A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vân Canh: Kinh tế nông, lâm nghiệp ổn định và phát triển

Theo đánh giá tại kỳ họp Ban chấp hành Đảng bộ huyện Vân Canh vừa được tổ chức, kinh tế 6 tháng đầu năm 2011 trên địa bàn huyện tăng khá, đời sống nhân dân cơ bản ổn định. Đó là nhờ huyện làm tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ; sử dụng có hiệu quả các công trình thủy lợi cung cấp nước tưới cho cây trồng; chủ động phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi...

Hai vụ sản xuất Đông Xuân và Hè Thu vừa qua, huyện Vân Canh đều giành thắng lợi, năng suất, sản lượng cây trồng đều tăng khá. Bước đột phá là sản xuất lúa lai đạt 352 ha, nhân rộng đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cao nhất từ trước đến nay, chiếm 29% tổng diện tích lúa Đông Xuân và Hè Thu. Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh, năng suất lúa bình quân của huyện nâng lên 46,8 tạ/ha/vụ, tăng 2,8 tạ/ha/vụ so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời với việc được mùa, giá nông sản: mía, mì, dưa hấu… tăng cao đã kích thích phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi ở các địa phương.

Hiện nay, cây trồng có diện tích nhiều nhất trên địa bàn huyện là mì với 2.024 ha, được chăm sóc tốt, hứa hẹn một mùa bội thu. Những năm trước, diện tích mía có giảm, nhưng năm nay nông dân đăng ký với Công ty cổ phần Đường Bình Định nhận hỗ trợ trồng mới và chăm sóc mía giống mới theo mô hình mới nên đã trồng được 125 ha, nâng tổng diện tích mía lên 305 ha, tăng 5 ha so với kế hoạch. Nông dân còn tích cực chuyển đổi trồng đậu phụng, mè, đậu xanh, bắp lai, rau dưa các loại, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho hộ gia đình.

Phong trào cải tạo vườn kém hiệu quả thành vườn kinh tế tiếp tục được nhân rộng. Điều đáng ghi nhận là các loại nông sản xen canh ở vườn đồi được giá nên thu hút nông dân đầu tư. Đến nay, toàn huyện có gần 1.000 ha vườn đồi xen canh, không chỉ ở Canh Vinh, Canh Hiển mà đã nhân rộng ở các xã: Canh Hiệp, Canh Thuận, Canh Hòa và thị trấn Vân Canh. Trong chăn nuôi, đàn gia súc, gia cầm đều tăng; nhiều mô hình mới được ứng dụng đem lại giá trị kinh tế khá như nuôi bò lai, heo rừng lai, heo hướng nạc, dê lai, gà thả vườn… Đặc biệt, ở xã vùng cao Canh Liên, đồng bào đã thay đổi nhận thức trong chăn nuôi, thấy được hiệu quả của chăn nuôi nên đang nhân rộng mô hình nuôi bò lai, heo rừng lai ở các bản làng.

Về kinh tế lâm nghiệp, vừa qua, đã có hơn 1.500 ha rừng nguyên liệu giấy trên địa bàn được thu hoạch, lợi nhuận 50-80 triệu đồng/ha. Nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số về sản xuất vườn rừng có chuyển biến rõ nét. Thấy được lợi ích của việc trồng rừng, giờ đây, đồng bào chỉ chuyển nhượng, bán cây nguyên liệu giấy chứ không chuyển nhượng đất như trước đây, với mục đích là giữ lại đất đai để sản xuất, đem lại lợi nhuận về sau.

Các vườn ươm cây giống lâm nghiệp cũng đang rộ lên trong mùa vụ với số lượng cây giống gieo ươm đều vượt so với kế hoạch dự kiến. Riêng việc chuẩn bị trồng rừng WB3 trong năm nay, theo quy hoạch ban đầu, diện tích 370 ha, với 187 hộ đăng ký tham gia; đến nay, con số này đã tăng lên với hơn 300 hộ dân đăng ký trồng rừng, tổng diện tích lên tới 900 ha. Nguyên nhân là do người dân Vân Canh thấy được lợi ích của việc trồng rừng theo dự án; mặt khác, giá gỗ nguyên liệu giấy năm nay tăng cao, nhiều diện tích rừng trồng đã được thu hoạch, giải phóng đất để trồng lại rừng chu kỳ tiếp theo.


Tin nổi bật Tin nổi bật