Sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa nước bị xuống cấp: Ðảm bảo cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt
Trước hiện trạng nhiều hồ chứa nước bị xuống cấp, tỉnh đã và đang tranh thủ nhiều nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp, nhằm đảm bảo khả năng tích nước, cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt cho người dân.
Hồ chứa nước Cây Thích ở xã Phước Thành (Tuy Phước) được xây dựng vào năm 1983 và sửa chữa năm 2001, cấp nước tưới cho gần 79 ha. Tuy nhiên, đến nay, công trình đã xuống cấp nặng, không đảm bảo khả năng cấp nước, đặc biệt là vào vụ Hè Thu. Đáng quan ngại, đã xuất hiện tình trạng rò rỉ nước ra mái hạ lưu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Trước tình hình này, UBND tỉnh đã đánh giá và đưa công trình vào danh mục sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp giai đoạn 2021 – 2025.
Công nhân và phương tiện của Công ty TNHH Xây dựng Tấn Thành đang tất bật đắp bù đất hạ lưu thân đập hồ chứa nước Cây Thích, ở xã Phước Thành (huyện Tuy Phước). Ảnh: TRỌNG LỢI
Đầu năm 2024, sau khi hoàn thiện các thủ tục hồ sơ liên quan, hồ chứa nước Cây Thích bắt đầu được sửa chữa, nâng cấp. Ông Ngô Đức Phượng, kỹ sư kỹ thuật thi công Công ty TNHH Xây dựng Tấn Thành (nhà thầu thi công công trình) cho hay: “Hồ chứa nước Cây Thích được sửa chữa, nâng cấp đập đất, tràn xả lũ, xây mới nhà quản lý và nâng cấp đường thi công kết hợp quản lý, với kinh phí hơn 10 tỷ đồng”.
Chiều 3.4 có mặt tại công trình, phóng viên ghi nhận, nhà thầu đang cho công nhân và máy móc thi công đang đắp bù đất gia cố hạ lưu thân đập, đồng thời cho đổ bê tông cốt thép thi công tràn xả lũ. Về tiến độ thực hiện, ông Phương chia sẻ, đến ngày 3.4, đã đắp khoảng 23.000 m3/50.000 m3 đất; đồng thời đã đổ 900 m3/1.500 m3 bê tông cốt thép mặt tràn. Theo kế hoạch, đến ngày 1.8 năm nay, công trình đảm bảo vượt lũ an toàn.
Bày tỏ vui mừng khi chứng kiến hồ chứa nước Cây Thích được sửa chữa, nâng cấp, ông Nguyễn Thành Đạt, Chủ tịch UBND xã Phước Thành, thổ lộ: “Theo công năng thì hồ cung cấp nước tưới cho gần 79 ha đất sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nhiều năm qua, công trình xuống cấp nghiêm trọng, nên chỉ đảm bảo cấp nước cho khoảng một nửa số đó. Nhiều diện tích đất lúa phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, do không đảm bảo nước tưới. Điều này sẽ được giải quyết khi công trình được sửa chữa, nâng cấp hoàn thiện vào cuối năm nay”.
Tương tự, hồ chứa nước Chánh Hùng, ở xã Cát Thành (Phù Cát) cũng đang xuống cấp, không đảm bảo cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Do đó, tỉnh cũng quyết định đầu tư kinh phí để sửa chữa, nâng cấp đập đất, tràn xả lũ, đường thi công kết hợp quản lý, xây mới nhà quản lý. Hiện nay, đơn vị thi công cũng đang huy động nhân công, máy móc thi công công trình. Ông Hồ Nguyên Sĩ, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án NN&PTNT tỉnh, nói: Theo phương án thi công đã được phê duyệt, công trình sẽ được đắp đất mái thượng lưu kết hợp chống thấm, nâng đỉnh đập lên cao trình 27,4 m, gia cố mặt đập bằng đất cấp phối và bê tông. Xây dựng ngưỡng tràn mới kiểu tràn cửa van kết hợp khoang tự do, khoang cửa van bao gồm 3 khoang, với bề rộng 15 m.
Ông Phạm Hồng Châu, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Hồng Châu – đơn vị thi công công trình hồ chứa nước Chánh Hùng thông tin thêm: Đơn vị bắt đầu thi công công trình từ đầu tháng 3, hiện nay, có 30 công nhân, cùng nhiều phương tiện thi công hạng mục đổ bê tông cốt thép mặt tràn; bóc phong hóa mặt đập thượng lưu, sau đó đắp bù đất, xử lý chống thấm. Phấn đấu đảm bảo cho công trình vượt lũ trước ngày 30.9 năm nay và hoàn thành công trình vào cuối năm 2024.
Theo ông Mai Văn Bé, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Thành, sau khi hồ chứa nước Chánh Hùng hoàn thành việc sửa chữa, nâng cấp sẽ đảm bảo nước tưới cho khoảng 700 ha đất nông nghiệp/năm, tăng gấp đôi so với hiện tại (khoảng 310 ha/năm).
Ngoài 2 hồ chứa nước Cây Thích và Chánh Hùng được sửa chữa, nâng cấp, theo Ban Quản lý dự án NN&PTNT tỉnh, trong năm 2024, còn có 10 công trình khác được sửa chữa, nâng cấp trong giai đoạn 2021 – 2025, gồm các hồ: Hải Nam, Hóc Thánh (huyện Tây Sơn), Suối Cầu (huyện Vân Canh), Đá Bàn, Giàn Tranh, Nhà Hố (huyện Phù Mỹ), Cây Điều, Hóc Hảo, Đồng Quang (huyện Hoài Ân), Đá Vàng (huyện Tuy Phước); với tổng nguồn vốn là 180 tỷ đồng; do Ban quản lý dự án NN&PTNT Bình Định làm chủ đầu tư.
“Mục tiêu đặt ra đối với các công trình này là để đảm bảo an toàn hồ chứa, cải thiện các công năng thiết kế và điều kiện vận hành của đập. Đồng thời, giảm thiểu nguy cơ vỡ đập, bảo vệ người và tài sản ở hạ lưu công trình; đảm bảo cấp nước tưới ổn định lâu dài cho đất sản xuất nông nghiệp”, ông Hồ Nguyên Sĩ cho biết thêm.