A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoài Ân tập trung xử lý tình trạng phá rừng

Từ cuối năm 2010 đến đầu năm 2011, tình hình phá rừng trái phép trên địa bàn huyện Hoài Ân, đặc biệt là tại 6 xã phía nam, diễn ra gay gắt. Theo số liệu của Hạt Kiểm lâm huyện, có trên 193,4 ha rừng bị phá, chủ yếu là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn. Huyện ủy, UBND huyện Hoài Ân đang tập trung xử lý dứt điểm tình trạng phá rừng.

Trong vài năm gần đây, giá mì và gỗ nguyên liệu giấy liên tục tăng. Ước tính, bình quân 1ha đất rừng nếu trồng keo lai sau 4 đến 5 năm khai thác sẽ bán được từ 70 đến 100 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 50 triệu đồng/ha. Do các chủ rừng dùng xe cơ giới tùy tiện mở đường khai thác và trồng rừng nên việc vận chuyển hết sức thuận lợi. Bởi thế, dù núi cao rừng sâu đến đâu cũng không lo sản phẩm không có người mua. Nhiều diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn bị phá để trồng rừng kinh tế, trồng mì.

Hệ thống chính trị vào cuộc

Việc chính quyền địa phương, kiểm lâm quản lý, bảo vệ rừng quá lỏng lẻo, buông lỏng kiểm soát các diện tích rừng đã giao khoán; những vụ phá rừng của các năm trước không được xử lý đến nơi đến chốn; nhiều gia đình cán bộ, đảng viên phá rừng nhưng không được xử lý… khiến nạn phá rừng ở Hoài Ân tăng cao đột biến.

Hình thức phá rừng hết sức tinh vi. Bước đầu, các đối tượng phá rừng dọn sạch lớp thực bì dưới tán rừng, sau đó chờ thời cơ thuận lợi như những ngày nghỉ, ngày lễ hoặc chiều tối… dùng cưa máy đốn hạ những cây lớn thật nhanh. Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân, trong khung thời gian kể trên có tới hơn 193,4ha rừng bị phá, chủ yếu là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn. Tình hình nghiêm trọng nhất là tại các xã: Bók Tới với 76,8ha; Ân Nghĩa - 66 ha; Ân Tường Đông - 32 ha…

Trước tình hình này, Huyện ủy Hoài Ân đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp với sự tham gia của các ngành chức năng của huyện, chính quyền các xã… tập trung vào cuộc để ngăn chặn và xử lý triệt để tình trạng phá rừng. Ngày 13.5.2011, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân đã ra Quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành gồm Kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ, Công an, Thanh tra huyện… cùng phối hợp với  các xã  kiểm tra ngăn chặn và xác lập hồ sơ để xử lý. Các xã cũng huy động lực lượng tham gia.

Cưỡng chế tiêu hủy các loại cây trồng

Qua hơn 5 tháng làm việc, Tổ công tác đã xác lập được 300 hồ sơ với tổng diện tích rừng bị phá, lấn chiếm trái pháp luật trên 193,4ha. Trong 174 hồ sơ vượt khung xử lý hành chính có: 21 hồ sơ vi phạm quy định sử dụng đất lâm nghiệp, 15 hồ sơ thuộc phạm vi xử lý của Hạt kiểm lâm, 58 hồ sơ thuộc thẩm quyền xử lý của huyện. Và có tới 32 hồ sơ phải đưa lên UBND tỉnh xử lý. 

Hiện nay, các cấp đã tống đạt Quyết định xử lý 70 hồ sơ với diện tích 
12,2 ha, tổng số tiền phạt trên 1,83 tỉ đồng. Các hồ sơ còn lại, cơ quan chức năng đang tiến hành xác minh, giám định, đối chiếu bản đồ diễn biến rừng, trạng thái rừng để tiếp tục đề nghị các cấp tiếp tục ra quyết định xử lý.

Việc chính quyền địa phương, kiểm lâm quản lý, bảo vệ rừng quá lỏng lẻo, buông lỏng kiểm soát các diện tích rừng đã giao khoán; những vụ phá rừng của các năm trước không được xử lý đến nơi đến chốn; nhiều gia đình cán bộ, đảng viên phá rừng nhưng không được xử lý… khiến nạn phá rừng ở Hoài Ân tăng cao đột biến.

Ngày 15.8.2011 Huyện ủy Hoài Ân đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện. Ngày 3.11.2011, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân ra Quyết định về việc thành lập Đoàn công tác liên ngành thực hiện tiêu hủy, nhổ bỏ các loại cây trồng cùng các công trình xây dựng trái phép trên diện tích rừng bị phá, lấn chiếm trái phép. Đoàn công tác liên ngành của huyện đã phối hợp với lãnh đạo 6 xã có rừng bị phá, lên kế hoạch, phân công trách nhiệm, chọn xã Ân Tường Tây thực hiện điểm để rút kinh nghiệm, sau đó thực hiện ở các xã còn lại. 

Trong tháng 12.2011, Đoàn công tác đã tiến hành tháo dỡ toàn bộ các loại cây trồng (chủ yếu là keo lai và mì) trên diện tích gần 50 ha rừng bị phá trái phép ở xã Ân Tường Tây, Ân Tường Đông và thôn Hương Quang, xã Ân Nghĩa. Nhờ sự phối hợp tốt của kiểm lâm địa bàn với các ngành của địa phương trong việc điều tra, xác lập chính xác diện tích, địa điểm rừng bị phá và hộ vi phạm, các lực lượng cùng hỗ trợ nhau nên tiến độ tháo dỡ cây trồng rất nhanh. Trước đó, các hộ tham gia phá rừng đã được địa phương triệu tập để giáo dục, viết cam kết, đã thấy rõ những sai phạm của mình nên nhiều hộ đã tự giác dỡ bỏ cây trồng, các hộ còn lại cũng đều chấp hành.

Quản lý và bảo vệ rừng bền vững

Chủ trương tháo dỡ cây trồng và xử lý các hộ vi phạm phá rừng trái pháp luật của UBND huyện đã được cán bộ và nhân dân các địa phương trong huyện đồng tình và ủng hộ. Ông Nguyễn Đình Huân, ở thôn Trí Tường, xã Ân Tường Đông, bức xúc: “Tôi và một số hộ đã nhận bảo vệ trên 100 ha rừng phòng hộ đầu nguồn, trước đây rừng được bảo vệ rất tốt, nhưng từ năm 2010 những người phá rừng đã ngang nhiên dùng cưa máy triệt hạ không thương tiếc những cánh rừng, nhìn những cây rừng có hàng trăm năm tuổi bị đốn hạ nằm la liệt chúng tôi rất đau lòng nhưng không làm gì được. Chúng tôi rất ủng hộ giải pháp quyết liệt của Huyện ủy và UBND huyện Hoài Ân. Tuy nhiên, việc kiểm soát, quản lý phải duy trì lâu dài thì kết quả mới bền vững. Buông lỏng một chút là đâu lại vào đấy ngay”.

Hiện nay Đoàn công tác liên ngành đang tiếp tục tháo dỡ cây trồng tại các xã còn lại. Tháo dỡ đến đâu, Đoàn công tác đều tiến hành hoàn chỉnh hồ sơ và bàn giao lại diện tích rừng cho các chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ và UBND xã chịu trách nhiệm khoanh nuôi, bảo vệ, tái sinh lại rừng.


Tin nổi bật Tin nổi bật