A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định tháng 11 và 11 tháng năm 2023

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn nhưng với các biện pháp đồng bộ được triển khai từ trung ương đến tỉnh, hoạt động sản xuất công nghiệp trong 11 tháng đầu năm vẫn duy trì sự tăng trưởng.

Ảnh thành phố Quy Nhơn

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 năm 2023 có những kết quả nổi bật như sau:

- Trên lĩnh vực nông nghiệp, nông dân tập trung chăm sóc và thu hoạch các loại cây trồng vụ Mùa; công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được đẩy mạnh, các hoạt động kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ được tăng cường nhằm hạn chế dịch bệnh phát sinh và lây lan trong điều kiện thời tiết vào mùa mưa;

- Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 11/2023 tăng 10,22% so với tháng trước và tăng 8,85% so cùng kỳ; lũy kế 11 tháng năm 2023 so cùng kỳ tăng 2,65%;

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2023 ước đạt 8.542,4 tỷ đồng, giảm 0,3% so với tháng trước và tăng 10,2% so cùng kỳ; lũy kế 11 tháng năm 2023 ước đạt 94.324,4 tỷ đồng, tăng 15,6% so cùng kỳ;

- Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 11/2023 ước đạt 172,7 triệu USD, tăng 3,6% so tháng trước và tăng 19,6% so cùng kỳ; lũy kế 11 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 1.790,5 triệu USD, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm trước, riêng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.400 triệu USD, giảm 3,7% so cùng kỳ, bằng 87,5% kế hoạch năm 2023Cán cân thương mại hàng hóa 11 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 1.009,5 triệu USD;
Hàng hoá thông qua cảng biển tại địa phương trong tháng 11 năm 2023 ước đạt 1.279 nghìn TTQ, tăng 3,7% so với tháng trước, tăng 48,4% so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng đầu năm 2023, ước đạt 11.536,9 nghìn TTQ giảm 8,8% so với cùng kỳ;
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2023 giảm 0,15% so với tháng trước và tăng 2,34% so với cùng kỳ; bình quân 11 tháng năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,2% so cùng kỳ;
- Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cơ bản ổn định.
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Ngành Nông Nghiệp đã đẩy mạnh công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến người nông dân; tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất tiên tiến có hiệu quả. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại, ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để giảm thiểu dịch bệnh; triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trong nông hộ. Công tác trồng, chăm sóc, quản lý và phòng chống chữa cháy rừng được UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo kịp thời, hạn chế cháy rừng trong kỳ. Tiếp tục triển khai thực hiện mô hình nuôi tôm công nghệ cao từ Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD) nuôi tôm theo hướng VietGap, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng nuôi cho năng suất cao.
1.1. Nông nghiệp
a. Trồng trọt
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Mùa đạt 15.892,2 ha, tăng 3,8% (+585 ha) so với vụ Mùa năm 2022. Trong đó, diện tích cây lúa đạt 4.330 ha, tăng 1,9% (+78,9 ha); diện tích cây trồng cạn đạt 11.562,2 ha, tăng 4,6% (+506,1 ha) so với cùng kỳ.
Tính đến ngày 16/11/2023, năng suất lúa vụ Mùa toàn tỉnh đạt 46,3 tạ/ha, tăng 0,4% (+0,2 tạ/ha) so với năm 2022. Sản lượng thu hoạch lúa đạt 15.269,5 tấn, giảm 16,8% (-3.087,5 tấn) so cùng kỳ.
Cùng với việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong vụ cho phù hợp với thời tiết khí hậu, một số diện tích cây trồng cạn ở địa phương đã được chuyển đổi, đảm bảo chuyển dịch cây trồng theo hướng thích nghi với từng vùng, từng chân đất, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Tính đến ngày 16/11/2023, cây ngô đã gieo trồng được 8.673,8 ha, tăng 6,7% (+545,8 ha) so với cùng kỳ; trong đó, diện tích thu hoạch được 8.438,3 ha, tăng 8,4% (+657,3 ha); sản lượng ước đạt 54.076,4 tấn, tăng 10,5% (+5.141,3 ha) so với cùng kỳ; Cây đậu tương đã gieo trồng đạt 74,2 ha, giảm 32,1% (-35 ha) so với cùng kỳ; trong đó diện tích thu hoạch được 74,2 ha, giảm 32,1% (-35 ha); sản lượng ước đạt 167,7 tấn, giảm 30,8% (-74,6 tấn) so với cùng kỳ; Cây lạc đã gieo trồng đạt 10.988 ha, tăng 4,6% (+484,9 ha) so với cùng kỳ; trong đó diện tích đã thu hoạch được 10.809,9 ha, tăng 4,4% (+458,5 ha), sản lượng ước đạt 43.386,7 tấn, tăng 12,1% (+4.674,1 tấn) so với cùng kỳ; Rau các loại đã gieo trồng đạt 16.486,4 ha, tăng 5,5% (+860,9 ha) so với cùng kỳ; trong đó diện tích đã thu hoạch được 15.337,4 ha, tăng 4,3% (+632,2 ha) và sản lượng ước đạt 283.615,1 ha, tăng 5,1% (+13.660,2 tấn) so với cùng kỳ; Đậu các loại: đã gieo trồng đạt 1.887 ha, giảm 0,3% (-6 ha) so với cùng kỳ; trong đó diện tích đã thu hoạch được 1.887 ha, giảm 0,3% (-6 ha) so với cùng kỳ và sản lượng ước đạt 3.234,7 ha, giảm 7,1% (-245,6 tấn) so với cùng kỳ.
b. Chăn nuôi
Về số đầu con, số lượng đàn trâu hiện có 15.417 con, giảm 6,8% (-1.119 con) so với cùng kỳ. Đàn bò đạt 308.287 con, tăng 1,4% (+4.331 con) so cùng kỳ. Tổng đàn bò sữa nuôi trong các trang trại, gia trại, hộ là 2.240 con, giảm 6,5% (-155 con) so với cùng kỳ. Đàn bò tăng do phong trào chăn nuôi bò vỗ béo trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, nhất là nuôi bò lai.
Đàn lợn đạt 683.429 con, tăng 6,4% (+41.294 con) so với cùng kỳ. Tổng đàn lợn tăng nhẹ do người dân vẫn kỳ vọng giá thịt hơi tăng trước và sau Tết Nguyên đán.
Đàn gia cầm 9.896,5 nghìn con, tăng 10,3% (+924,5 nghìn con) so với cùng kỳ. Trong đó, đàn gà 8.317,5 nghìn con, tăng 8,7% (+663,5 nghìn con) so với cùng kỳ.
Ước sản lượng thịt hơi xuất chuồng và sản phẩm chăn nuôi 11 tháng năm 2023: Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng đạt 1.456,3 tấn, giảm 7,2% (-113,5 tấn) so cùng kỳ; Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 35.258,6 tấn, tăng 3,8% (+1.280,6 tấn) so với cùng kỳ; Sản lượng sữa đạt 10.524 tấn, giảm 2,4% (-254,1 tấn); Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 125.173 tấn, tăng 6% (+7.053,9 tấn) so cùng kỳSản lượng thịt gia cầm xuất chuồng ước đạt 25.750,4 tấn, tăng 5,6(+1.360,4 tấn) so với cùng kỳ. Trong đó, thịt gà hơi xuất chuồng ước đạt 21.895,2 tấn, tăng 12,3(+2.396,9 tấn) so cùng kỳ.
 1.2. Lâm nghiệp
Từ đầu năm đến nay, diện tích trồng rừng tập trung được 6.096 hagiảm 5,9% (-381,2 ha) so với cùng kỳ. Công tác chăm sóc rừng trồng mang tính chất thường xuyên của các chủ rừng, địa phương và các cơ sở cá thể có rừng. Năm 2023 toàn tỉnh đã chăm sóc rừng trồng với diện tích ước đạt 43.566 ha, tăng 1% (+451,2 ha) so với cùng kỳ.
Trong 11 tháng năm 2023, các cơ sở sản xuất cây giống trên địa bàn tỉnh đã sản xuất được 193,8 triệu cây giống các loại, đủ cung cấp giống trên thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
Tổng số gỗ khai thác toàn tỉnh tháng 11/2023 ước đạt 189.560 m3, tăng 0,5% (+991 m3) so với cùng kỳ; Cộng dồn 11 tháng năm 2023 ước đạt 1.352.594,8 m3, tăng 1,7% (+22.109,8 m3) so với cùng kỳ. Toàn bộ gỗ từ rừng trồng chủ yếu là gỗ làm nguyên liệu.
Tổng số củi khai thác tháng 11/2023 ước đạt 52.625 ster, tăng 0,7% (+389 ster) so với cùng kỳ, nâng tổng số củi khai thác trong 11 tháng năm 2023 ước đạt 491.399,4 ster, tăng 0,4% (+1.839,4 ster) so với cùng kỳ. Lượng củi khai thác chủ yếu là các cành cây tận dụng từ nguồn khai thác gỗ, như: Bạch đàn, keo...
Tháng 11/2023, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ cháy rừng; lũy kế số vụ cháy rừng đầu năm đến nay xảy ra vụ, tăng 6 vụ so với cùng kỳ; diện tích rừng bị cháy 23,8 ha, tăng 23,8 ha so với cùng kỳ.
Tháng 11/2023, xảy ra 2 vụ phá rừng, tăng 1 vụ so với cùng kỳ; diện tích rừng bị phá 1,4 ha, tăng 0,8 ha so với cùng kỳ. Tổng số vụ phá rừng xảy ra trong 11 tháng là 31 vụ phá rừng, tăng 3 vụ so với cùng kỳ; diện tích bị phá là 7,9 ha, giảm 0,7 ha so với cùng kỳ năm trước.
1.3. Thủy sản
Trong tháng 11/2023, người nuôi tôm đã cơ bản thu hoạch gần xong tôm nuôi bán thâm canh, quảng canh cải tiến để tránh thất thoát sản phẩm nuôi trong mùa mưa lũ ở vùng đầm, nhìn chung sản lượng tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Sản lượng thủy sản ước tháng 11/2023 đạt 20.275,6 tấn, tăng 2,3% (+461,7 tấn) so với cùng kỳ; cộng dồn 11 tháng năm 2023 ước đạt 268.033,6 tấn, tăng 3,2% (+8.359,8 tấn) so với cùng kỳ.
- Sản lượng khai thác thủy sản tháng 11/2023 ước đạt 20.060,5 tấn, tăng 2,3% (+455,4 tấn) so với cùng kỳ; cộng dồn 11 tháng ước đạt 254.740,5 tấn, tăng 3,3% (+8.021,3 tấn) so cùng kỳ. Riêng khai thác cá ngừ đại dương tháng 11/2023 ước đạt 809,9 tấn, giảm 16,2% (-157 tấn); cộng dồn 11 tháng năm 2023 ước đạt 13.383,5 tấn, giảm 4,2% (-579,7 tấn) so với cùng kỳ.
- Sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 11/2023 ước đạt 215,1 tấn, tăng 3% (+6,3 tấn), cộng dồn 11 tháng năm 2023 ước đạt 13.293 tấn, tăng 2,6% (+338,5 tấn) so với cùng kỳ.
Sản xuất giống tôm thẻ chân trắng tháng 11 ước đạt 157,5 triệu con, giảm 33,9% (-80,8 triệu con); cộng dồn 11 tháng ước đạt 1.998,6 triệu con, giảm 59,3% (-2.918 triệu con) so với cùng kỳ. Nguyên nhân tôm thẻ chân trắng giảm mạnh do thị trường tiêu thụ trong khu vực giảm, dẫn đến đầu tháng 5 đến nay Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam - chi nhánh Bình Định 3 tạm ngưng sản xuất.
2. Sản xuất công nghiệp
2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11/2023 so với cùng kỳ tăng 8,85%. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 51,54%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,05%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 1,74%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 18,29%.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn nhưng với các biện pháp đồng bộ được triển khai từ trung ương đến tỉnh, hoạt động sản xuất công nghiệp trong 11 tháng đầu năm vẫn duy trì sự tăng trưởng. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 11 tháng năm 2023 tăng 2,65% so với cùng kỳ.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp khai khoáng tăng 22,05%. Trong đó, khai thác quặng kim loại tăng 12,83%; hoạt động khai khoáng khác tăng 23,46% chủ yếu là khai thác đất đá phục vụ xây dựng đường cao tốc Bắc- Nam.
Chỉ số sản xuất ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,54% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh nhiều khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu, đặc biệt là từ những tháng đầu năm đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất công nghiệp, nhưng đến những tháng cuối năm đơn hàng mới và sản lượng nhóm công nghiệp chế biến chế tạo đang tăng trở lại, các doanh nghiệp tăng sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu. 
Tình hình sản xuất ở một số ngành chủ yếu của tỉnh:
- Ngành chế biến thực phẩm tăng 6,45% do một số sản phẩm tiêu thụ nội địa tăng như:
 Thức ăn gia súc tăng 8,35%; thức ăn gia cầm tăng 14,1% Sản phẩm sữa tăng 33,82% do nhà máy đầu tư thêm dây chuyền sản xuất sữa đặc.
Tuy nhiên, nhóm sản phẩm thủy sản giảm mạnh: Phi lê cá giảm 16,5%, tôm đông lạnh giảm 29,04%. Nhóm ngành thủy sản tiếp tục gặp khó khăn do thị trường Châu Âu giảm sức mua, trong khi đó thị trường Châu Á có sản lượng tiêu thụ thấp, rào cản thẻ vàng IUU. Xuất khẩu tôm đông lạnh tiếp tục là thử thách lớn cho các doanh nghiệp do giá nguyên liệu tôm của Việt Nam cao gấp đôi tôm Ecuado và cao hơn 30% so với Ấn Độ, khiến tôm Việt Nam nói chung, tỉnh Bình Định nói riêng khó cạnh tranh so với các đối thủ, trong khi thị trường chậm hồi phục đã làm các doanh nghiệp chế biến tôm gặp nhiều khó khăn.
- Sản xuất đồ uống chỉ tăng 0,59% so với cùng kỳ, tuy nhiên từng sản phẩm có biến động lớn, sản lượng bia đóng chai tăng 0,38%; nước khoáng tăng 9,05%; nước uống có vị hoa quả tăng 11,91% do hoạt động dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn tăng trưởng tốt. Riêng đối với nước yến giảm 15,97% do gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, tuy nhiên xu hướng thị trường đang tốt dần lên.
- Nhóm ngành Sản xuất trang phục tăng 10,7%. Các tháng gần đây, xuất khẩu thuận lợi, đơn hàng tăng cao đã thúc đẩy chỉ số sản xuất ngành trang phục tăng khá.
- Chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 11,94%. Các tháng của quý I/2023 ngành này gặp khó khăn do không có đơn hàng, thị trường tiêu thụ giảm; tuy nhiên, từ tháng 7/2023 bắt đầu có đơn hàng mới, các doanh nghiệp tập trung thu mua gỗ nguyên liệu để phục vụ sản xuất trở lại. Chỉ số sản xuất ngành này tăng cao đã đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh; vì giá trị ngành này đứng vị trí thứ 3, sau ngành chế biến thực phẩm và ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế.
- Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 21,82%. Trong đó, dược phẩm khác chưa phân vào đâu tăng 29,79do bổ sung thêm 1 nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư vào cuối năm 2022; dung dịch đạm huyết thanh tăng 21,59%. Hai doanh nghiệp dược lớn của Bình Định là Công ty CP Dược - TTB Y tế Bình Định và Công Ty Cổ Phần Fresenius Kabi Việt Nam đang hoạt động sản xuất ổn định đáp ứng mục tiêu tăng trưởng vì đã được gia hạn đăng ký lưu hành các loại thuốc nên nhận được nhiều đơn hàng ngay từ đầu năm, thúc đẩy doanh nghiệp dược phẩm đẩy mạnh sản xuất ở tất cả các dây chuyền để phục vụ nhu cầu cho thị trường.
- Sản xuất da và sản phẩm có liên quan giảm 20,86% do Công ty CP Giày Bình Định nhận ít đơn hàng chỉ sản xuất cầm chừng. Từ tháng 6/2023 đến tháng 9/2023, Công ty CP Giày Bình Định đang dần hết đơn hàng, thu hẹp sản xuất. Xu hướng quý IV/2023 có đơn hàng lại nhưng không nhiều.
- Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 7,51%, chủ yếu do sản phẩm tấm lợp bằng kim loại giảm 29,66%, cấu kiện nhà lắp sẵn bằng kim loại giảm 17,42%. Vì bất động sản đang đóng băng đã tác động đến lĩnh vực xây dựng, ảnh hưởng đáng kể đối với nhu cầu thép trong năm 2023. Mặc dù giải ngân đầu tư công được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong quý tới, nhưng dự báo tổng nhu cầu thép trong nước chưa thể đạt mức như kỳ vọng.
- Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 10,79%. Ngành này giảm sâu đã ảnh hưởng đến một số ngành công nghiệp phụ trợ, tác động rất lớn đến chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp. Vì đây là nhóm ngành chiếm tỷ trọng cao thứ 2 của ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo.
Trong thời gian tới, định hướng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại như: tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế trong nước và nước ngoài (năm 2023: thị trường Úc, Hàn Quốc); lồng ghép trong hoạt động xúc tiến đầu tư có xúc tiến thương mại; tổ chức Hội chợ quốc tế đồ gỗ tại Bình Định vào năm 2024, gặp gỡ các nhà phân phối đồ gỗ; đồng thời, tổ chức các Hội thảo về phát triển các sản phẩm đồ gỗ, Hội thảo về các máy móc thiết bị, công nghệ sản xuất mới.
Chỉ số sản xuất ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,36%. Trong đó, sản lượng điện sản xuất giảm 3,81%; điện thương phẩm tăng 4,66% so cùng kỳ.
Chỉ số sản xuất ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 14,8%. Trong đó, khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 7,38%; Thoát nước và xử lý nước thải tăng 5,86%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải tăng 25,1% do UBND Tỉnh bổ sung kinh phí để tăng tần suất và mở rộng phạm vi thu gom trên địa bàn tỉnh.
2.2. Chỉ số sử dụng lao động công nghiệp
Chỉ số sử dụng lao động tháng 11 năm 2023 tăng 7,45% so với tháng trước do ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế sử dụng nhiều lao động đang có nhu cầu tuyển dụng công nhân phục vụ sản xuất. Trong đó, Khai khoáng tăng 0,37%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,07%; Sản xuất và phân phối điện tăng 0,33%; Cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,28%.
Chỉ số sử dụng lao động tháng 11 năm 2023 tăng 2,05% so cùng kỳ và tăng ở tất cả các ngành cấp I. Nhiều doanh nghiệp có đơn hàng mới, tình hình sản xuất đang phục hồi, lao động trở lại làm việc tăng. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 2,66%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,69%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 4,59%; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,27%.
Theo loại hình doanh nghiệp, so với cùng kỳ chỉ số sử dụng lao động tháng 11 năm 2023 của khối doanh nghiệp Nhà nước tăng 2,59%; doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng 1,14%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng cao nhất 7,16%.
2.3. Tình hình triển khai các dự án công nghiệp trọng điểm
Trên địa bàn tỉnh có 84 dự án sản xuất công nghiệp dự kiến hoạt động trong năm 2023 với tổng vốn đăng ký 10.408,6 tỷ đồng, tổng diện tích 363,2 ha; trong đó, có 17 dự án trọng điểm với tổng vốn đăng ký 8.678,6 tỷ đồng, tổng diện tích 226,3 ha. Dự kiến năm 2023 có 47/84 dự án đi vào hoạt động sản xuất với tổng vốn đầu tư 8.889 tỷ đồng, chiếm 85,4% so tổng vốn đầu tư; trong đó có 14/47 dự án trọng điểm với tổng vốn đầu tư 7.964,2 tỷ đồng, chiếm 76,5% so tổng vốn đầu tư.
3. Đầu tư
Trong những năm gần đây tỉnh Bình Định xác định giao thông là lĩnh vực đi trước mở đường. Xác định đầu tư xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hạ tầng giao thông là một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ 2020 - 2025, tập trung huy động mọi nguồn lực phát triển hệ thống giao thông kết nối và xem đây là động lực, nền tảng cho sự phát triển của tỉnh. Thời gian qua, tỉnh đã sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển của tỉnh, tạo diện mạo mới cho đô thị và nông thôn trên địa bàn.
Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 11/2023 ước đạt 557 tỷ đồng, giảm 19,4% so tháng trước và giảm 49% so cùng kỳ. Tính chung 11 tháng năm 2023, vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 7.572,4 tỷ đồng, giảm 14,3% so cùng kỳ năm 2022, đạt 84,5% kế hoạch năm, trong đó:
- Vốn Ngân sách cấp tỉnh đạt 4.197 tỷ đồng, giảm 22,3%, đạt 74,8%;
- Vốn Ngân sách cấp huyện đạt 2.578,8 tỷ đồng, tăng 0,7%, đạt 77,1%;
- Vốn Ngân sách cấp xã đạt 796,6 tỷ đồng, giảm 9,2%.
Tình hình thực hiện một số công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh
Tỉnh Bình Định tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện của các dự án công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh bao gồm: Đường ven biển tỉnh Bình Định đoạn Cát Tiến - Diêm Vân; Xây dựng tuyến đường ven biển (ĐT.639) đoạn từ  Quốc lộ 1D - Quốc lộ 19 mới; Tuyến đường kết nối từ trung tâm thị xã An Nhơn đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại; Tuyến đường kết nối từ đường phía Tây tỉnh (ĐT.638) đến đường ven biển (ĐT.639) trên địa bàn huyện Phù Mỹ; Tuyến đường kết nối từ Quốc lộ 19 đến Khu công nghiệp, Đô thị và dịch vụ Becamex Bình Định-VSIP Bình Định; Xây dựng tuyến đường tránh phía Nam thị trấn Phú Phong; Tuyến đường kết nối với đường ven biển (ĐT.639) trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn; Đường Điện Biên Phủ nối dài đến khu đô thị Diêm Vân; Tuyến đường tránh ĐT.633, đoạn từ Núi Ghềnh đến giáp đường ven biển,...
4. Hoạt động ngân hàng
Tính đến cuối tháng 11/2023, tổng số dư huy động vốn của hệ thống ngân hàng và tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Bình Định ước đạt 101.600 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ và tăng 11,8% so với tháng 12 năm 2022.
Tổng dư nợ cho vay tính đến 30/11/2023 ước đạt 100.380 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ và tăng 4,6% so với tháng 12 năm 2022.
Ước đến 30/11/2023 nợ xấu trên địa bàn tỉnh chiếm 0,8% so với tổng dư nợ.
5. Thương mại, dịch vụ
5.1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp đang dần phục hồi đã tác động tích cực đến thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Nguồn cung hàng hóa luôn được đảm bảo, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất, phục vụ đời sống nhân dân, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng điện máy… thường xuyên triển khai, áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá để kích cầu người tiêu dùng. Các đơn vị cũng đang chuẩn bị nguồn hàng và các điều kiện cơ sở vật chất khác để phục vụ cho mùa mua sắm sôi động, nhộn nhịp vào cuối năm. Do đó, trên địa bàn tỉnh không có hiện tượng sốt giá, khan hiếm hàng hóa; nhìn chung, mặt bằng giá cả cơ bản vẫn được kiểm soát, bảo đảm nguồn cung đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2023 ước đạt 8.542,4 tỷ đồng, giảm 0,3% so với tháng trước và tăng 10,2% so cùng kỳ, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 6.756,8 tỷ đồng, giảm 0,3% so với tháng trước và tăng 5,4% so cùng kỳ;
Tháng 11 thời tiết không thuận lợi cho hoạt động du lịch, do đó, doanh thu một số ngành dịch vụ liên quan đến hoạt động du lịch giảm so với tháng trước như: lưu trú, ăn uống, lữ hành, dịch vụ vui chơi giải trí. So với cùng kỳ, xu hướng kinh tế phục hồi kết hợp nhiều chương trình kích cầu hấp hẫn du khách trong mùa thấp điểm tác động góp phần tăng doanh thu dịch vụ. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 1.021,8 tỷ đồng, giảm 3% so với tháng trước và tăng 24,6% so cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành đạt 49,6 tỷ đồng, giảm 13,6% so với tháng trước và tăng 376,4% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác đạt 714,2 tỷ đồng, tăng 4,4% so với tháng trước và tăng 40,4% so cùng kỳ.
Tính chung 11 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 94.324,4 tỷ đồng, tăng 15,6% so cùng kỳ. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 11 tháng năm 2023 ước tính đạt 74.265,2 tỷ đồng, chiếm 78,7% tổng mức và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lương thực, thực phẩm tăng 5,8%; may mặc tăng 3,3%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 38,6%; xăng dầu tăng 26,9%; nhiên liệu khác tăng 38,7%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 11 tháng năm 2023 ước tính đạt 12.553,2 tỷ đồng, chiếm 13,3% tổng mức, tăng 36,9% so với cùng kỳ, bao gồm: Doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 2.042,1 tỷ đồng, tăng 41,8% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 10.511,1 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ.
Doanh thu du lịch lữ hành 11 tháng năm 2023 ước tính đạt 637,1 tỷ đồng, chiếm 0,7% tổng mức, tăng 223,7% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu hoạt động dịch vụ khác 11 tháng năm 2023 ước tính đạt 6.868,9 tỷ đồng, chiếm 7,3% tổng mức, tăng 25,7% so với cùng kỳ.
5.2. Xuất, nhập khẩu hàng hoá
a. Xuất khẩu hàng hóa
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 11/2023 ước đạt 141,2 triệu USD, tăng 7,1% so với tháng trước và tăng 28,4% so cùng kỳ.
Tính chung 11 tháng năm 2023, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 1.400 triệu USD, giảm 3,7% so với cùng kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu tăng so cùng kỳ: gạo ước đạt 64,1 triệu USD, tăng 60,7%; Nhóm hạt điều ước đạt 9 triệu USD, tăng 133,3%; Hàng dệt may ước đạt 297,2 triệu USD, tăng 16%; Mặt hàng viên nén gỗ ước đạt 321 triệu USD, tăng 11,3% so cùng kỳ.
Các mặt hàng xuất khẩu giảm so cùng kỳ: Hàng thủy hải sản ước 109 triệu USD, giảm 30%; Nhóm quặng và khoáng sản khác ước đạt 33,1 triệu USD, bằng 89,9%; chất dẻo ước đạt 137,8 triệu USD, giảm 12,2%Giày dép da các loại ước đạt 3,4 triệu USD, giảm 5%; sản phẩm bàn ghế gỗ ước đạt 336,4 triệu USD, giảm 24,5% so cùng kỳ.  
Xuất khẩu trực tiếp 11 tháng năm 2023 ước đạt 1.392,8 triệu USD, chiếm 99,5% kim ngạch xuất khẩu. Các mặt hàng được xuất khẩu đến 114 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc 5 châu lục. Trong đó, Châu Á đạt 590 triệu USD, chiếm 42,4% chủ yếu xuất sang các thị trường Nhật Bản,Trung Quốc, Phi-lip-pin; Châu Âu đạt 224,6 triệu USD, chiếm 16,1% chủ yếu xuất sang các thị trường Anh, Đức, Bỉ, Pháp; Châu Mỹ đạt 538,4 triệu USD, chiếm 38,7% chủ yếu xuất sang các thị trường Mỹ...
b. Nhập khẩu hàng hóa
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 11/2023 ước đạt 31,5 triệu USD, giảm 9,9% so tháng trước và giảm 8,4% so cùng kỳ.
Tính chung 11 tháng năm 2023, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 390,5 triệu USD, giảm 8,3% so cùng kỳ.
Trong đó, các mặt hàng nhập khẩu tăng so cùng kỳ: nguyên, phụ liệu dược phẩm ước đạt 17,7 triệu USD, tăng 5,8%; phân bón ước đạt 26,9 triệu USD, tăng 137,9%; vải các loại ước đạt 67,5 triệu USD, tăng 46,6%; Nhóm máy móc thiết bị dùng cho sản xuất ước đạt 42,1 triệu USD, tăng 34,6%.
Các mặt hàng nhập khẩu giảm so cùng kỳ: nhập khẩu nguyên liệu hàng thuỷ sản đạt 79,5 triệu USD, giảm 19,8%; nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc ước đạt 46,1 triệu USD, giảm 33,9%; Nhóm gỗ nguyên liệu ước đạt 23,4 triệu USD, giảm 53,3%; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép đạt 63,1 triệu USD, giảm 19,3%.
5.3. Vận tải hành khách và hàng hóa
a. Vận tải hành khách
Tổng lượng vận chuyển hành khách bằng đường bộ và đường thuỷ tháng 11/2023 ước đạt 3.171,8 nghìn hành khách, luân chuyển 320,8 triệu HK.km. So tháng trước, vận chuyển giảm 7,4%, luân chuyển giảm 7,9%. So cùng kỳ, vận chuyển tăng 10,9%, luân chuyển tăng 18,3%.
Tính chung 11 tháng năm 2023, tổng lượng vận chuyển hành khách bằng đường bộ và đường thuỷ ước đạt 37.987,6 nghìn hành khách, luân chuyển 3.769 triệu HK.km. So cùng kỳ, vận chuyển tăng 21,7%, luân chuyển tăng 23,6%.
b. Vận tải hàng hoá
Tổng lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ và đường thuỷ tháng 11/2023 ước đạt 2.529,7 nghìn tấn, luân chuyển 364,1 triệu tấn.km. So tháng trước, vận chuyển giảm 3,4%, luân chuyển giảm 2,2%. So cùng kỳ, vận chuyển tăng 2,1%, luân chuyển tăng 3,2%.
Tính chung 11 tháng năm 2023, tổng lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ và đường thuỷ ước đạt 30.517,1 nghìn tấn, luân chuyển 4.333,2 triệu tấn.km. So cùng kỳ, vận chuyển tăng 7,6%, luân chuyển tăng 6,4%.
Hàng hoá thông qua cảng biển tại địa phương trong tháng 11 năm 2023 ước đạt 1.279 nghìn TTQ, tăng 3,7% so với tháng trước, tăng 48,4% so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng đầu năm 2023, ước đạt 11.536,9 nghìn TTQ, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước.  
c. Doanh thu vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ và bưu chính, chuyển phát
Tháng 11 có sự điều chỉnh của giá xăng dầu cụ thể; giá xăng giảm 0,85%; dầu diezel giảm 6,53% so với tháng 10/2023; so với cùng kỳ giá dầu diezel giảm 14,4%; giá xăng dầu giảm đã làm cho doanh thu chung của vận tải, kho bãi tháng 11 giảm so với tháng trước.
Tổng doanh thu vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, đường thủy và bưu chính, chuyển phát tháng 11/2023 ước đạt 895,9 tỷ đồng, giảm 1,4% so tháng trước và tăng 13,8% so cùng kỳ. Trong đó, vận tải hành khách đạt 155,9 tỷ đồng, giảm 3,6% so với tháng trước và tăng 29,9% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 17,4% so với tổng doanh thu vận tải, kho bãi; vận tải hàng hóa đạt 449,7 tỷ đồng, giảm 1,8% so với tháng trước và tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng cao nhất (50,2%) so với tổng doanh thu vận tải, kho bãiDoanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 288,1 tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 19,1% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 32,2% so với tổng doanh thu vận tải, kho bãiDoanh thu bưu chính, chuyển phát đạt 2,2 tỷ đồng, tăng 5,2% so với tháng trước và tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 11 tháng năm 2023, doanh thu kinh doanh vận tải, kho bãi 11 tháng năm 2023 dự tính 9.792,8 tỷ đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2022; Trong đó: vận tải hành khách đạt 1.664,5 tỷ đồng, tăng 29,9%; vận tải hàng hóa đạt 5.088,4 tỷ đồng, tăng 7,9%; dịch vụ kho bãi và hoạt động hỗ trợ vận tải khác đạt 3.014,6 tỷ đồng, tăng 11%; bưu chính, chuyển phát đạt 25,2 tỷ đồng, tăng 10,9%.
6. Chỉ số giá
6.1. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
Những tháng cuối năm 2023, lương cơ sở, giá dịch vụ giáo dục tăng đã khiến cho giá cả nhiều mặt hàng hóa thiết yếu cũng tăng. Trước thực tế đó, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh Bình Định đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm bình ổn giá, chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng, không để đứt gãy nguồn cung, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là trong các dịp lễ, Tết cuối năm, mùa du lịch khi nhu cầu tiêu dùng thường tăng cao, góp phần tăng trưởng kinh tế trong những tháng dịp Tết.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tỉnh Bình Định tháng 11/2023 giảm 0,15% so tháng trước, tăng 2,34% so với cùng kỳ năm trước, tăng 2,06% so với tháng 12 năm trước, bình quân 11 tháng năm 2023 tăng 2,2% so với cùng kỳ.
Trong 11 nhóm hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng chính, có 2 nhóm hàng tăng giá, 1 nhóm hàng giảm giá và 8 nhóm hàng ổn định giá. Trong 2 nhóm hàng tăng giá, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,13%, nhóm giao thông tăng 0,06%. Ở chiều ngược lại, nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD giảm 1%. Các nhóm có chỉ số ổn định so với tháng trước là: nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình; nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm bưu chính viễn thông; nhóm giáo dục; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác.
Chỉ số giá tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ 11 tháng năm 2023 so với bình quân cùng kỳ năm trước tăng 2,2%, do chịu sự tác động của các nhóm hàng hóa chính sau:
Thứ nhấtNhóm Giáo dục tăng 4,86% do nhóm đồ dùng học tập và văn phòng tăng 1,88%; trong đó, sản phẩm từ giấy tăng 4,72%; nhóm dịch vụ giáo dục tăng 5,27%.
Thứ hai: Nhóm Hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 3,17%, do tác động tăng của nhóm lương thực tăng 8,83%; trong đó: gạo tăng 9,94%; bột mì và ngũ cốc khác tăng 15,28%; lương thực chế biến tăng 6,15%; nhóm thực phẩm tăng 2,53%; trong đó: thịt gia cầm tăng 7,95%; trứng các loại tăng 5,08%; thủy sản tươi sống tăng 4,46%; các loại đậu và hạt tăng 6,02%; rau tươi và khô chế biến tăng 4,08%; nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 2,88%.
Thứ ba: Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,72%, do chịu tác động của nhóm đồ uống không cồn tăng 1,82%, rượu bia tăng 4,26%, thuốc hút tăng 1,94%.
Thứ tư: Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,3%; trong đó: nhóm bảo hiểm y tế tăng 8,97% do áp dụng theo Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14/5/2023 của Chính Phủ quy định mới mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; nhóm dịch vụ vệ sinh môi trường tăng 3,68% do áp dụng theo Quyết định số 55/2022/QĐ-UBND ngày 29/8/2022 và Quyết định số 14/2023/QĐ-UBND ngày 11/4/2023 của Ủy ban nhân tỉnh Bình Định về quy định giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Tuy Phước, Phù Mỹ.
6.2. Chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ
Chỉ số giá vàng tháng 11/2023 tăng 3,12% so với tháng trước; tăng 8,2% so với tháng 12/2022 và tăng 7,96% so với cùng kỳ; bình quân 11 tháng năm 2023 tăng 1,6% so cùng kỳ.
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 11/2023 giảm 0,36% so với tháng trước; tăng 1,59% so với tháng 12/2022 và giảm 1,52% so với cùng kỳ; bình quân 11 tháng năm 2023 tăng 2,02% so cùng kỳ.
7. Một số vấn đề xã hội
7.1. Tình hình dịch bệnh và chăm sóc sức khoẻ
Ngành Y tế Bình Định đã triển khai các biện pháp hỗ trợ các địa phương trên địa bàn tỉnh xử lý dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt đỏ. Tuy nhiên, số ca dịch bệnh sốt xuất huyết và dịch tay chân miệng vẫn còn ở mức cao (dịch sốt xuất huyết 298 ca, dịch tay chân miệng 223 ca). Không có trường hợp tử vong do dịch bệnh.
7.2. Tai nạn giao thông
Trong tháng 11/2023 (từ ngày 15/10/2023 đến ngày 14/11/2023) trên địa bàn tỉnh xảy ra 85 vụ tai nạn giao thông, làm 29 người chết và 75 người bị thương. So với tháng trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 16,7% (-17 vụ), số người chết tăng 11,5% (+3 người) và số người bị thương giảm 34,8% (-40 người). So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tăng 400% (+68 vụ), người chết tăng 190% (+19 người) và người bị thương tăng 316,7% (+57 người).
Trong tháng, lực lượng cảnh sát giao thông đã kiểm tra, xử lý 2.328 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền hơn 6 tỷ đồng, tạm giữ 559 lượt phương tiện vi phạm, tước giấy phép lái xe có thời hạn 299 trường hợp.
Tính chung 11 tháng năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 317 vụ tai nạn giao thông, làm 146 người chết và 278 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong 11 tháng năm 2023 tăng 170,9% (+200 vụ), người chết tăng 37,7% (+40 người) và người bị thương tăng 371,2% (+219 người). Bình quân 1 tháng trong 11 tháng năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 28,8 vụ tai nạn giao thông, làm 12 người chết và 23 người bị thương.
7.3. Tình hình bảo vệ môi trường
Trong tháng, trên địa bàn tỉnh Bình Định xảy ra 07 vụ vi phạm môi trường, trong đó: 02 vụ ô nhiễm môi trường tại thành phố Quy Nhơn và 03 vụ khai thác và mua bán khoáng sản trái quy định pháp luật, 01 vụ khai thác cá bằng kích điện và 01 vụ vi phạm môi trường khác, giảm 41,7% (-05 vụ) so với tháng trước, tăng 16,7% (+1 vụ) so với cùng kỳ năm trước; xử phạt 07 vụ, giảm 41,7% (-05 vụ) so với tháng trước, giảm 12,5% (-01 vụ) so với cùng kỳ năm trước; số tiền xử phạt trong tháng là 64,8 triệu đồng, giảm 79% (-243,8 triệu đồng) so với tháng trước, giảm 87,4% (-451,5 triệu đồng) so với cùng kỳ năm trước.
  Cộng dồn 11 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh Bình Định xảy ra 69 vụ vi phạm môi trường, giảm 41,5% (-49 vụ); xử phạt 70 vụ, giảm 20,5% (-18 vụ); xử phạt 1.328,5 triệu đồng, giảm 26,8% (-486,4 triệu đồng) so với cùng kỳ năm trước.
7.4. Tác động do thiên tai, hỏa hoạn
Từ ngày 13/11 đến ngày 17/11/2023 trên địa bàn tỉnh có mưa lớn gây ngập lụt làm chết 01 người, sập 01 ngôi nhà và 104 ngôi nhà bị nước ngập từ 5cm đến 20cm. Mưa lũ đã làm hư hại 17 ha hoa màu và cuốn trôi 150 con gia cầm. Trong thời gian mưa lớn, hơn 4.000 học sinh trên địa bàn các huyện Tuy Phước, Phù Cát, thị xã An Nhơn và thành phố Quy Nhơn phải nghỉ học vì nước lũ chia cắt các tuyến đường đến trường.
Ngày 03/11/2023, xảy ra 1 vụ cháy tại một cửa hàng nệm ở thành phố Quy Nhơn bất ngờ xảy ra cháy, sau đó lan sang hai ngôi nhà liền kề. Vụ cháy không gây thiệt hại về người./.

Tác giả: Phạm Thị Chung Thuỷ
Nguồn:cucthongke.binhdinh.gov.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật