|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khó khăn bủa vây ngành xây dựng

Thị trường bất động sản ở Bình Ðịnh đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục, nhiều dự án ngưng trệ, chính sách gỡ khó chưa đi vào cuộc sống… Những vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến ngành xây dựng.

Cắt giảm lao động, tăng nợ đọng

Câu đầu tiên sau lời chào hỏi, ông Lê Trương Anh Vũ, Giám đốc Công ty CP Anh Quân Construction nói ngay, ngành xây dựng đang khó khăn đủ điều. Thị trường giao dịch bất động sản giảm quá sâu - chỉ còn khoảng 10% so với trước, cùng với đó cả mảng xây dựng dân dụng cũng giảm tới 90%... Trong bối cảnh đó, việc đầu tiên là phải cắt giảm lao động! 

Thị trường bất động sản “đứng hình” kéo dài thời gian qua, cùng với việc tiếp cận vốn vay ngân hàng không đơn giản, cộng với lãi suất vay vốn không mấy dễ chịu khiến các DN xây dựng khó gồng gánh. Cùng với đó, tính thanh khoản của thị trường quá thấp trong khi lãi suất vay vẫn còn khá cao khiến các chủ đầu tư... đói vốn.

Ông Trần Quang Thùy, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Anh Quân (TP Quy Nhơn) so sánh: Thời điểm dịch bệnh Covid-19 hoành hành, tuy khó khăn nhưng vẫn xoay trở được, nhiều công trình vẫn sắp xếp để làm việc thường xuyên; còn hiện nay khi dòng tiền cho thị trường bất động sản bị đứt gãy, ngành xây dựng lâm vào thế khó chồng lên khó. Phần lớn dự án đầu tư bất động sản phải dừng hẳn việc thi công, giao dịch bất động sản giảm tới hơn 50%, kéo theo nhân viên, người lao động buộc phải giảm tới 80 - 90%, hầu hết chỉ còn duy trì bộ phận nòng cốt.

Hiện các công trình thi công được Anh Quân Construction ký hợp đồng trực tiếp với khách hàng, chứ không ký với chủ đầu tư dự án. Ảnh: M.H

Từ cuối năm 2022, thị trường bất động sản đi xuống, nhiều dự án bị đình trệ dẫn tới hiện tượng các DN ngành này bắt đầu bị giam vốn. Tới quý I/2023, nhiều nhà thầu chính, thầu phụ “ngấm đòn” vì những khoản nợ ngày càng phình to, phải sa thải bớt lao động, thắt chặt chi tiêu, nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. Có những dự án bất động sản hè năm ngoái như một đại công trường với 1.500 - 1.600 công nhân thi công liên tục 3 ca/ngày thì đến nay giảm chỉ còn 1/3 lao động và làm việc cầm chừng. Thậm chí một số nhà thầu xây dựng quy mô lớn chấp nhận đơn hàng không lợi nhuận để duy trì việc làm nhằm giữ chân công nhân.

Là thợ chính, có thâm niên hơn 10 năm trong nghề xây dựng, nhưng từ giữa năm 2022 đến nay, anh Nguyễn Thế Thảo (phường Quang Trung, Quy Nhơn) đành lâm cảnh việc làm bữa có bữa không. Anh cám cảnh: “Chưa có thời điểm nào khó khăn như hiện nay. Hiện công ty của tôi đã cắt giảm tới 90% lao động, mà vẫn chưa biết tới khi nào có thể đi làm trở lại”.

Chưa có con số thống kê chính thức, song từ thực tế “ngủ đông” kéo dài của nhiều dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh và hoạt động của một số DN lớn, ông Bùi Tấn Lực, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Bình Định, cho rằng hơn 60% người lao động ở ngành xây dựng hiện không có việc làm, bất chấp việc một số DN chuyển đổi từ xây dựng dân dụng sang thi công công trình hạ tầng kỹ thuật vốn nhà nước.

Người lao động bị tác động khi ngành xây dựng khó khăn. Ảnh: M.H      

Cấn nợ… những gì có thể

Khó khăn trùng điệp song điều khiến các DN xây dựng còn ngán ngại hơn nữa là chủ đầu tư nợ đọng. Đặc biệt, từ năm 2022, tình trạng nợ đọng càng trở nên nghiêm trọng hơn khi cuộc khủng hoảng xảy ra trên thị trường trái phiếu, làm cho cơn khát vốn của các chủ đầu tư lên cực điểm.

Điều bi hài hơn nữa là trong năm vừa qua, tình cảnh khó khăn đã đẩy các bên trên thị trường xây dựng lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười. Chủ đầu tư của nhiều dự án bất động sản không có tiền thanh toán, đã đem bất động sản gán nợ cho nhà thầu chính. Tới lượt mình, nhà thầu chính lại đem các bất động sản đó gán nợ cho nhà thầu phụ. Thậm chí, nhà thầu chính còn mang cả máy móc, vật tư trong kho ra để gán nợ…

Theo ông N.X.N, giám đốc công ty xây dựng quy mô lớn, có tiếng tại Bình Định, tình trạng các nhà thầu, DN xây dựng trong tỉnh bị nợ đọng kéo dài do chủ đầu tư dự án bất động sản mất khả năng chi trả, hoặc “chây ỳ” trả nợ. Điều này khiến nhiều DN xây dựng rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, nợ ngân hàng, nợ nhà cung cấp vật liệu xây dựng, nợ nhà thầu phụ, nợ lương nhân viên và cả nợ thuế. Nhiều dự án, công trình không có chi phí hoạt động, phải dừng thi công. Có DN đã cho toàn bộ nhân viên nghỉ, chỉ còn 2 người làm việc là giám đốc và kế toán để… đi đòi nợ!

“Thậm chí, có dự án đầu tư công trình vốn 20 tỷ đồng kêu gọi nhà thầu, DN xây dựng, nhưng không ai dám nhận, bởi tâm lý sợ nợ đọng vốn từ chủ đầu tư”, một giám đốc DN đề nghị không nêu tên chia sẻ.

Còn ông Lê Trương Anh Vũ, Giám đốc Công ty CP Anh Quân Construction cho hay, hiện công trình khách sạn và nhà phố, biệt thự được Anh Quân Construction thi công cho các dự án đô thị tại Quy Nhơn đều là làm trực tiếp với từng khách hàng, chứ không ký hợp đồng với chủ đầu tư dự án.

Ông Bùi Tấn Lực cho hay, Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam cũng đã nhiều lần kiến nghị lên Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng để kêu cứu về những khó khăn và bế tắc mà ngành xây dựng đang đối diện, song vẫn chưa có tín hiệu tích cực. Trong bối cảnh chung đó, DN ngành xây dựng của tỉnh cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí “ngắc ngoải” bởi yếu tiềm lực, chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Một số ít DN có tiềm lực đã phải chuyển hướng đầu tư sang các lĩnh vực khác để “nuôi” hoạt động xây dựng.

Cùng với khó khăn đó, hiện DN xây dựng của tỉnh còn vướng nhiều quy định về cấp mỏ đất cho dự án mới; định mức xây dựng, đơn giá vật liệu xây dựng, ca máy, nhân công… chưa phù hợp; bất cập về chính sách BHXH cho người lao động mang tính thời vụ đặc thù của xây dựng… 


Tác giả: M.HOÀNG - H.YẾN
Nguồn:baobinhdinh.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật