ, nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, DN.
Cùng với đó là kiểm tra việc thực hiện nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị, địa phương. Kiểm tra việc chấp hành quy định thời gian làm việc hành chính; việc thực hiện đạo đức công vụ, giao tiếp, ứng xử trong thực thi nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức...