A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỷ niệm 80 năm ngày diễn ra cuộc biểu tình năm 1931 tại Cây số 7 Tài Lương, xã Hoài Thanh Tây (23/7/1931 – 23/7/2011) và đón bằng công nhận di tích Quốc gia

Chiều ngày 22/7/2011 tại di tích địa điểm lưu niệm cuộc biểu tình năm 1931 Cây số 7 Tài Lương, xã Hoài Thanh Tây, Huyện ủy – HĐND – UBND - UBMTTQVN huyện Hoài Nhơn đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 80 năm ngày diễn ra sự kiện lịch sử trọng đại này và đón bằng công nhận Quốc gia.

Đây là niềm vinh dự, tự hào lớn đối với nhân dân Hoài Nhơn. Về dự lễ kỷ niệm có gần 3000 đại biểu là lãnh đạo tỉnh, huyện; các Sở, ngành, các huyện bạn, cán bộ tiền khởi nghĩa; các Mẹ VNAH, AHLLVT; CBCNVC, lãnh đạo 17 xã, thị trấn, lực lượng đoàn viên, thiếu niên và đông đảo nhân dân trong huyện.

Cuộc biểu tình cây số 7 Tài Lương đã đánh dấu mốc lịch sử quan trọng trong cao trào cách mạng 1930 – 1931 của tỉnh Bình Định. Khí thế oai hùng cuộc biểu tình vũ trang được ghi lại trong các câu thơ lưu truyền:

Oai chiến sĩ  đùng đùng như sấm chớp

Trống vang lừng Cự Lễ, Thành Sơn

Cờ phất phới Tài Lương, An Thái

Khí hào hùng vùn vụt tựa phong ba

Từ ngày 22 – 23/7/1931, đoàn biểu tình hơn 3 nghìn người từ các hướng tập trung thành các cánh quân sôi sục tiến về phủ đường Bồng Sơn. Đoàn biểu tình tiến đến đâu đều trấn áp đoàn phu, đốt trụi các điếm canh dọc đường. Khoảng 1h30 sáng ngày 23/7/1931, khi đoàn biểu tình kéo đến Cây số 7 Tài Lương thì bị binh lính địch chặn lại, đơn vị này vừa được điều động từ Quy Nhơn ra để đối phó với cuộc biểu tình. Chỉ huy lực lượng đàn áp này là những tên quan đầu tỉnh gồm công sứ Pháp Pa- Lê, tổng đốc Bình Phú là Ưng Bàn và tên án sát Mai Hữu Lan. Gặp lực lượng địch mạnh, đoàn biểu tình không nao núng, càng siết chặt đội ngũ, kiên quyết tiến lên. Lập tức binh lính địch xông vào đoàn biểu tình giật cờ, băng xả súng và buộc đoàn biểu tình giải tán. Các đồng chí Trịnh Khánh, Nguyễn Hằng, Ngô Lạc, Đoàn Tình, Huỳnh Lịch, Trần Địch đã hy sinh. Đồng chí Nguyễn Hoàng, Nguyễn An đã xông vào vật lộn với địch, giành lại cờ, địch bắn, đồng chí Nguyễn An và nhiều quần chúng khác bị thương.

Trong cuộc biểu tình vũ trang đêm 22 rạng sáng 23/7/1931, 13 Đảng viên và quần chúng đã hy sinh, một Đảng viên bị kết án tử hình, 3 Đảng viên bị kết án tù chung thân, 20 Đảng viên bị lưu đày lên nhà lao Buôn Mê Thuộc, 11 đồng chí bị đày lên ngục Kon Tum, 47 đồng chí bị giam cầm tại nhà lao Bình Định và hàng trăm quần chúng bị giam cầm tại nhà lao Phù Ly. Tại các nhà giam, địch đã tra tấn rất dã man nhằm khai thác hệ thống tổ chức Đảng và các tổ chức quần chúng ở Hoài Nhơn. Noi gương kiên trung của đồng chí Nguyễn Trân nhiều đồng chí bị tra tấn đến chết đi sống lại nhiều lần vẫn không một lời khai báo như các đồng chí Cao Sở, Nguyễn Chi, Nguyễn Hầu … Để tránh tổn thất cho tổ chức Đảng và nhằm cứu cho nhiều đồng chí khác bớt cực hình tra tấn của địch đồng chí Lê Khâm đã dũng cảm đứng ra tự nhận mình là người giết tên Lý trưởng làng Huân Công. Địch kết án tử hình đồng chí Lê Khâm và xử bắn vào ngày 10/12/1931 tại làng Huân Công. Gương hy sinh anh dũng của đồng chí Lê Khâm đã gây một tiếng vang lớn trong lòng quần chúng nhân dân Hoài Nhơn lúc bấy giờ và mãi mãi về sau.

“Cuộc biểu tình năm 1931 tại Cây số 7 Tài Lương của hơn 3 nghìn quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Hoài Nhơn là một sự kiện lịch sử lớn không chỉ riêng của Bình Định mà còn là sự kiện lịch sử lớn của Miền Trung Việt Nam lúc bấy giờ. Cuộc biểu tình tuy bị đàn áp đẫm máu, nhưng đã khẳng định được sự lớn mạnh của tổ chức Đảng cũng như vai trò lãnh đạo của Đảng bộ Hoài Nhơn trong thời kỳ này. Như một mốc son chói lọi, một hồi chuông cảnh tỉnh trong đêm trường tăm tối, thức tỉnh quần chúng cần lao đi theo tiếng gọi của Đảng, chống lại ách đô hộ của thực dân – phong kiến. Cuộc biểu tình cây số 7 Tài Lương là trận đấu tranh của lực lượng quần chúng đầu tiên của huyện do Đảng bộ Hoài Nhơn lãnh đạo đã làm rung chuyển toàn bộ hệ thống cơ cấu chính quyền của thực dân và phong kiến trong huyện; là biểu hiện nghị lực cách mạng phi thường của quần chúng cách mạng đã tạo ra thế và lực cho các cao trào cách mạng sau này” – trích phát biểu của Đ/c Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn tại lễ kỷ niệm.

Trong những ngày tháng 7 vô cùng ý nghĩa, cùng cả dân tộc thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Hoài Nhơn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao sôi nổi, nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa sâu sắc. Nhân dân Hoài Nhơn càng nô nức, tự hào với truyền thống đấu tranh anh hùng của quân và dân trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; khơi dậy ý chí tự lực tự cường, tinh thần yêu nước, yêu quê hương để vượt qua mọi khó khăn khắc phục hậu quả chiến tranh để lại, kiên định niềm tin vào sự nghiệp cách mạng XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng từng bước ổn định và phát triển KT-XH, giữ vững ANQP, nâng cao đời sống vật chất tinh thần, xây dựng quê hương Hoài Nhơn ngày càng giàu đẹp.


Tin nổi bật Tin nổi bật