A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoài Ân: Cây tiêu cho thu nhập khá nhưng chưa bền vững

Hồ tiêu là loại cây công nghiệp dài ngày đã mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ nông dân ở Hoài Ân trong những năm gần đây. Theo số liệu của Chi cục Thống kê huyện, đến cuối năm 2012, toàn huyện có gần 250 ha tiêu, nhiều nhất là ở các xã Ân Thạnh, Ân Đức, Ân Hữu, Ân Nghĩa, Ân Tường Đông.

Vườn tiêu 1 năm tuổi của anh Lê Văn Chức, ở thôn Hội An - xã Ân Thạnh.


Hiệu quả kinh tế cao

Theo nhiều người trồng tiêu ở Hoài Ân, nếu được đầu tư chăm sóc tốt thì năng suất tiêu ở đây không thua kém ở các tỉnh Tây Nguyên, chất lượng lại tốt hơn, giá cả luôn cao hơn các nơi khác từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Mấy năm gần đây, giá tiêu giữ ổn định ở mức cao, từ 120-140 ngàn đồng/kg, nên nhiều hộ trồng tiêu ở Hoài Ân có thu nhập khá.

Anh Huỳnh Văn Vân, ở thôn Khoa Trường - xã Ân Đức, có gần 600 gốc tiêu trên diện tích 0,5 ha, năm 2012 anh thu hoạch khoảng 2 tấn, thu nhập gần 260 triệu đồng. Vụ tiêu năm nay do nắng hạn, năng suất giảm gần 40%, nhưng anh vẫn doanh thu gần 150 triệu đồng. Anh Vân cho biết, tính lợi nhuận trên 1 đơn vị diện tích thì trên địa bàn Hoài Ân chưa có cây trồng nào cho thu nhập cao như vậy.

Anh Đặng Văn Tiến, ở thôn An Thường 1 - xã Ân Thạnh, có khoảng 300 gốc tiêu, bình quân mỗi năm thu nhập từ 70-100 triệu đồng. Nhờ trồng tiêu mà gia đình anh  từ khó khăn đã vươn lên khá giả. Hay ông Nguyễn Văn Thạnh, thương binh ở thôn Lộc Giang - xã Ân Tường Đông, nhờ trồng tiêu mà kinh tế gia đình rất khá.

Chưa bền vững 

Đặc điểm của cây tiêu là “nắng không ưa, mưa không chịu”. Trồng tiêu thì phòng bệnh là chính, khi cây tiêu đã bị bệnh thì sẽ lây lan rất nhanh, không có thuốc đặc trị. Trong khi đó, hầu hết các hộ trồng tiêu ở Hoài Ân chủ yếu là tự phát, với hình thức quảng canh, chưa được tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây tiêu một cách bài bản. Cách đây 3 năm, nhiều vườn tiêu ở Hoài Ân đã bị bệnh chết hàng loạt, nguyên nhân chủ yếu là do trời mưa nhiều, các chủ vườn không làm tốt việc tiêu úng.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Hoài Ân, cho biết: Cuối năm 2012, được huyện hỗ trợ kinh phí, Trạm đã xây dựng mô hình sử dụng phân sinh học và hướng dẫn cách phòng bệnh cho cây tiêu, có 50 nông dân tham dự. Tuy nhiên, khó khăn là cán bộ kỹ thuật của Trạm chưa ai có chuyên môn sâu về chăm sóc và phòng trừ bệnh cho cây tiêu. Thời gian tới, Trạm sẽ tổ chức cho cán bộ cùng một số nông dân đến các tỉnh phát triển trồng tiêu ở Tây Nguyên để học hỏi kinh nghiệm nhằm giúp nghề trồng tiêu ở Hoài Ân được bền vững hơn.


Theo baobinhdinh.com.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật