A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

KỶ NIỆM 420 NĂM DANH XƯNG QUY NHƠN (1602 - 2022) VÀ 124 NĂM ĐÔ THỊ TỈNH LỴ BÌNH ĐỊNH (20/10/1898 - 20/10/2022)

Trước thế kỷ X, Quy Nhơn là vùng đất của cư dân cổ thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh và Đông Sơn nổi tiếng và sau đó là đất đế đô của Vương quốc Chăm pa. Theo dòng biến đổi của lịch sử, năm 1471, vua Lê Thánh Tông đã cho thành lập phủ Hoài Nhơn. Đến năm 1602, chúa Nguyễn Hoàng đổi tên phủ Hoài Nhơn thành phủ Quy Nhơn, lần đầu tiên trong lịch sử, địa danh Quy Nhơn xuất hiện.

Ngày 20/10/1898, Vua Thành Thái ra Chỉ dụ thành lập thị xã Quy Nhơn, đô thị tỉnh lỵ có hoạt động thương mại với nước ngoài khá sầm uất lúc bây giờ. Ngày 30/4/1930, toàn quyền Đông Dương Pas-ki-ơ đã ra Nghị định nâng cấp thị xã Quy Nhơn lên thành phố cấp 3, là một trong những đô thị ở nước ta thời bấy giờ đạt tiêu chuẩn cả về phương diện hành chính lẫn kinh tế, văn hoá. Ngày 03/9/1945, Quy Nhơn được tổ chức theo quy chế thị xã, lấy tên là thị xã Nguyễn Huệ. Ngày 30/9/1970, Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa ra Sắc lệnh thành lập thị xã Quy Nhơn từ xã Quy Nhơn thuộc quận Tuy Phước và các phần đất phụ cận, hình thành 2 quận là Nhơn Bình và Nhơn Định.

Sau ngày đất nước thống nhất, tháng 02/1976, hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi hợp nhất thành Nghĩa Bình, thị xã Quy Nhơn trở thành tỉnh lỵ tỉnh Nghĩa Bình. Ngày 18/6/1986 Hội đồng Bộ trưởng đã ra quyết định mở rộng và nâng cấp Thị xã lên Thành phố thuộc tỉnh. Ngày 4/7/1998, thành phố Quy Nhơn được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II và được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Bình Định vào ngày 25/01/2010. Trong thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân thành phố đã nêu cao tinh thần yêu nước, anh dũng, kiên cường, giành nhiều chiến công hiển hách, góp phần cùng cả tỉnh nói riêng và cả nước nói chung đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù, thống nhất quê hương, đất nước, cùng các địa phương trong cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Quang cảnh thành phố Quy Nhơn

Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quy Nhơn bằng một ý chí mạnh mẽ, một khát vọng lớn lao, đã nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế, huy động tối đa nguồn lực và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu kinh tế - xã hội của thành phố, vượt qua khó khăn, thách thức và giành được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được triển khai đồng bộ, toàn diện; các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm, đầu tư; đảm bảo quốc phòng, an ninh thành phố. Truyền thống lịch sử vẻ vang, anh hùng cách mạng, những bước trưởng thành và thành tựu phát triển to lớn của Đảng bộ và nhân dân đã đạt được những thành tựu phát triển to lớn. Đến nay, danh xưng Quy Nhơn đã có 420 năm (1602-2022) và 124 năm đô thị tỉnh lỵ Bình Định (20/10/1898 - 20/10/2022); thành phố Quy Nhơn loại I là đô thị trực thuộc tỉnh Bình Định, hiện có 21 đơn vị hành chính, là trung tâm kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội, khoa học kỹ thuật của tỉnh.

Kỷ niệm 420 năm danh xưng Quy Nhơn và 124 năm đô thị tỉnh lỵ Bình Định là dịp để tìm về cội nguồn, khắc ghi, tôn vinh và lan tỏa những giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử cách mạng vẻ vang của đất và người Quy Nhơn anh hùng; tiếp thêm động lực, quyết tâm phấn đấu vươn lên, giành nhiều thắng lợi hơn nữa trong thời gian tới. Phát huy những kết quả đạt được, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thành phố Quy Nhơn tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống văn hóa của Quy Nhơn; khơi dậy lòng tự hào, ý chí, khát vọng vươn lên, tạo động lực tinh thần mạnh mẽ để xây dựng thành phố Quy Nhơn phát triển nhanh, bền vững, ngày càng giàu đẹp.


Tác giả: Ánh Nguyệt - Trung tâm VHTTTT
Nguồn:quynhon.gov.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật