|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp: Kết quả nhiều, khó khăn không ít

Việc hợp nhất Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Trung tâm Giáo dục Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp thành Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp (TTGDTX-HN) vào năm 2007 đã chấm dứt sự “giẫm chân” lên nhau; song khó khăn với các TTGDTX-HN chưa hẳn đã chấm dứt.

 

Đối mặt nhiều thách thức

5 năm qua, cùng với các cơ sở giáo dục chính quy, các TTGDTX-HN đã góp phần nâng cao trình độ dân trí, chất lượng cuộc sống cho người dân; góp sức vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Dù vậy, hiện vẫn còn không ít người chưa hiểu hết chức năng, nhiệm vụ của các TTGDTX-HN, nhất là việc dạy nghề phổ thông. Tại một số địa phương, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa TTGDTX-HN với ban giám hiệu các trường trong quản lý học sinh (HS) nên nhiều HS không tham gia học nghề hoặc phổ thông bỏ học giữa chừng.

Ông Hồ Xuân Cường, Trưởng Phòng Giáo dục Chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT), cho rằng, nhiều người nghĩ, HS chỉ cần học tốt các môn học ở trường phổ thông mà không biết học nghề phổ thông cũng rất bổ ích, vì HS sẽ biết được những kỹ năng cơ bản của một nghề để áp dụng trong cuộc sống hằng ngày. Chẳng hạn, học điện kỹ thuật, các em hiểu được nguyên tắc hoạt động của hệ thống điện, biết sửa bóng đèn, cầu chì hỏng... Những kiến thức, kỹ năng ấy cũng có thể tạo đam mê để các em định hướng nghề nghiệp tương lai.

“Đầu vào” các lớp học bổ túc văn hóa đang là thách thức lớn với nhiều TTGDTX-HN. Ông Nguyễn Phúc Hưng, Giám đốc TTGDTX-HN An Nhơn, thống kê: “Cấp THCS không năm nào TT tuyển đủ HS để mở được lớp. Cấp THPT, mỗi năm chỉ mở được tối đa 4 lớp. Năm học 2011-2012, TT có 103 học sinh, trong đó lớp 10 có 25 em, lớp 11 có 24 em, lớp 12 có 54 em”. Việc tuyển sinh bổ túc văn hóa chật vật chủ yếu bởi công tác phân luồng HS chưa tốt, bên cạnh đó, một số trường phổ thông ngoài công lập ra đời đã “vét” gần hết số HS tốt nghiệp THCS vào trường.

Song khó khăn nhất có lẽ lại ở “đầu vào” các lớp dạy nghề xã hội. TTGDTX-HN Quy Nhơn tuy nằm ở nội thành nhưng vẫn không tuyển được học viên. Ông Tạ Văn Đước, Phó Giám đốc TT, cho biết: “Năm nào trước khi mở các lớp dạy nghề xã hội, chúng tôi cũng xuống tận các phường vận động người dân đi học nhưng việc tuyển sinh vẫn khó. Các cơ sở dạy nghề, trung tâm tin học, ngoại ngữ nhan nhản khắp nơi; trong khi thanh thiếu niên khi nghỉ học phổ thông lại chỉ muốn đi làm để có ngay thu nhập”.

Cần năng động để phát triển

Toàn tỉnh có 11 TTGDTX-HN ở 11 huyện, thành phố; có nhiệm vụ dạy hướng nghiệp cho học sinh lớp 8 và 11, dạy bổ túc văn hóa và thực hiện các chương trình đào tạo hoặc liên kết đào tạo theo nhu cầu của người học. Các TT còn được UBND tỉnh và Sở LĐ-TB&XH phân bổ chỉ tiêu dạy nghề xã hội (dạy nghề cho người nghèo).

Năm 2010 có 42.838 HS (THCS 20.952 HS, THPT 21.886 HS) được cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp nghề; 12.179 học viên được cấp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ…

 

Đến TTGDTX-HN Tây Sơn, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là sự nhộn nhịp, phát triển thể hiện ở quy mô cơ sở vật chất và những hoạt động tích cực của HS, giáo viên ở đây. TTGDTX-HN Tây Sơn được đánh giá năng động nhất tỉnh nhờ “đầu tàu” là Giám đốc Nguyễn Phải. Hàng năm, TT luôn đạt hoặc vượt chỉ tiêu phân bổ dạy nghề xã hội. Năm 2007, TT lập phương án xin đào tạo lái xe ô tô, mô tô. Để có kinh phí đầu tư xây dựng, TT đã mượn vốn của cán bộ, giáo viên và nhờ họ đứng ra vay vốn giúp; đến nay, TT đã trả xong nợ mượn và vay với gần 6 tỉ đồng.

Dạo quanh TT, từ những dãy phòng học đến khu mộc, may, tập lái... đều có rất đông người đang học, thực hành. Ông Phải dự tính, sau khi trả xong vốn ban đầu, sẽ mua thêm xe tập lái, thiết bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại để các ngành học được hoạt động liên tục hiệu quả, theo kịp xu thế phát triển của xã hội.

Hoạt động khá đa dạng nhưng “đầu vào” biến động theo từng năm, do vậy, các TTGDTX-HN cần năng động, sáng tạo để tồn tại và phát triển. Ông Hồ Xuân Cường cho rằng, các TTGDTX-HN phải biết người dân cần học gì, khả năng TT đến đâu và phải làm gì để đáp ứng nhu cầu “cần gì học nấy” của họ. Các cấp quản lý cần nắm bắt cụ thể những vướng mắc của TT và tùy tình hình địa phương, vùng miền để giúp các TT tháo gỡ khó khăn và định hướng phát triển hợp lý, thiết thực.                                     


Tin nổi bật Tin nổi bật