A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tây Sơn: Quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản từng bước đi vào nề nếp

(binhdinh.gov.vn)-Tây Sơn là huyện có trữ lượng tài nguyên khoáng sản phong phú như: Quặng sắt ở Tây An, quặng Vàng và Chì ở Tây Thuận, mỏ đá tảng lăn, cát, sỏi, đất cấp phối và đất sét có tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện.

Ảnh minh họa.


Theo Quyết định 688 của UBND tỉnh Ngày 15.10.2007 đã phê duyệt các điểm khai thác cát lòng sông trên địa bàn tỉnh thì trên địa bàn huyện Tây Sơn có 15 điểm mỏ được quy hoạch nằm dọc bãi bồi sông Kôn.


Trên cơ sở qui hoạch và được UBND tỉnh cấp phép, hiện nay trên địa bàn huyện Tây Sơn có 3 đơn vị khai thác đá, 4 đơn vị khai thác cát và 1 đơn vị khai thác đất san lấp công trình. Trong đó có 3 đơn vị khai thác đá tảng lăn gồm; Công ty cổ phần khoáng sản An Trường Phát khai thác đá tảng lăn tại khu vực núi An Trường, xã Bình Nghi với diện tích là 323.400m2, trữ lưỡng khai thác theo giấy phép là 10.000m3/năm; Cty TNHH Tân Việt Đức khai thác đá tảng lăn tại khu vực núi An Trường, xã Bình Nghi với diện tích là 52.557m2, trữ lượng khai thác theo giấy phép là 2.980 m3/năm; Cty TNHH Sông Kôn Granite khai thác đá tảng lăn tại khu vực núi Trái Tim, xã Tây Thuận với diện tích 84.000m2, trữ lượng khai thác theo giấy phép là 10.000m3/năm.


Về khai thác cát xây dựng; Công ty Hiếu Ngọc khai thác cát tại bãi bồi sông Kôn thuộc Thị trấn Phú Phong với diện tích 50.000m2; Chi nhánh Công ty TNHH Gia Yên, Bình Định khai thác cát tại bãi bồi sông Kôn, thuộc xã Bình Tương với diện tích 15.000m2; Công ty TNHH Quốc Đạt khai thác cát bãi bồi sông Kôn thuộc xã Tây Giang với diện tích 30.000m2; Doanh Nghiệp tư nhân Ba Đàm khai thác cát tại bãi bồi sông Kôn thuộc thị trấn Phú Phong với diện tích 50.000m2; hộ kinh doanh Võ Tài khai thác cát tại bãi bồi sông Kôn, thuộc xã Bình Nghi với diện tích 10.000m2,. Đối với khai thác đất san lấp công trình (đất cấp phối) hiện có Công ty 47 khai thác đất lấp công trình tại Gò Hầm, thôn Phú Lạc xã Bình Thành với diện tích 52.000m2 để phục vụ thi công hệ thống đập dâng Văn Phong, khối lượng khai thác theo giấy phép là 118.000m3.


Trong thời gian qua, tình hình khai thác sử dụng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện đã từng bước đi vào nề nếp và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra liên ngành và đã tiến hành kiểm tra lập biên bản vi phạm hành chính đối với nhiều trường hợp vi phạm, trong đó có 3 trường hợp khai thác cát xây dựng trái phép trên địa bàn xã Bình Hòa và tham mưu UBND huyện ra Quyết định  xử phạt với tổng số tiền 30.000.000đ; Phòng Tài nguyên Môi trường huyện phối hợp với các ngành chức năng của huyện và UBND xã Bình Nghi tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính đối với 3 trường hợp khai thác đất san lấp trái phép trên địa bàn xã Bình Nghi và tham mưu UBND huyện ra Quyết định xử phạt với tổng số tiền 45 triệu đồng. Đề nghị chi nhánh Công ty TNHH Gia Yên, Bình Định nộp khoản kinh phí đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng đối với khối lượng cát xây dựng khai thác vượt giấy phép với số tiền hơn 20 triệu đồng. Phòng TNMT phối hợp với Phòng Tài chính huyện xác định mức thu tiền đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng đối với hoạt động khai thác đá của Công ty cổ phần khoáng sản An Trường Phát và Công ty  TNHH Sông Côn Granite để truy thu theo đúng qui định…


Tuy tình hình khai thác sử dụng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện đã từng bước đi vào nề nếp và thực hiện đúng theo qui định của pháp luật, nhưng công tác Quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện Tây Sơn cũng còn nhiều khó khăn, bất cập. Ông Nguyễn Văn Hậu, Trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường huyện cho biết: Đối với công tác qui hoạch tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện chưa được khảo sát thăm dò, chưa được qui hoạch và phê duyệt qui hoạch một cách đồng bộ; công tác quản lý tài nguyên khoáng sản ở các xã, thị trấn còn nhiều hạn chế dẫn đến tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi, nhất là khai thác cát xây dựng, đất san lấp công trình và đất sét, làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và sản xuất nông nghiệp; cán bộ quản lý cấp xã còn thiếu và yếu, chưa đảm bảo yêu cầu và chủ yếu là kiêm nhiệm nên việc quản lý chưa được chặt chẽ; những điểm mỏ được tỉnh cho phép khai thác đều tuân thủ qui định của pháp luật về hoạt động khai thác, từng bước phát huy hiệu quả, tạo điều kiện phát triển kinh tế hạ tầng, nhưng việc kiểm tra giám sát khối lượng khai thác theo qui định trong giấy phép được UBND Tỉnh cấp còn nhiều hạn chế, từ đó việc thất thu tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện vẫn còn xảy ra; việc phân cấp quản lý tài nguyên khoán sản còn nhiều bất cập, hầu hết việc cấp phép thăm dò khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, nên trong thời gian qua UBND huyện gặp khó khăn và lúng túng trong việc giải quyết đề nghị của UBND các xã, thị trấn xin phép khai thác những điểm nhỏ, lẻ nằm ngoài qui hoạch hoặc đã qui hoạch; đường giao thông không thuận lợi cho hoạt động khai thác qui mô. Vì vậy dẫn đến tình trạng khai thác tự phát gây thất thu về nguồn tài nguyên khoáng sản và phát sinh các vấn đề ô nhiễm môi trường…


Để công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện đảm bảo đúng theo qui định pháp luật, tránh tình trạng khai thác trái phép gây ô nhiễm môi trường và thất thoát tài nguyên. Ông Đỗ Văn Sĩ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cho biết: Trong thời gian tới, bên cạnh với việc ban hành các văn bản pháp lý trên lĩnh vực quản lý tài nguyên khoáng sản để chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý các nguồn tài nguyên khoáng sản tại địa phương, UBND huyện sẽ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra xử lý nghiêm các đơn vị khai thác khoáng sản không đúng qui định của pháp luật. Đồng thời, UBND huyện chỉ đạo các bộ phận chuyên môn của huyện tiến hành kiểm tra, khảo sát đề xuất UBND huyện trình Sở tài nguyên và Môi trường tỉnh qui hoạch cấp phép khai thác các điểm mỏ đất san lấp công trình đúng qui định.


NGỌC HÀ

 


Tin nổi bật Tin nổi bật