A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vĩnh Thạnh: Cồng chiêng đang dần mai một

Cồng chiêng đối với đồng bào dân tộc Bana Kriêm huyện Vĩnh Thạnh là nhạc cụ sinh hoạt có tính cộng đồng chặt chẽ, gắn với nghi thức lễ hội truyền thống. Tuy nhiên, bảo tồn văn hóa cồng chiêng nơi đây đang là vấn đề phức tạp, khi nạn “chảy máu” cồng chiêng do tình trạng gạ bán và trộm cắp vẫn hoành hành.

Số lượng ngày càng vơi

Các làng đồng bào dân tộc Bana Kriêm ở huyện Vĩnh Thạnh trước đây thường có hàng chục bộ cồng chiêng trở lên. Tuy nhiên, số lượng cồng chiêng đang hao hụt dần khi nhiều năm qua tình trạng người dưới xuôi lên gạ gẫm mua cồng chiêng với giá cao và tệ hơn là nạn trộm cắp đang hoành hành. Theo đó, văn hóa cồng chiêng nơi đây cũng ngày càng mai một.

Hiện nay, ở huyện Vĩnh Thạnh có làng K2, xã Vĩnh Sơn còn giữ được nhiều bộ cồng chiêng nhất. Một số bộ cồng chiêng lâu năm của làng này đã bị mất trộm cách đây vài năm, nên cả làng có đến hơn 1.200 nhân khẩu nhưng giờ cũng chỉ có được chục bộ cồng chiêng. Bộ cồng chiêng chung của làng K8, xã Vĩnh Sơn đã bị mất và hơn một nửa số bộ cồng chiêng cá nhân của làng cũng bị trộm. Ông Đinh Xoa, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Sơn, cho biết: “Tình trạng mất trộm cồng chiêng xảy ra nhiều những năm gần đây. Mới đây nhất, bộ cồng chiêng quý của anh hùng Đinh A Troi ở làng K4 được cất giữ cẩn thận, nhưng khi đem ra cho làng mượn đánh trong lễ hội, vừa đánh xong ban đêm để ở nhà rông thì đến sáng đã bị mất trộm”.

Tình trạng không tìm ra thủ phạm lấy trộm cồng chiêng khiến tất cả các làng đều cảnh giác đem cồng chiêng cất giấu kỹ, không dám để ở nhà rông như trước. Hiện nay, nhiều làng đồng bào Bana ở Vĩnh Thạnh cũng không còn bộ cồng chiêng chung của làng, số bộ cồng chiêng cá nhân cũng còn rất ít. Theo thống kê của Sở VH-TT&DL năm 2010, số lượng cồng chiêng của đồng bào Bana Kriêm trên địa bàn tỉnh hiện chỉ còn chưa đến 50 bộ, trong đó tập trung chủ yếu ở huyện Vĩnh Thạnh. Trong tổng cộng 29 làng đồng bào dân tộc Bana Kriêm ở huyện Vĩnh Thạnh, có nhiều làng hiện không còn bộ cồng chiêng nào.

Giữ hồn cho văn hóa cồng chiêng

Không gian văn hóa cồng chiêng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại. Do đó, việc bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng là một vấn đề quan trọng trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Bana Kriêm ở huyện Vĩnh Thạnh. Muốn làm được điều này thì phải làm tốt công tác bảo tồn “từ gốc” thông qua việc tuyên truyền cho đồng bào dân tộc ít người, nhất là lực lượng thanh thiếu niên  ý thức được giá trị văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình.

Vừa qua, khi đến nhà rông làng Hà Rơn (thị trấn Vĩnh Thạnh) vào ban đêm, chúng tôi đã chứng kiến sự nhiệt tình, sôi nổi của đông đảo nam nữ thanh niên trong làng khi luyện tập cồng chiêng. “Mình đánh cồng chiêng hay, nên mỗi khi có thời gian thì tụ tập các bạn trẻ lại để chỉ dạy, giữ gìn cái vốn quý truyền thống của ông bà. Thanh niên trong làng ý thức được cái hay, cái đẹp của văn hóa cồng chiêng nên tự giác đến luyện tập hăng say…”, anh Đinh A Ly cho biết. Đến tham gia Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc tổ chức ở  làng Tà Điệk (xã Vĩnh Hảo), chúng tôi lại được thưởng thức “nguyên bản” nét đẹp văn hóa cồng chiêng khi vừa uống rượu cần ở nhà rông vừa được nghe tiếng cồng chiêng rộn rã.

Quả thật lễ hội, nhà rông… của đồng bào dân tộc mà thiếu vắng tiếng cồng chiêng thì cũng mất đi “phần hồn” quan trọng nhất. Bảo tồn văn hóa cồng chiêng không chỉ là bảo tồn và phát triển thêm số lượng cồng chiêng mà còn rất cần bắt đầu từ việc nuôi dưỡng để từ đó thấm sâu vào ý thức người dân, nhất là trong giới trẻ về cái hay, cái đẹp của cồng chiêng trong những hoạt động thường nhật.


Tin nổi bật Tin nổi bật