A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

An Nhơn phát triển làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới

Những năm qua, TX An Nhơn đã đầu tư hạ tầng giao thông, xây dựng đề án phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống, phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới, giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

TX An Nhơn hiện có 11 làng nghề truyền thống, làng nghề tiểu thủ công nghiệp, 5 làng nghề trồng mai được công nhận lại theo Nghị định 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn. Thị xã đầu tư hạ tầng giao thông, nhà trưng bày sản phẩm, hỗ trợ máy móc, xây dựng hồ sơ tham gia phân hạng sản phẩm OCOP, quảng bá sản phẩm… để phát triển làng nghề gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của nghề truyền thống

TX An Nhơn hỗ trợ làng nghề đổi mới máy móc, thiết bị để nâng cao năng lực sản xuất.   Ảnh: NGỌC NHUẬN

Làng nghề bún, bánh An Thái (xã Nhơn Phúc) hiện có 180 hộ, cơ sở sản xuất tạo việc làm cho hơn 300 lao động. Mỗi năm làng nghề đưa ra thị trường hơn 2.200 tấn bánh tráng, bún khô, bún song thằn, doanh thu đạt hơn 60 tỷ đồng.

Ông Dương Thanh Cường, Chủ tịch UBND xã Nhơn Phúc, cho biết: “Đang trong lộ trình phấn đấu lên phường vào năm tới nên chúng tôi tích cực quan tâm phát triển làng nghề bún, bánh An Thái gắn với bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa, hướng tới phát triển du lịch. Ngoài việc đầu tư mở rộng, nâng cấp đường giao thông, tổ chức thu gom rác thải tần suất 2 lần/tuần, xã vận động các hộ, cơ sở làm bún, bánh xây dựng hệ thống bể tự hoại để thu gom, xử lý nước thải bảo vệ môi trường”.

Làng nghề bánh tráng Trường Cửu và làng nghề truyền thống rượu Bàu Đá (xã Nhơn Lộc) hiện có hơn 100 hộ, cơ sở sản xuất với hơn 200 lao động làm nghề. Bà Nguyễn Thị Sáu, người làm nghề tráng bánh ở đây, chia sẻ: “Mỗi ngày vợ chồng tôi tráng được hơn 1.000 cái bánh, thu nhập từ 150 – 200 nghìn đồng/người/ngày. Xã đã nâng cấp đường giao thông, xây dựng sân để bà con có chỗ phơi bánh nên so với trước điều kiện sản xuất, mua bán thuận lợi hơn rất nhiều”.

Xã Nhơn Hậu hiện có 3 làng nghề: Tiện gỗ mỹ nghệ Bắc Nhạn Tháp, bún tươi Ngãi Chánh, gốm Vân Sơn phát triển ổn định, tạo việc làm cho hơn 700 lao động. Ngoài hệ thống xử lý nước thải tập trung tại làng nghề bún tươi Ngãi Chánh do tỉnh đầu tư năm 2019, xã còn đầu tư xây dựng nhà trưng bày sản phẩm gỗ mỹ nghệ, đường giao thông, điện chiếu sáng, khu sản xuất tập trung làng tiện gỗ mỹ nghệ để bảo vệ môi trường.

Chị Phạm Thị Như Thủy, chủ một cơ sở gỗ mỹ nghệ ở thôn Bắc Nhạn Tháp (xã Nhơn Hậu), cho biết: “Cơ sở tôi được thị xã quan tâm hỗ trợ kinh phí mua máy tiện. Sản phẩm của cơ sở tôi đã được đưa ra nhà trưng bày do xã xây dựng để phục vụ du khách đến tham quan, mua sắm. Tôi đã đăng ký thuê đất để sau này chuyển ra khu sản xuất tập trung, mở rộng quy mô nhằm tăng hiệu quả kinh tế”.

Còn cụ Võ Thị Hoa (76 tuổi, ở thôn Vân Sơn), một người làm gốm, tâm tình: “Làng nghề còn khoảng 50 hộ giữ nghề, sản phẩm tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, bà con làm túc tắc cũng có thu nhập ổn định. Mấy năm gần đây, nhiều du khách, học sinh các trường học cũng thường hay đến làng nghề để trải nghiệm làm gốm, bà con vui vì có thêm thu nhập từ việc hướng dẫn du khách làm gốm”.

Để giúp các làng nghề phát triển gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, hằng năm, TX An Nhơn bố trí khoảng 600 triệu đồng hỗ trợ các sơ sở, hộ dân tại các làng nghề phát triển sản xuất, cùng với đó là gần 300 triệu đồng kinh phí KH&CN hướng tới hỗ trợ việc xây dựng nhãn hiệu, đổi mới mẫu mã sản phẩm, tham gia hội chợ…

Ông Phan Thanh Hòa, Trưởng Phòng Kinh tế TX An Nhơn, cho biết: Thị xã đang phấn đấu đến năm 2025 có 11 phường và còn 4 xã: Nhơn Khánh, Nhơn Tân, Nhơn Mỹ, Nhơn Hạnh. Để phát triển làng nghề gắn với du lịch, thị xã đang tiếp tục rà soát các làng nghề trình UBND tỉnh công nhận lại để định hướng hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề cho lao động, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, giúp bà con giữ và phát triển làng nghề, ổn định cuộc sống.


Tác giả: ĐOÀN NGỌC NHUẬN
Nguồn:binhdinh.vietnam.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật