A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tây Sơn: Phát triển các vùng trồng rau, cây ăn quả gắn với du lịch

Huyện Tây Sơn đang đẩy mạnh khai thác du lịch cộng đồng, tạo hướng đi bền vững và sớm đưa ngành du lịch của huyện nhà phát triển xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Chủ tịch UBND huyện Phan Chí Hùng (bên trái) kiểm tra, khảo sát vườn ổi ruby của bà Lê Thị Mỹ Hạnh, xã Bình Thuận

Có vị trí thuận lợi trong việc giao lưu với các địa phương trong vùng và ngoại tỉnh. Cơ sở hạ tầng hoàn thiện, hệ thống đường bộ có Quốc lộ 19 nối liền Quy Nhơn với Pleiku và khu vực Tây Nguyên. Nơi đây, có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn phong phú và đa dạng có thể khai thác được nhiều loại hình du lịch như: du lịch tìm hiểu lịch sử truyền thống, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch phi vật thể (các lễ hội, võ cổ truyền, trống trận Tây Sơn),…
Để triển khai thực hiện hiệu quả Đề án trồng cây ăn quả gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Lãnh đạo huyện Tây Sơn đã có chuyến đi kiểm tra, khảo sát thực tế các vùng trồng rau, cây ăn quả ở các xã cánh Bắc sông Kôn. Tại làng rau VietGAP Thuận Nghĩa (khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong) tồn tại hàng trăm năm nay, là biểu tượng văn hóa thuần nông của đất võ Tây Sơn. Trong tương lai làng rau VietGAP Thuận Nghĩa sẽ trở thành điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn tại vùng đất Bình Định. Khối Thuận Nghĩa hiện có 470 hộ dân thì có 224 hộ dân tham gia làng rau Thuận Nghĩa với diện tích 36 ha, trong đó có 19,5 ha được công nhận là rau VietGAP với thương hiệu Lá Lành từ năm 2013.
Tại vườn ổi ruby Đài Loan của hộ bà Lê Thị Mỹ Hạnh, xã Bình Thuận với trên 02 hecta, trồng 600 gốc ổi và có xen kẽ trồng mãng cầu. Để cải tạo đất và để quả ổi có chất lượng tốt, bà Lê Thị Mỹ Hạnh sử dụng phân bón hữu cơ đạm cá, chế phẩm EM và Trichoderma. Chỉ sau 6 tháng trồng, cây ổi ruby bắt đầu cho lứa trái bói, đến đợt trái thứ 2 thì quả sai trĩu cành. Ổi ruby to đều, ruột đỏ đẹp mắt, có mùi thơm nhẹ và giòn, rất ít hạt.
Đến với vườn trồng rau ngò gai và rau răm gần 12 hecta tại xã Tây An của anh Nguyễn Văn Hào, chúng tôi nhận thấy, khu vực anh trồng ngò gai là chân đất gò cao, không ngập nước, thích hợp cho cây ngò gai sinh trưởng và phát triển. Để có năng suất cao, chất lượng tốt, tăng ưu thế cạnh tranh trên thị trường, anh Nguyễn Văn Hào đã dùng giống ngò gai Thái Lan. Cả 12 hecta đất trồng ngò gai, anh Hào đều làm giàn lưới che nắng, tưới bằng béc phun sương. Nhờ canh tác đúng kỹ thuật, năng suất vườn ngò gai của anh Nguyễn Văn Hào đạt bình quân 2 tấn/sào. Anh Hào cho biết: Ngày nào tôi cũng có ngò thành phẩm để thu hoạch, có ngày thu vài trăm ký, có ngày được hơn 1 tấn, xuất bán cho khách hàng ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ngãi. Việc đưa cây rau ngò gai trồng ở địa phương đã mở ra hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng rất tốt, tạo việc làm cho người dân.

Chủ tịch UBND huyện Phan Chí Hùng (ngồi bên trái) kiểm tra, khảo sát vườn rau ngò gai tại xã Tây An

Nhìn chung, các chủ vườn, các nông trại trên địa bàn huyện đã đầu tư mua các loại cây giống, con giống mới, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch. Sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch mang lại nhiều lợi ích như tạo sản phẩm du lịch đặc trưng, kéo gần khoảng cách giữa thành thị - nông thôn trong định hướng phát triển ngành kinh tế mũi nhọn. Ở khía cạnh khác, du lịch nông nghiệp giúp người nông dân bảo tồn các phương thức canh tác truyền thống, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, giải quyết đầu ra nông sản,…
Qua khảo sát thực tế các vùng, đồng chí Phan Chí Hùng - Chủ tịch UBND huyện gợi ý, đây có thể chọn là một điểm để phát triển. Đồng thời, chỉ đạo các phòng, ban, ngành liên quan, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy sản xuất. Xây dựng, chuyển giao và nhân rộng mô hình liên kết sản xuất rau, hoa, cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị gia tăng, đặc biệt là các mô hình sản xuất, tiêu thụ rau, hoa, trái cây theo đơn đặt hàng từ nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, huyện cần có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ người sản xuất, nhất là xây dựng nhãn hiệu, từng bước thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tiến tới hình thành các vùng sản xuất tập trung có quy mô lớn gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Du lịch gắn với nông nghiệp là loại hình dịch vụ được tổ chức dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp để phục vụ du khách có nhu cầu giải trí hoặc giáo dục. Du khách sẽ được trải nghiệm các hoạt động như tham quan và tìm hiểu về động thực vật, tự tay thu hoạch trái cây, rau củ. Tour du lịch nông nghiệp còn hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân, đặc biệt vào những thời điểm mùa màng kém hoặc không phải vụ thu hoạch, sự có mặt của du khách sẽ giúp cải thiện thu nhập cho các vườn, nông trại. Làng rau VietGAP Thuận Nghĩa và các vườn cây trái trên địa bàn huyện Tây Sơn phát triển du lịch gắn với nông nghiệp là một điển hình như thế.
Theo ông Phan Chí Hùng - Chủ tịch UBND huyện: Để phát triển ngành nông nghiệp gắn du lịch trải nghiệm thành ngành kinh tế trọng tâm của huyện, Tây Sơn cần tăng cường công tác tuyên truyền, gắn phát triển du lịch với bảo vệ môi trường theo hướng bền vững, người dân phải được hưởng lợi từ du lịch. Trước mắt, huyện chủ động nguồn ngân sách đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ du lịch; kiến nghị, đề xuất lên UBND tỉnh những vấn đề liên quan về phát triển du lịch của huyện phù hợp với quy hoạch phát triển du lịch chung của toàn tỉnh.  
Có thể thấy, nhìn rộng hơn, mô hình nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Ngoài định hướng đúng đắn từ cơ quan chức năng, đó cũng là nơi người nông dân biết tận dụng lợi thế nông nghiệp, cảnh quan môi trường, văn hóa truyền thống để thu hút khách du lịch, tạo việc làm, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, nông thôn theo hướng lâu dài, bền vững.


Tác giả: Văn Phong
Nguồn:tayson.binhdinh.gov.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật