Phù Cát: Nhân rộng mô hình trồng đậu phụng xen mì
Để nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế trong sản xuất đậu phụng, địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, hướng dẫn quy trình trồng và chăm sóc đậu phụng, trỉa đậu hạt đôi trên luống, đưa giống mới có năng suất cao vào sản xuất, tổ chức các mô hình trình diễn tạo điều kiện cho nông dân nắm bắt ứng dụng vào thực tế… Năm 2011, trên diện tích gần 3.200 ha đậu phụng, năng suất bình quân đạt 33,9 tạ/ha, một số diện tích đạt năng suất 40 đến trên 50 tạ/ha.
Theo ông Phan Sĩ Hùng, Phó Phòng NN-PTNT huyện Phù Cát: Trong 2 năm 2009-2010, được sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu - chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam, Hội Làm vườn tỉnh đã phối hợp với huyện Phù Cát triển khai dự án phát triển cây mì bền vững dựa vào cộng đồng trên địa bàn 2 xã: Cát Hiệp và Cát Lâm, diện tích 15 ha, trồng đậu phụng xen mì. Kết quả, cây đậu phụng đạt năng suất bình quân 36,3 tạ/ha, tăng hơn 17% đến 40% so với đối chứng; cây mì sau 8-9 tháng năng suất đạt từ 25 đến 27,4 tấn/ha, tăng hơn 5-6 tấn/ha so với đối chứng. Tổng thu nhập 75 triệu đồng/ha, lợi nhuận trên 49 triệu đồng/ha.
Bên cạnh đó, từ năm 2008 đến nay, được sự chuyển giao kỹ thuật của Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu TP Hồ Chí Minh, huyện Phù Cát đã triển khai thực hiện phương pháp sử dụng chế phẩm vi khuẩn nốt sần cho cây đậu phụng. Qua thử nghiệm ở cả 3 vụ sản xuất/năm là vụ Đông Xuân, Hè Thu và vụ Thu Đông đều cho kết quả khả quan, bình quân năng suất đậu tăng hơn 9 tạ/ha, thu nhập tăng hơn 23,6 triệu đồng, lợi nhuận tăng hơn 24,2 triệu đồng.
Từ hiệu quả kinh tế cao đem lại, năm 2011, nông dân Phù Cát đã áp dụng nhân rộng mô hình trồng đậu phụng xen mì gần 350 ha, tại các xã Cát Hiệp, Cát Lâm, Cát Hanh, Cát Trinh… và sử dụng chế phẩm vi khuẩn nốt sần cho cây đậu phụng trên diện tích hơn 40 ha.
Từ thực tế sản xuất cho thấy, trồng đậu phụng xen mì đem lại lợi nhuận cao hơn 2,3 lần so với trồng luân canh đậu phụng- mì, cao gấp 3,5 lần so với trồng mì thuần. Đồng thời ứng dụng chế phẩm vi khuẩn nốt sần cho cây đậu phụng lợi nhuận tăng hơn 1,7 lần, nhờ năng suất tăng, giảm được lượng phân bón, hạn chế sâu bệnh, làm giảm chi phí đầu tư, chất lượng sản phẩm làm ra được đánh giá tốt hơn, cải tạo và nâng cao độ phì của đất.
Tại Hội thảo nhân rộng ứng dụng trồng đậu phụng xen mì; sử dụng chế phẩm vi khuẩn nốt sần cho cây đậu phụng vừa được tổ chức tại Phù Cát, ông Đỗ Tấn Tiên, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh đã khẳng định: Hai phương pháp trồng đậu phụng xen mì và sử dụng chế phẩm vi khuẩn nốt sần cho cây đậu phụng rất dễ áp dụng, chi phí đầu tư rất thấp, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, đóng góp vào nền nông nghiệp sạch và xanh, bền vững. Chính vì vậy, mô hình không chỉ nhân rộng trên địa bàn Phù Cát mà Trung tâm còn triển khai ứng dụng tại các huyện Phù Mỹ, Tây Sơn, nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, nhất là chân đất xám bạc màu, tăng nguồn thu nhập cho nông dân.