A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đi chợ với mã QR ở phường Nhơn Thành

(binhdinh.gov.vn) - Chợ Gò Găng, phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn mỗi ngày có cả nghìn người tới mua bán, không chỉ người dân trong phường mà còn có nhiều người ở xã Nhơn Mỹ và huyện Phù Cát cũng tới đây mua sắm. Khi tỉnh Bình Định xuất hiện ca dương tính với Sars-Cov-2, phường Nhơn Thành đã thành lập tổ công tác, hướng dẫn người ra vào chợ theo 2 lối.

Tuy nhiên, các khâu đo thân nhiệt, hướng dẫn người dân tuân thủ nguyên tắc 5K, lấy thông tin cá nhân và phát phiếu đi chợ cho người dân vừa tốn thời gian vừa gây ùn tắt, tập trung đông người trước 2 lối ra vào chợ. Trước thực tế đó, anh Nguyễn Tấn Vũ - Phó Bí thư Đoàn thanh niên phường Nhơn Thành đã tìm tòi và đề xuất biện pháp cấp và quét mã QR cho những người ra vào chợ để tiết kiệm thời gian, góp phần đảm bảo khoảng cách. Đề xuất này đã được Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 phường Nhơn Thành nhất trí cho triển khai từ ngày 14/7.

Tổ công tác lấy thông tin tạo mã QR cho người dân.

Theo đó, Phường Nhơn Thành đã trích kinh phí mua phần mềm quét mã QR và triển khai thực hiện. Mỗi buổi sáng khi họp chợ, tổ công tác gồm đoàn viên thanh niên và lực lượng liên ngành của xã tiến hành tạo mã QR cho người dân. Tại lối vào, người dân được đo thân nhiệt rồi khai báo họ tên, địa chỉ, năm sinh, số điện thoại. Người phụ trách cập nhật các thông tin vào máy tính, tạo mã QR cho mỗi người. Mã QR sau khi in ra được một thành viên khác trong tổ bỏ vào túi nhựa rồi cấp cho người dân. Tất cả các thao tác chỉ diễn ra trong vòng 2 phút. Khi có mã QR, những ngày sau, người dân khi vào chợ chỉ cần đưa mã QR được cấp, quét vào điện thoại thông minh của tổ công tác, đo thân nhiệt rồi đi mua sắm. Quy trình mới này giúp tiết kiệm thời giancho người dân cũng như hạn chế tập trung đông người, hạn chế tiếp xúc giữa người đi chợ với tổ công tác. Cho tới phiên chợ ngày 16/7, đã có 300 mã QR được cấp.

Anh Nguyễn Tấn Vũ - Phó Bí thư Đoàn thanh niên phường Nhơn Thành, tác giả của sáng kiến này chia sẻ: Mục tiêu của tổ công tác là cấp mã QR cho tất cả những người ra vào chợ Gò Găng. Thay vì người dân đưa mã QR để quét thì mình cấp mã QR cho người dân. Mã sau khi quét được lưu trữ và được trích xuất nhanh chóng trong các tình huống cần thiết. Người già, người không sử dụng điện thoại vẫn có thể cầm tờ giấy có mã QR đã cấp để đi chợ, người có điện thoại thông minh chụp lại mã, lưu vào máy có thể sử dụng lâu dài, tùy theo diễn biến của dịch bệnh.

Được cấp mã QR ngay ngày đầu tiên thực hiện chương trình, bà Nguyễn Thị Thể ở thôn Vạn Thuận, phường Nhơn Thành cho hay, khi chưa có mã QR, thời gian làm các bước theo quy định để được vào chợ phải tốn khoảng 10-15 phút. Hiện có mã rồi thì rất gọn gàng, nhanh chóng, chị chỉ cần đo thân nhiệt xong là được vào mua sắm, không cần phải khai báo như trước. Còn chị Lê Thị Nga, nhà ở gần chợ Gò Găng cho rằng, có mã QR rất tiện lợi, nhanh chóng. Có mã rồi, người đi chợ và tổ quản lý giám sát tại chợ đều nhẹ nhàng hơn.

Quét mã QR đối với người đi chợ

Hiện phường Nhơn Thành đang tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân cung cấp các thông tin cần thiết để tổ công tác cấp mã QR, đảm bảo cho công tác quản lý, khoanh vùng và truy vết nếu có ca nhiễm Covid-19 xâm nhập vào chợ.

Ông Lê Quốc Cường - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường Nhơn Thành cho rằng: Mã quét QR những người đi chợ được lưu lại theo từng mốc thời gian, từng ngày rất thuận tiện cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Hơn nữa, nếu mỗi gia đình của phường đều có 1 người được cấp 1 mã QR, thì công tác phòng chống dịch như khoanh vùng, truy vết, cách ly sẽ kịp thời, nhanh chóng, không cần phải tiến hành các thao tác kiểm tra thông tin dịch tễ thủ công. 

Ông Mai Xuân Tiến - Phó chủ tịch UBND thị xã An Nhơn cho biết: Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của thị xã An Nhơn đã yêu cầu 14 phường xã còn lại của thị xã học tập và vận dụng triển khai nhanh việc cấp và quét mã QR tại các chợ truyền thống trên địa bàn trong thời gian sớm nhất.

Có thể nói, việc cấp và quét mã QR cho người ra vào chợ cũng tương ứng với việc các địa phương đã “định vị” được vị trí mỗi người đi chợ. Dù chỉ có 4 thông tin cơ bản gồm: họ tên, năm sinh, nơi ở, số điện thoại, còn khá ít thông tin so với các mẫu khai báo y tế, song nó giúp ích cho việc quản lý, giám sát và khoanh vùng truy vết, cách ly các trường hợp nguy cơ “thần tốc” hơn rất nhiều./.

Minh Quân


Tin nổi bật Tin nổi bật