|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoài Ân: Phát huy hiệu quả giá trị di tích lịch sử - văn hóa

Hoài Ân hiện có 46 di tích lịch sử văn hóa, kháng chiến được đưa vào danh mục kiểm kê di tích của tỉnh. Trong đó có 13 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, huyện cắm mốc bảo vệ 5 di tích. Trong những năm qua, không chỉ coi trọng công tác bảo vệ, Hoài Ân đã có nhiều biện pháp phát huy giá trị lịch sử của các di tích.

Học sinh Trường Tiểu học thị trấn Tăng Bạt Hổ xem phòng trưng bày truyền thống huyện.


Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng chăm lo, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, huyện Hoài Ân đã vận động nhân dân, các doanh ngiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí xây dựng các thiết chế như nhà lưu niệm, nhà trưng bày, cảnh quan môi trường, biểu tượng, bia bản ở 15 di tích, làm cho các di tích khang trang, trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách.

Ông Trần Thế Nhân, Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Hoài Ân, cho biết “Tất cả các di tích được xây dựng đưa vào hoạt động đều được UBND huyện ra quyết định thành lập ban quản lý, hằng năm cấp kinh phí để tổ chức bảo vệ và hoạt động”. Điều này đã tạo thuận lợi cho việc quản lý và phát huy hiệu quả giá trị của từng di tích, tránh tình trạng “xây xong để đó”.

Ban quản lý ở từng di tích cùng với Trung tâm VH-TT-TT huyện phối hợp với các ngành thường xuyên tổ chức các hoạt động lễ hội, lễ kỷ niệm, các sự kiện của địa phương tại các điểm di tích. Tại đền thờ Tăng Bạt Hổ thường diễn ra lễ viếng, dâng hương dâng hoa vào dịp Tết Nguyên đán. Trong khi đó, Chi bộ Vạn Đức lại là nơi tổ chức nhiều sự kiện lớn như kỷ niệm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3.2, lễ kết nạp đảng viên mới, lễ trao thẻ Đảng, tổ chức tổng kết thi đua khen thưởng thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của huyện... Tại Văn chỉ Hoài Ân, ngoài lễ tế xuân, tế thu theo nghi thức truyền thống, còn có các hoạt động khuyến học khuyến tài, khen thưởng học sinh có thành tích trong học tập.

Ngoài ra, các hoạt động về nguồn của tuổi trẻ, các buổi sinh hoạt giao lưu, nói chuyện truyền thống cũng được tổ chức thường xuyên tại các điểm di tích. Đây cũng là điểm đến của học sinh các trường học trên địa bàn trong giờ học ngoại khóa. Khi xem phòng trưng bày truyền thống huyện, ông Nguyễn Phước Nam, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Ân Đức, cho biết: “Phòng trưng bày truyền thống huyện thực sự là “trang sử” sinh động, bổ ích. Chúng tôi sẽ bố trí đưa học sinh của trường đến đây tham quan thường xuyên hơn”.

Còn bạn Nguyễn Thị Diễm Hằng, sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn đã bày tỏ cảm nghĩ khi đến thăm di tích Chi bộ Vạn Đức: “Khu di tích Chi bộ Vạn Đức là một công trình đẹp về nghĩa cử của toàn dân đóng góp xây dựng, đẹp vì lòng tri ân của thế hệ hôm nay biết cách gìn giữ phát huy truyền thống cách mạng của quê hương”.

Kinh nghiệm ở Hoài Ân cho thấy, để thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, cần phải thực hiện tốt công tác xã hội hóa. Đồng thời, thường xuyên duy trì các lễ hội, lễ kỷ niệm, các hoạt động tìm hiểu lịch sử địa phương cho mọi tầng lớp nhân  dân.


Theo baobinhdinh.com.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật