A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

An Nhơn chuẩn bị cho ngày công bố lên thị xã

Theo Nghị quyết số 101/NQ-CP ngày 28.11.2011 của Chính phủ, huyện An Nhơn đã “lên” thị xã. Thị xã An Nhơn được thành lập, bên cạnh niềm vui, còn đặt ra cho chính quyền và nhân dân địa phương những nhiệm vụ lớn nhằm xây dựng thị xã xứng tầm với tên gọi.

Để trở thành một thị xã phát triển, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra mà chính quyền và nhân dân huyện An Nhơn cần nỗ lực và có kế hoạch thực hiện.

Chú trọng quy hoạch và phát triển công nghiệp, thương mại

Những năm qua, nền kinh tế huyện An Nhơn giữ được ổn định và có bước tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế dần dịch chuyển theo hướng tăng tỉ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ và giảm nông nghiệp. Năm 2011, tỉ trọng ngành nông - lâm- ngư nghiệp trong cơ cấu kinh tế của huyện chiếm 44,5%, công nghiệp - TTCN chiếm 37,3%, thương mại - dịch vụ chiếm 18,2%. Cơ sở hạ tầng được huyện tăng cường đầu tư xây dựng và chỉnh trang đô thị theo hướng thị xã. Lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng đạt được những kết quả tích cực, đời sống nhân dân ổn định và có mặt khá hơn.

Trong cuộc làm việc mới đây của đoàn công tác Tỉnh ủy với Huyện ủy An Nhơn, nhiều lãnh đạo sở, ngành đã “hiến kế”, đóng góp ý kiến để An Nhơn xây dựng thị xã đạt kết quả tốt.

Trên lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, ông Đào Quý Tiêu, Giám đốc Sở Xây dựng, cho rằng: “Trong giai đoạn chập chững đầu tiên từ huyện lên thị xã, lãnh đạo địa phương cần tổ chức hội nghị xây dựng và phát triển thị xã An Nhơn, nhằm lấy ý kiến các chuyên gia trong vấn đề này; xây dựng các khu đô thị mới có tính tạo động lực cho sự phát triển; thu hút đầu tư có trọng điểm. Danh hiệu đã có, cần bàn sự phát triển”. Cùng bàn về công tác xây dựng hạ tầng thị xã gắn với đầu tư xây dựng nông thôn mới, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT, đề xuất An Nhơn cần chú trọng các xã vùng ven thị xã, xác định thế mạnh của các địa phương để phát triển sản xuất, giảm khoảng cách nông thôn, thành thị.  

Đất trăm nghề An Nhơn không chỉ nổi tiếng với các làng nghề TTCN, mà còn đang phát triển mạnh công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Đây cũng là lý do để ông Trần Đức Tiến, Phó Giám đốc Sở Công Thương, phát biểu: “An Nhơn cần đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư 2 trung tâm thương mại Đập Đá và Bình Định, quy hoạch 2 chợ và chỉnh trang đô thị 2 phường này”.

Bên cạnh đó, các ý kiến đóng góp cho An Nhơn cũng lưu ý các vấn đề trong xây dựng và phát triển thị xã: Quy hoạch nhưng không đô thị hóa tràn lan mà phải theo mục tiêu cụ thể và có thứ tự ưu tiên, tiết kiệm đất lúa, chú trọng bảo vệ môi trường.

Đầu tư nguồn nhân lực

Một vấn đề đóng vai trò quyết định trong xây dựng và phát triển thị xã An Nhơn nhận được nhiều ý kiến góp ý của lãnh đạo các sở, ngành là nguồn nhân lực cho thị xã. Cách đây vài năm, khi đề án thành lập thị xã An Nhơn còn đang trong quá trình xây dựng, lãnh đạo huyện đã chuẩn bị và xây dựng mô hình tổ chức cho thị xã trong tương lai. Vì vậy, theo ông Lâm Hải Giang, Phó Giám đốc Sở Nội Vụ, thì cái cần thay đổi sẽ là phương thức quản lý, nhằm phù hợp với tình hình mới. Vấn đề nhân lực cũng được lãnh đạo các sở và các ban xây dựng đảng của Tỉnh ủy bàn đến trên các khía cạnh: bổ sung, điều chỉnh quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo thị xã, có kế hoạch đào tạo, có quy chế riêng thu hút cán bộ, tiêu chuẩn hóa cán bộ không chuyên trách, nhằm tạo nguồn có chất lượng.

Về phía mình, lãnh đạo Đảng và chính quyền huyện An Nhơn mong muốn Tỉnh ủy ra Nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển toàn diện thị xã An Nhơn giai đoạn 2011-2015 và UBND tỉnh tạo điều kiện về chủ trương, kinh phí cho An Nhơn đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị... Một số kiến nghị đã được Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện thống nhất và giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo huyện, phối hợp với các ngành liên quan báo cáo, đề xuất các cấp, ngành giải quyết.

Trên cơ sở tiềm năng và lợi thế của địa phương, cộng với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, An Nhơn có được những điều kiện cơ bản để xây dựng và phát triển thị xã. Tuy nhiên, nhanh hay chậm một đô thị phồn thịnh trong tương lai, phụ thuộc rất nhiều vào tư duy, tầm nhìn chiến lược của người lãnh đạo và cả ý thức xây dựng đô thị của mỗi người dân.

Theo Nghị quyết số 101/NQ-CP ngày 28.11.2011 của Chính phủ, thị xã An Nhơn được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và nhân khẩu của huyện An Nhơn hiện nay. Ngoài ra, Nghị quyết cũng thành lập 5 phường thuộc thị xã, gồm: phường Bình Định, Nhơn Hưng, Đập Đá, Nhơn Thành, Nhơn Hòa, trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của các xã, thị trấn cùng tên. Như vậy, sau khi thành lập, thị xã An Nhơn có 15 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 5 phường và 10 xã.

* Tiêu đề do Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh tự đặt


Tin nổi bật Tin nổi bật