A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ông Lê Trọng Tùng, Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn: Mỗi người dân An Nhơn sẽ phải nỗ lực nâng mình lên để xứng đáng là công dân thị xã

Ngày 1.1.2012, An Nhơn tổ chức trọng thể Lễ công bố Nghị quyết số 101/NQ-CP ngày 28.11.2011 của Chính phủ về việc thành lập thị xã An Nhơn. Phóng viên Báo Bình Định đã có cuộc gặp gỡ, phỏng vấn ông Lê Trọng Tùng, Chủ tịch UBND thị xã, xung quanh sự kiện đặc biệt này.

Trước hết, xin ông cho biết tâm trạng chung của cán bộ và nhân dân An Nhơn khi hay tin mình trở thành công dân của thị xã?

- Nhìn chung, cán bộ và nhân dân đều rất phấn khởi khi Chính phủ đã ký Nghị quyết thành lập thị xã An Nhơn. Tôi đã nhận rất nhiều cuộc điện thoại của những người con An Nhơn xa quê gọi về chúc mừng An Nhơn trở thành thị xã. Với người dân ở những khu vực được thành lập phường, họ càng phấn khởi bởi biết rằng rồi đây công tác đầu tư, chỉnh trang đô thị sẽ được Trung ương, tỉnh quan tâm nhiều hơn và theo đó, chất lượng cuộc sống của họ cũng sẽ thay đổi. Dẫu vậy, một số người cũng có đôi chút băn khoăn vì trở thành thị xã sẽ kéo theo sự thay đổi của một loạt cơ chế chính sách, nhất là về thuế, giá đất, giá dịch vụ gia tăng... Song nhiều người lại cho rằng, đó là điều kiện để người dân An Nhơn phải nỗ lực nâng mình lên để xứng đáng là công dân thị xã.

Trở thành thị xã, chắc chắn An Nhơn phải hướng đến một cơ cấu kinh tế phù hợp, chúng ta đã chuẩn bị cho hướng đi mới này như thế nào?

- Cơ cấu kinh tế mà thị xã An Nhơn xác định là công nghiệp - thương mại dịch vụ và nông nghiệp. Thị xã đang xây dựng Khu công nghiệp Nhơn Hòa với gần 300 ha. Bên cạnh đó là các cụm công nghiệp Gò Đá Trắng, Thanh Liêm… Ngoài ra, địa phương cũng đang xúc tiến đầu tư một số cụm công nghiệp khác như Đồi Hỏa Sơn (Nhơn Mỹ), Gò Sơn (Nhơn Tân), Núi An Mơ (Nhơn Thọ)… Về thương mại - dịch vụ, 2 dự án trung tâm thương mại đang được hình thành ở Bình Định và Đập Đá. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang xúc tiến dự án đường cảnh quan, nhà hàng, khách sạn bắc sông Trường Thi; dự án cáp treo Hồ Núi Một; dự án sân vận động trung tâm; dự án quy hoạch xây dựng, khai thác và quản lý di tích Thành Hoàng Đế phục vụ du lịch…

* Từ lâu An Nhơn vẫn được coi là “đất lúa” và từng được một nhạc sĩ định danh: “đất An Nhơn quê hương của lúa…”. Để thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng như ông vừa nêu không hề dễ dàng?

- Đúng vậy, tính đến năm 2011 này, tỉ trọng nông nghiệp của An Nhơn vẫn chiếm đến 44,5% trong cơ cấu kinh tế. Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ huyện lần thứ 21, chúng tôi cố gắng giảm xuống còn từ 30-35%, còn lại là công nghiệp - thương mại dịch vụ. Để đạt mục tiêu này, chúng tôi sẽ phải phấn đấu cật lực, bên cạnh đó cũng rất cần sự ủng hộ về mặt chủ trương, cơ chế của Trung ương, của tỉnh.

Đối với một số xã trước đây giờ thành phường  như: Nhơn Thành, Nhơn Hưng, Nhơn Hòa, tỉ lệ lao động làm việc ở lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn lớn. Chúng tôi đang xúc tiến việc chuyển dịch cơ cấu lao động sang lĩnh vực phi nông nghiệp. Toàn thị xã hiện có 24 làng nghề được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống. Nếu tập trung đầu tư, nơi đây sẽ giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động nông thôn.

Được biết, mục tiêu quan trọng từ nay đến năm 2020 của thị xã An Nhơn là phải xây dựng được một đô thị mới văn minh và hiện đại, giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa - xã hội và vững mạnh về quốc phòng - an ninh. Xin ông cho biết những nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng bộ và chính quyền thị xã phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để có thể thực hiện đạt mục tiêu này?

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc: “Xây dựng và phát triển thị xã An Nhơn, tạo động lực mới cho sự nâng cấp mở rộng các đô thị của tỉnh là một yêu cầu bức thiết, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh từ nay đến năm 2020. Trên cơ sở quán triệt và triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ mới, từ nay đến năm 2020, Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân thị xã An Nhơn phải phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước và cách mạng, ra sức thi đua; không ngừng phấn đấu vượt qua những khó khăn và thử thách với tinh thần năng động, sáng tạo để xây dựng và phát triển thị xã An Nhơn trở thành một đô thị lớn ở phía Nam của tỉnh”.

 

-  Chúng tôi xác định tập trung sức xây dựng thị xã An Nhơn phát triển toàn diện hơn nữa về kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp; đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị theo quy hoạch kiến trúc cảnh quan thị xã và mở rộng không gian đô thị theo hướng hiện đại và bền vững. Phát triển sản xuất công nghiệp, xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp và làng nghề, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính cạnh tranh của sản phẩm địa phương. Ưu tiên phát triển thương mại và nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ, đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch, văn hóa lịch sử, di tích cách mạng, du lịch làng nghề và du lịch sinh thái cảnh quan. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và mùa vụ trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị cao. Quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Về văn hóa - xã hội, chúng tôi sẽ quan tâm để có sự phát triển tương xứng với phát triển về kinh tế. Chúng tôi cũng sẽ nỗ lực xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực, bảo đảm yêu cầu xây dựng và phát triển thị xã về lâu dài.

Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã, chúng tôi rất cần sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của tỉnh và Trung ương. Hiện tại, chúng tôi đang xây dựng một dự thảo Nghị quyết về phát triển thị xã An Nhơn theo từng giai đoạn để trình cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Nghị quyết sẽ đề cập một số cơ chế chính sách đặc thù về con người, về đầu tư xây dựng hạ tầng cũng như phát triển kinh tế - xã hội. Được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh cũng như Trung ương, cán bộ và nhân dân thị xã An Nhơn sẽ có thêm niềm tin để xây dựng thị xã phát triển.


Tin nổi bật Tin nổi bật