A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phù Mỹ: Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển

Qua 2 năm rưỡi triển khai thực hiện phát triển kinh tế biển giai đoạn 2011-2015 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ huyện Phù Mỹ, kinh tế biển trên địa bàn huyện phát triển khá, giá trị sản xuất ngành thủy sản tăng bình quân hàng năm 6,84%; chiếm 37% trong cơ cấu ngành nông-lâm-thủy sản.

Thu hoạch tôm nuôi ở Phù Mỹ.


Hiệu quả tích cực

Huyện Phù Mỹ đã xác định khai thác xa bờ là mũi nhọn kinh tế biển của huyện. Đến nay, toàn huyện có trên 1.238 tàu cá, tổng công suất 153.814 CV, hầu hết có công suất trên 90 CV/chiếc, nhiều tàu từ 400 CV trở lên, tăng cao so với năm 2010. Đội tàu cá của ngư dân Phù Mỹ đều có đầy đủ trang thiết bị, ngư lưới cụ, thông tin liên lạc hiện đại, đáp ứng nhu cầu đánh bắt khơi xa, bám biển dài ngày, khai thác quanh năm. Nhờ đó, đã nâng cao sản lượng khai thác năm 2012 lên 52.587 tấn, tăng 11.042 tấn so với năm 2010. Riêng 7 tháng đầu năm 2013 ước khai thác 27.158 tấn, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước.

Toàn huyện có trên 100 ha nuôi tôm trên cát và hơn 350 ha nuôi tôm thấp triều. Mặc dù gặp không ít bất lợi về thời tiết, môi trường, dịch bệnh tôm..., nhưng nhờ sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, cùng với sự nỗ lực của nông, ngư dân, cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng được đầu tư, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi tôm, nhờ đó, sản lượng tôm nuôi đạt gần 3.000 tấn/năm, là thế mạnh số 2 về kinh tế biển ở Phù Mỹ.

Ngoài ra, ngành chế biến, xuất khẩu thủy sản cũng được huyện coi trọng, nhất là tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương như: tôm, cua, nước mắm, nhất là cá cơm săng xuất khẩu với nguồn lợi lớn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động phát triển kinh tế biển ở Phù Mỹ vẫn còn thiếu bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của huyện. Hệ thống cảng cá, bến cá và khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão chưa được quy hoạch và đầu tư; cơ sở hạ tầng phục vụ nghề cá và hậu cần nghề cá chưa đáp ứng kịp thời cho sản xuất.

Nâng cấp hạ tầng, đầu tư phát triển kinh tế biển

Ông Huỳnh Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cho biết: Trong thời gian tới, huyện sẽ khẩn trương hoàn thành việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể ngành thủy sản. Trước mắt, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nuôi tôm trên dải cát ven biển; xây dựng bến cá Tân Phụng- Mỹ Thọ; quy hoạch, đầu tư xây dựng cảng cá Đề Gi (thôn Vĩnh Lợi 1, Hưng Tân - Mỹ Thành)... Huyện cũng sẽ tranh thủ các dự án hỗ trợ trong và ngoài nước về thủy sản để đầu tư, xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh ở Mỹ Chánh.

Cũng theo ông Huỳnh Văn Nam, huyện Phù Mỹ sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân khai thác, nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững nhằm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại đầm Trà Ổ và đầm Đề Gi. Vận động bà con ngư dân cải hoán, nâng cấp, đóng mới tàu thuyền có công suất lớn để vươn khơi khai thác xa bờ có hiệu quả hơn. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ. Phát triển kinh tế biển kết hợp chặt chẽ với các vấn đề xã hội, du lịch biển, giao thông vận tải biển, gắn với phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ môi trường, an ninh tuyến biển.

 

Theo baobinhdinh.com.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật