Hoài Ân cần tập trung đầu tư xây dựng nhãn hiệu nông sản, kết nối tiêu thụ sản phẩm
Mô hình thâm canh bưởi da xanh của ông Hàn Thanh Tây (xã Ân Tường Tây)
Báo cáo với đoàn công tác, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Khúc cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, Hoài Ân tập trung thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị và phát triển bền vững. Hoài Ân tập trung phát triển một số cây ăn quả phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, từng bước hình thành vùng cây ăn quả trên vùng đất trung du. Theo thống kê, diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện khoảng 2.000 ha, nhóm cây trồng có thế mạnh như bưởi, bơ, mít thái, chè Gò Loi, chôm chôm, dừa… phát triển tốt; riêng cây bưởi có diện tích trên 300 ha, trong đó khoảng 100 ha đã cho thu hoạch, năng suất bình quân ước đạt 69 tạ/ha. Cùng với việc hỗ trợ giống, kỹ thuật canh tác, huyện Hoài Ân đầu tư xây dựng nhãn hiệu cho nhóm nông sản chủ lực của huyện là Bưởi da xanh và Trà Gò Loi.
Mô hình nuôi gà thả đồi của ông Mai Văn Rõ (xã Ân Tường Tây), tổng đàn gà 28.000 con
Về chăn nuôi, huyện thực hiện tốt việc tái đàn gia súc, gia cầm. Năm 2020, tổng đàn heo của địa phương khoảng 245.000 con, tăng 76,4%, đàn bò 20.754 con, tăng 12%, tổng đàn gia cầm 710.000 con, tăng 14,5% so với năm 2019. Huyện hoàn thành Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực của huyện giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Bên cạnh những thuận lợi, hiện địa phương đang gặp vướng mắc trong thực hiện chuyển đổi đất rừng sản xuất sang đất nông nghiệp khác phục vụ cho Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với phát triển cây trồng thế mạnh trên địa bàn huyện; việc thực hiện nghĩa vụ tài chính trong chuyển đổi còn nhiều điểm vướng chưa tháo gỡ được.
Mô hình nuôi bò thịt chất lượng cao của ông Lê Văn Hướng (xã Ân Thạnh)
Tại buổi kiểm tra, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đánh giá cao hướng đi của huyện Hoài Ân trong đầu tư phát triển nông nghiệp, đây là định hướng hoàn toàn phù hợp với địa phương. Các mô hình chăn nuôi, trồng trọt của Hoài Ân có quy mô lớn, hình thành được các chuỗi liên kết trong tương lai để phát triển hơn, đặc biệt là ở các mô hình trồng trọt, xuất hiện nhiều giống cây mới. Từ thực tế kiểm tra đã nêu bật 2 vướng mắc lớn trong sản xuất nông nghiệp lâu nay, cần phải có giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nông nghiệp hàng hóa phát triển. Thứ nhất, quy mô các nhà vườn sản xuất cây ăn trái trên địa bàn huyện Hoài Ân tương đối tốt, hiệu quả và năng suất, chất lượng cao, áp dụng tiến bộ KHKT và công nghệ hiệu quả nhưng khó tiêu thụ sản phẩm. Sau buổi kiểm tra này, chính quyền các cấp của tỉnh cùng với Sở NN&PTNT tính toán xây dựng 2 chợ đầu mối tiêu thụ nông sản ở phía Bắc và phía Nam tỉnh, đưa sản phẩm đến chợ đầu mối để kết nối tiêu thụ. Thứ hai, đó là vốn đầu tư cho sản xuất nông nghiệp. Người dân đang có nhu cầu lớn về vốn để mở rộng quy mô sản xuất nhưng lại gặp khó, nhất là vào lúc thiên tai, dịch bệnh. Tới đây, chúng ta nghiên cứu thành lập các quỹ đầu tư cho các mô hình sản xuất nông nghiệp, mô hình mới để khuyến khích người dân phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa, bền vững.
Chè Gò Loi của hộ ông Nguyễn Hữu Oanh (xã Ân Tường Tây)
Cũng trong chuyến công tác sáng nay, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đi kiểm tra một số dự án đầu tư trọng điểm trên địa bàn huyện; kiểm tra tiến độ thi công cầu Phú Văn, bắc qua sông Kim Sơn nối huyện Hoài Ân với TX Hoài Nhơn.
Theo THU DỊU (baobinhdinh.com.vn)