|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phù Cát: Triển khai phòng tránh lụt bão năm 2011

Triển khai công tác phòng tránh lụt bão - tìm kiếm cứu nạn và giảm nhẹ thiên tai năm 2011, huyện Phù Cát đã kiện toàn Ban chỉ huy Phòng tránh lụt bão huyện, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên đứng chân địa bàn phối hợp với địa phương thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ”.

Với địa hình khá phức tạp, mỗi khi mùa mưa bão đến, trên địa bàn Phù Cát vừa có lũ quét gây sạt lở núi, vừa có triều cường đột ngột, vừa có cả lũ ống của hai nhánh sông Côn và sông La Tinh; thường xuyên uy hiếp tính mạng và tài sản của nhân dân. Vì vậy, Ban chỉ huy Phòng tránh lụt bão huyện xác định: Việc di dời dân ở những vùng thường bị sạt lở núi, triều cường và nước lũ uy hiếp được đặt lên hàng đầu.

Toàn huyện có 936 hộ với 6.282 nhân khẩu ở các xã: Cát Khánh, Cát Hải, Cát Thành, Cát Chánh, Cát Hưng, Cát Nhơn, Cát Thắng, Cát Tài, Cát Minh, Cát Tiến… nằm trong vùng nguy hiểm trong mùa mưa lũ, cần được di dời, sơ tán lên vùng an toàn, trước khi lụt bão ập đến. Các địa phương sẵn sàng huy động lực lượng dân quân, thanh niên xung kích giúp dân sơ tán; tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men cho nhân dân vùng lũ. Với 5 xã ven biển: Cát Khánh, Cát Thành, Cát Hải, Cát Tiến và Cát Chánh, mỗi xã huy động 3-5 tàu thuyền để sẵn sàng ứng cứu nhân dân, phòng khi triều cường đột ngột.

Với các xã miền núi, phải đề phòng lũ quét, sạt lở núi. Trong đó, xã miền núi Cát Sơn đã chú trọng những vùng xung yếu để bố trí phương tiện ở từng khu vực cụ thể; đồng thời, lập các đội thanh niên xung kích ứng cứu ở từng thôn, xóm; tập trung ở những vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, nhất là những hộ dân ở vùng hạ lưu của 2 hồ chứa nước Hội Sơn, Thạch Bàn và vùng đồng bào dân tộc Ba Na ở làng Sơn Lãnh. Xã cũng đã xây dựng kế hoạch di chuyển 115 hộ dân ở dưới chân 2 hồ chứa nước vào phía trong núi và tránh qua phía Nam tỉnh lộ 634…

Để đảm bảo an toàn tính mạng, phương tiện cho nhân dân khi qua lại các đoạn đường nước ngập sâu chảy xiết, huyện đã yêu cầu các chủ đò, chủ thuyền làm bản cam kết khi đưa người qua lại các đoạn đường này tất cả mọi người phải mặc áo phao; khi nước chảy quá xiết thì không được chèo đò. Tại các điểm này, các địa phương còn bố trí công an và dân quân canh gác, theo dõi, kiểm tra và cứu hộ khi có sự cố.

Trên địa bàn huyện còn có 24 hồ chứa nước và 7 đập dâng lớn; trong đó, hiện có 8 công trình đã bị xuống cấp nghiêm trọng, rất dễ xảy ra sự cố khi mưa bão lớn. Để giảm thiểu thiệt hại do lụt bão gây ra, Ban chỉ huy Phòng tránh lụt bão huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương có kế hoạch bảo vệ tốt các công trình thủy lợi; tăng cường kiểm tra, xử lý các tổ mối, gia cố sửa chữa những chỗ bị nước rò rỉ, thấm lậu ở thân đê và chống sạt lở đê….

Ban chỉ huy Phòng tránh lụt bão huyện cũng chỉ đạo các ngành, các địa phương khẩn trương xây dựng phương án và có kế hoạch di dời, bảo vệ nhân dân ở vùng ngập sâu, vùng bãi sông, ven biển và các vùng bị sạt lở nguy hiểm. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, lực lượng để kịp thời gia cố các hồ, đập, đê sông… khi xảy ra sự cố; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đang xây dựng dở dang, đảm bảo vượt lũ an toàn trước ngày 30.8.

Các công trình thủy lợi ở Phù Cát bị xuống cấp, thiếu an toàn trong mùa mưa bão là: Hồ chứa nước Cửa Khâu (xã Cát Tường), hồ Thạch Bàn (xã Cát Sơn), Hóc Cau (Cát Hanh), Phú Dõng (Cát Khánh), Chánh Hùng (Cát Thành), hồ Hóc Sanh, hồ A Tân Lệ (Cát Tân) và đập dâng Đức Phổ (xã Cát Minh).


Tin nổi bật Tin nổi bật