A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phù Cát: Phát triển nông nghiệp bền vững

(binhdinh.gov.vn)-Trong 3 năm qua (2011-2013), huyện Phù Cát đã chú trọng đầu tư có chiều sâu về “Nông nghiệp, nông thôn, nông dân”, phát triển ổn định và khá toàn diện; nông nghiệp và kinh tế nông thôn đang có những chuyển biến tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Cánh đồng mẫu lớn ở Phù Cát.


Đây là nhân tố quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực nói riêng và an sinh xã hội của huyện nói chung. Nhờ vậy, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân, nhất là vùng nông thôn không ngừng được nâng cao. Công tác xóa đói giảm nghèo được thường xuyên quan tâm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm 2%. Việc áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi được nông dân tích cực hưởng ứng. Đến nay có gần 100% diện tích gieo trồng đã được áp dụng cơ giới hóa ở khâu thu hoạch và khâu làm đất.

Trong 3 năm qua, huyện đã tập trung rà soát và điều chỉnh để nâng cao chất lượng các loại quy hoạch về phát triển sản xuất nông nghiệp, bao gồm quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2015; quy hoạch sản xuất nông, lâm, thủy sản; quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020, quy hoạch hệ thống thủy lợi gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, đã thực hiện nhiều biện pháp tăng năng lực tưới tiêu chủ động; phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; thực hiện thâm canh, chuyên canh, nâng cao giá trị và hiệu quả trên một đơn vị diện tích. Đã có nhiều giống cây trồng mới được ngành nông nghiệp đưa vào khảo nghiệm, như các loại giống lúa, bắp, đậu phụng mới có năng suất cao, thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết. Các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp, biện pháp canh tác mới đã được áp dụng rộng khắp và mang lại hiệu quả thiết thực. Bên cạnh đó đã đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp; tính đến nay, mức độ cơ giới hóa trong khâu làm đất, diện tích thu hoạch bằng máy khoảng 99%. 

 

Một kết quả rất đáng ghi nhận nữa là trong 3 năm qua, sản lượng nhiều loại sản phẩm nông - lâm - ngư nghiệp đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra; Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011- 2013 là 13%. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển biến, tỷ trọng nông - lâm - thủy sản chiếm 35,3%; CN-TTCN-TM-DV 64,7%. Ước tính năm 2013, thu nhập đầu người 24,2 triệu đồng/người, tăng 8,3 triệu đồng so năm 2010, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo 11,76%/năm. Huyện xây dựng 10 cánh đồng mẫu lớn với diện tích 463 ha ở 10 xã, các cánh đồng mẫu lớn đã đem lại lợi nhuận cao hơn 1,4 lần so ruộng đối chứng. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, với sản lượng lương thực đạt 89.560 tấn, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đạt 104,4 triệu đồng/ha. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư xây dựng, 100% số thôn có điện lưới, 100% số hộ sử dụng điện, gần 86% số hộ sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh.

 

Ngành chăn nuôi phát triển theo hướng tập trung, thâm canh bán công nghiệp và công nghiệp gắn với đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Cơ cấu giá trị sản phẩm ngành chăn nuôi trong tổng giá trị ngành nông nghiệp tăng từ 34,3% năm 2010 lên 38,3% năm 2013 và có khả năng đạt mục tiêu nghị quyết đề ra năm 2015 (chiếm 25-30%). 

 

Ngành thủy sản phát triển cả về nuôi trồng và đánh bắt; tổng số tàu thuyền toàn huyện là 1.200 chiếc, với công suất trên 90.000 CV; diện tích nuôi trồng thủy sản đạt  635ha, tăng 64 ha so với năm 2010, trong đó diện tích nuôi tôm sú ổn định 70 ha, năng suất bình quân đạt 3,3 tấn/ha/vụ. Các nguồn lợi thủy sản từng bước được quản lý chặt chẽ và khai thác có hiệu quả hơn. 

 

Công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ và kinh doanh nghề rừng phát triển khá; tỉ lệ độ che phủ rừng từ 31,2% năm 2010 tăng lên 34% năm 2013. Phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới có sự chuyển biến, nhất là phong trào nhân dân hiến đất mở đường giao thông nông thôn. Để tiếp tục thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp toàn diện, bền vững, cần tích cực đầu tư có chiều sâu gắn với giải quyết các vấn đề nông dân, nông thôn; theo Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. 

 

Về xây dựng nông thôn mới, đến nay có 100% số xã triển khai chương trình và đã có 2 xã đạt 13/19 tiêu chí là xã Cát Trinh và xã Cát Khánh; xã Cát Hanh đạt 12/19 tiêu chí; các xã còn lại đạt từ 7 đến 11 tiêu chí. Huyện Phù cát đã đầu tư trên 148 tỷ đồng xây dựng 102 công trình phúc lợi xã hội. Thực hiện chương trình bê tông giao thông nông thôn, nhà nước hỗ trợ xi măng, huy động nhân dân đóng góp cùng làm và lồng ghép với các chương trình, dự án đã thi công hoàn thành 35km đường bê tông và khoảng 50km đường cấp phối ở nông thôn; trong đó nhà nước hỗ trợ xi măng 21km với giá trị 4,5 tỷ đồng, huy động nhân dân đóng góp hơn 4,1 tỷ đồng. Các tuyến đường liên xã- liên thôn được bê tông và cấp phối.

 

Trước mắt, tập trung thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; rà soát, đẩy nhanh tiến độ sửa chữa và gia cố các công trình thuỷ lợi để sớm đưa vào phục vụ sản xuất. Tăng cường bảo vệ cây trồng, vật nuôi, thực hiện có hiệu quả phòng, chống cháy rừng. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; lồng ghép, tập trung các nguồn lực vừa cho các xã điểm vừa cho diện rộng, đảm bảo các xã đạt tiêu chí như kế hoạch đề ra. Mặt khác, chủ động thực hiện tốt công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai.  Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người nông dân phát huy vai trò chủ lực trong phát triển nông nghiệp, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện./.

 

THẾ HÀ

 

 


Tin nổi bật Tin nổi bật