Cát Hải vươn mình
Xã Cát Hải, huyện Phù Cát (Bình Định) là vùng căn cứ địa cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong chiến tranh, mảnh đất khô cằn, sỏi đá này phải gánh chịu mưa bom, bão đạn của quân thù nên vốn đã nghèo lại càng nghèo thêm. Sau ngày đất nước giải phóng, từ một xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, Cát Hải đã tận dụng tốt lợi thế sẵn có từng bước vươn mình. Những năm gần đây, nhờ các nguồn vốn hỗ của nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại, người dân chí thú làm ăn, đời sống ngày càng sung túc hơn.
Mầm xanh trên vùng cát trắng
Cát Hải từng được mệnh danh là vùng đất “3 đèo, 4 động”, bởi xưa kia việc đi lại ở đây cách trở, phải vượt qua các đèo cao, đá núi lởm chởm, rồi phải đi qua nhiều vùng cát vun thành gò. Cũng bởi giao thông cách trở, Cát Hải gần như “biệt lập” với các địa phương khác.
Vốn có tiềm năng về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây hành, đậu phộng, nhưng từ năm 2002 trở về trước, Cát Hải chỉ có 1 hồ chứa nước nhỏ tại thôn Tân Thắng. Lượng nước hồ này chỉ tưới được khoảng 40ha, một hồ chứa khác ở thôn Vĩnh Hội còn nhỏ hơn, chỉ tưới được chừng 10ha. Vì vậy, hàng trăm ha đất canh tác đều nhờ nước trời. Diện tích đất trồng lúa, mỗi năm chỉ làm được 1 vụ đông xuân mà năng suất rất thấp, không quá 45 tạ/ha, người dân chẳng đủ gạo để ăn.
Cát Hải giờ đây đã mang dáng dấp một đô thị hiện đại
Tuy nhiên, năm 2003, người dân Cát Hải bỗng phát hiện có nhiều mạch nước ngầm rất dồi dào dưới lòng đất, phát hiện này đã mở ra hướng làm ăn mới. Ngay sau đó, gần cả ngàn chiếc giếng đóng ra đời, những diện tích canh tác mỗi năm 1 vụ lúa nhanh chóng được thay thế bằng cây hành, đậu phộng. Hành và đậu phộng thích hợp với đất cát lại có được nước tưới nên phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế rất cao, hơn hẳn trồng lúa. Chẳng bao lâu, cây hành và đậu phộng nhanh chóng phủ kín đồng đất Cát Hải và nhiều người đã có của ăn, của để.
Bà Võ Thị Hồng, người dân ở xã Cát Hải cho hay: Gia đình tôi có 5 sào trồng đậu phộng, 2 sào hành, mỗi năm cho thu nhập từ 70 – 80 triệu đồng. Vài năm trở lại đây, bà con trong thôn đã lắp đặt thiết bị tưới phun nước tự động trên ruộng hành, ruộng đậu phộng đem lại hiệu quả kinh tế cao, không còn cảnh đói nghèo như trước.
Nhờ cây hành, nhiều người dân Cát Hải đã đổi đời
Theo ông Lê Văn Diêu, Chủ tịch UBND xã Cát Hải, hiện nay, diện tích đất canh tác cây hành hàng năm ở Cát Hải là 440ha và diện tích trồng đậu phộng hàng năm dao động từ 360 – 380ha. Hầu hết những hộ sản xuất hành và đậu phộng ở Cát Hải đều đóng giếng, mạch nước ngầm lại không bao giờ cạn kiệt nên không lo về nước tưới, kể cả mùa hạn. Nhờ đó năng suất hành khô bình quân cả năm đạt từ 80 – 85 tạ/ha, năng suất đậu phộng (khô) bình quân đạt từ 34 – 36 tạ/ha. “Từ một vùng quê gian khó, thuần nông, người dân Cát Hải đã khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương gắn với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để thoát nghèo, từng bước làm giàu ngay trên đồng đất quê mình”, ông Diêu phấn khởi chia sẻ thêm.
Một đô thị du lịch đang dần hiện hữu
Không chỉ đời sống người dân được âng lên, giờ đây, vùng đất Cát Hải đã “lột xác”, mang dáng dấp một đô thị và trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn. Cú hích quan trọng giúp người dân xã Cát Hải đổi đời chính là tuyến đường ven biển ĐT 639 đi qua địa bàn xã được xây dựng hoàn thành vào năm 2003. Rồi hệ thống lưới điện, trường học, trạm y tế… được đầu tư từ Chương trình 135 và các nguồn vốn đầu tư khác đã mở đường cho Cát Hải vững bước đi lên.
Từ khi tuyến đường ven biển được nâng cấp, mở rộng đã mở ra cơ hội đổi đời cho nhân dân địa phương. Từ khi tuyến đường hoàn thành, tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh chóng. Kéo theo đó, các hoạt động dịch vụ, thương mại, du lịch ngày càng nhộn nhịp, đời sống người dân thay đổi thấy rõ. Dọc theo 17 km đường ven biển qua địa bàn xã Cát Hải, hàng loạt ngôi nhà cao tầng, nhà mái Thái sang trọng mọc lên san sát, tạo nét chấm phá cho vùng đất “3 đèo 4 động” heo hút một thời.
Cát Hải tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bài bản, hiện đại
Hiện Cát Hải là địa điểm hấp dẫn thu hút khá nhiều dự án phát triển du lịch sinh thái biển thuộc tuyến Phương Mai - Núi Bà. Nổi bật là dự án Trường Giáo dục kỹ năng sống Outward Bound Việt Nam do Tập đoàn Kinder World (Singapore) đầu tư tại khu du lịch Tân Thanh với diện tích gần 60 ha. Từ đầu tháng 4/2018 đến nay, trường đã tổ chức đào tạo hàng chục lớp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư khác như: khu nghỉ dưỡng, an dưỡng, điều dưỡng và phục hồi chức năng quốc tế Hồng Bàng, dự án khu du lịch sinh thái Tân Thanh, dự án khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp Ban Mai… cũng đang được các nhà đầu tư triển khai trên địa bàn xã Cát Hải, hứa hẹn mang lại cơ hội để địa phương phát triển trong tương lai không xa.
Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Lê Văn Diêu, cho biết: Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ngành, chúng tôi tổ chức tuyên truyền vận động Nhân dân hiến cây, đất, dỡ bỏ công trình phụ để tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn theo hướng hiện đại. Nhờ đó, từ một xã nằm trong diện đặc biệt khó khăn đã nhanh chóng vươn lên trở thành xã nông thôn mới năm 2020. Sau khi về đích NTM, xã tiếp tục vận động người dân giữ vững các tiêu chí, tiến tới xây dựng NTM nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 61,5 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm còn 4,2%. Điểm nổi bậc là cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng khang trang, cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu cho đời sống người dân.