Phù Cát: Bảo tồn, phát triển cây thuốc nam
Huyện Phù Cát là một trong những địa phương phát triển mạnh về y, dược cổ truyền của cả nước. Ở tuyến huyện, Trung tâm Y tế đã có khoa Y học cổ truyền bình quân mỗi ngày có 40-50 bệnh nhân đến khám và điều trị; công suất sử dụng giường bệnh luôn vượt hơn 50%. Ở tuyến xã, mạng lưới khám chữa bệnh y, dược cổ truyền của huyện Phù Cát đã được phủ kín 18/18 trạm y tế xã, thị trấn.
Bác sĩ Võ Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phù Cát cho rằng, Phù Cát còn có lợi thế lực lượng lương y đông đảo, thổ nhưỡng thích hợp với nhiều loại cây ăn quả và cây thuốc. Những năm trước đây, người dân đã có truyền thống trồng và sử dụng cây thuốc nam chữa bệnh nhưng còn khá đơn lẻ, thường là qua mách miệng cho nhau chứ không hiểu hết tác dụng của mỗi cây thuốc. “Thuốc tại nhà, thầy tại chỗ” là phương châm của chương trình.
Sau 2 năm xây dựng huyện điểm tiên tiến y học cổ truyền, huyện Phù Cát đã có 11/18 xã đạt tiêu chuẩn xã tiên tiến y học cổ truyền. Trong năm 2011, huyện tiếp tục xây dựng mô hình này tại 4 xã: Cát Thành, Cát Tài, Cát Hanh và Cát Trinh. Mục tiêu cụ thể là có 30% số hộ gia đình trong xã có ô thuốc nam trong vườn nhà và biết cách sử dụng chữa các bệnh thông thường do Bộ Y tế quy định; 30% số hộ gia đình biết tác dụng của từng vị thuốc đã trồng và sử dụng khi cần thiết; 30% số hộ gia đình biết cách xoa bóp day ấn huyệt để điều trị các bệnh lý thường gặp.
Bây giờ, đi nhiều nơi của huyện Phù Cát, hầu như nhà nào cũng có vườn rau kèm thuốc nam. Mỗi vườn có khoảng vài chục cây vừa làm rau, gia vị chế biến thức ăn, vừa làm cây thuốc. Hễ có thành viên nào trong nhà bị đau là ra vườn hái vài thứ lá sơ chế hoặc sử dụng trực tiếp tùy theo từng bệnh. Không tốn kém hay khó tìm, ngay trong vườn rau, cây cảnh với vài cây hồng ngọc, chó đẻ, ngải cứu, đinh lăng, lá lốt… là thành một vườn thuốc nam hữu hiệu.
Bác sĩ Võ Ngọc Phải, Trưởng khoa Y học cổ truyền, Trung tâm y tế huyện Phù Cát, cho biết: “Chúng tôi thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, nâng cao kiến thức về thuốc nam. Tại Trung tâm y tế huyện, các loại bệnh có thể chữa được bằng thuốc nam thì chúng tôi khuyến khích người dân sử dụng. Qua một thời gian, chúng tôi nhận thấy, việc sử dụng thuốc nam song song với kết hợp Tây y giúp người dân như trở về với thói quen sử dụng thuốc cây cỏ khi xưa nhưng có hiệu quả cao hơn”.
Tại trạm y tế, các bác sĩ cũng như y sĩ đông y đã tổ chức phổ biến kiến thức, khuyến khích người dân sử dụng thuốc nam trong những trường hợp cần thiết. Đến năm 2010, tỉ lệ bệnh nhân sử dụng thuốc nam ở các trạm y tế trong huyện khá cao, tỉ lệ khám chữa bệnh y học cổ truyền đạt trên 20% so với tổng lượt bệnh nhân. Ông Nguyễn Thế Tài, 62 tuổi, ở xã Cát Trinh, nói: “Tôi mắc bệnh cao huyết áp đã nhiều năm rồi, đi khám bác sĩ bảo nên dùng thuốc nam để chữa. Ban đầu, tôi cũng không chịu và muốn sử dụng thuốc tây thôi, nhưng uống mãi cũng không khỏi. Bây giờ, trong vườn nhà tôi lúc nào cũng sẵn dâu tằm, mã đề… nấu canh ăn thường xuyên”.
Y sĩ Nguyễn Đình Tiến, Trưởng trạm y tế xã Cát Trinh, tâm sự: “Cái khó của việc đưa vườn thuốc nam vào nhà dân là người dân phải hiểu, tự nguyện đưa cây thuốc vào trồng trong vườn nhà và sử dụng nó khi cần thiết. Ngoài cách tuyên truyền cho cộng đồng, ngay tại trạm y tế chúng tôi sử dụng thuốc nam để chữa nhiều loại bệnh, đặc biệt là các bệnh mạn tính. Nhờ đó, bà con tin tưởng và sử dụng thuốc nam ngày càng nhiều”.
Mô hình đưa vườn thuốc nam vào nhà dân ở huyện Phù Cát đang phát huy hiệu quả thiết thực trong việc chữa bệnh cho người dân, đặc biệt là các bệnh mạn tính. Điều này không chỉ giúp người dân bớt tốn kém tiền bạc, hữu ích trong sơ cấp cứu với những địa bàn xa cơ sở y tế mà còn là việc làm cần thiết để bảo vệ và phát triển nguồn cây thuốc quý của dân tộc.