Đầm Thị Nại vào mùa cào don dắc, bắt vẹm
Vào mùa hè, người dân ven đầm Thị Nại ở H.Tuy Phước (Bình Định) chèo ghe đi cào don dắc và bắt vẹm bán cho thương lái, thu nhập từ vài trăm ngàn đến cả triệu đồng một ngày.
Mưu sinh theo con nước thủy triều
Theo anh Nguyễn Minh Hoàn (ở thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, H.Tuy Phước), khi mới xuất hiện, nghề cào don dắc chỉ phát triển ở thôn Tân Giản (xã Phước Hòa, H.Tuy Phước) nhưng hiện đã lan rộng ra các xã ven đầm Thị Nại. Anh Hoàn đã theo nghề cào don dắc được 7 năm.
"Lúc đầu, chống chiếc ghe bằng tôn đi làm, 2 người thay nhau cào nhưng năng suất không cao như cào bằng ghe máy. Sau một thời gian tích lũy, tôi mua được chiếc ghe máy với giá 10 triệu đồng để hành nghề. Giờ có khi đi cả hai vợ chồng, còn vợ bận thì một mình tôi đi hành nghề cũng được", anh Hoàn nói.
Chị Phan Thị Hằng cùng chồng là anh Đào Văn Duy (ở thôn Vinh Quang 2) sinh sống bằng nghề cào don dắc hơn 5 năm qua.
Theo chị Hằng, nghề cào don dắc cực nhọc, phải có sức khỏe mới làm được. Làm nghề này phải đi theo con nước thủy triều. Nếu triều rút lúc nửa đêm thì đi làm lúc 4 giờ sáng, cào đến giữa trưa mới về. Nếu con nước ròng vào chiều tối thì đi cào đến sáng hôm sau.
"Thường thì hai vợ chồng tôi cào một chuyến cũng được 500 kg, có khi trúng cũng đến cả tấn. Thương lái đến tận nhà mua don dắc, mỗi bao 40 kg có giá 50.000 đồng", chị Hằng tâm sự.
Theo chị Hằng, don dắc mà người dân bắt ở ven đầm Thị Nại là loài ốc gạo, nhỏ bằng hạt bắp. Người dân bắt don dắc rồi bán cho các đại lý hoặc bán cho các hộ nuôi tôm, cua ở địa phương. Loại này tiêu thụ mạnh tại các vùng nuôi tôm hùm ở Phú Yên, Khánh Hòa, có bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu.
Ngâm mình dưới nước suốt ngày để bắt vẹm
Những người không cào được don dắc thì hành nghề bắt vẹm ở ven đầm Thị Nại. Theo anh Lê Xuân Hà (ở thôn Lộc Hạ, xã Phước Thuận, H.Tuy Phước), vẹm thường sống ở bãi bồi có bùn đất và ven chân cầu, bãi đá hay các thân cọc gỗ.
Ở đầm Thị Nại chỉ có vẹm đen, không có vẹm xanh. Vẹm đen là loài động vật thân mềm, hai mảnh vỏ. Con trưởng thành có kích thước to bằng ngón tay cái. Vẹm đen ít thịt nên chủ yếu bắt lên bán cho những người nuôi tôm hùm hoặc nuôi cua biển.
Hiện vẹm đen ở đầm Thị Nại được bán với giá từ 2.000 - 3.000 đồng/kg đã làm sạch bùn đất, còn để nguyên bùn đất bán chỉ 1.000 đồng/kg.
Người hành nghề này phải mang theo rổ nhựa, tìm bãi bồi có vẹm là ngâm mình xuống nước, xúc nguyên bùn đất đổ vào ghe cho đến khi đầy thì chở đi bán cho đại lý.
Chủ đại lý thuê lao động, dùng máy bơm rửa sạch bùn đất để bắt vẹm thành phẩm, cho vào bao rồi chở đi bán cho thương lái. Cũng có người đi xúc vẹm về rồi tự rửa bùn đất, chở vẹm thành phẩm đi bán.
Ông Huỳnh Ngọc Biên, Trưởng thôn Vinh Quang 2 (xã Phước Sơn), cho biết mùa cào don dắc và bắt vẹm trên đầm Thị Nại thường kéo dài từ tháng 3 đến tháng 10 hằng năm, nhưng cao điểm khai thác vào mùa hè. Đây là nguồn thu nhập ổn định, giúp tạo công ăn việc làm cho người dân phương. Riêng thôn Vinh Quang 2 có gần 200 hộ hành nghề và 5 đại lý đặt mua don dắc và vẹm.